Theo số liệu thống kê của các ngành chức năng, hiện cả nước có hơn 2.790 làng nghề, trong đó Hà Nội có số làng nghề lớn nhất với 1.206 làng nghề. Trong nền kinh tế thị trường, hầu hết các làng nghề đang ngày một khởi sắc. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển đó còn tồn tại nhiều việc cần được quan tâm, giải quyết, trong đó có vấn đề tai nạn lao động đang ngày một gia tăng cùng với sự phát triển của các làng nghề.
Mất an toàn rình rập người lao động
Làng Đa Sỹ, Kiến Hưng, quận Hà Đông vốn nổi tiếng với nghề rèn dao, kéo, cuốc, xẻng… Làng có trên 1.300 hộ dân thì có đến 900 hộ làm rèn, với hơn 1.000 lò. Ngày nay, sản phẩm của làng nghề Đa Sỹ đã có mặt ở rất nhiều chợ đầu mối, 30% sản phẩm được xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, từ khi làng nghề phát triển thì tai nạn lao động ở đây cũng tăng so với trước. Anh Hoàng Văn Tuấn, hộ sản xuất dao kéo trong làng cho biết, do mặt hàng dao kéo phải trải qua công đoạn, rèn, gò, hàn, nung, mài nên rất nguy hiểm, chỉ sơ ý một chút là có thể bị bỏng, đứt tay hoặc bị mạt sắt bắn vào mắt.
Chia sẻ với phóng viên về những ca cấp cứu do tai nạn ở làng nghề này, ông Lê Trọng Liệt, Trạm trưởng Trạm y tế phường Kiến Hưng cho biết, hầu hết các tai nạn lao động ở làng nghề Đa Sỹ có liên quan đến mắt, tai và da liễu. Tiếng ồn từ các lò rèn, khí than, hơi nóng tại các lò nung dẫn đến số đông người lao động có bệnh về tai và mắt. Nhiều người bị giảm thị lực mắt xuống chỉ còn 2/10, có trường hợp nặng đã dẫn đến mù lòa. Còn theo nhận định của ông Đỗ Văn Hưng, Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng thì trung bình trong 3 hộ làm nghề, có 2 người đã bị tai nạn khi lao động.
Cũng như làng nghề Đa Sỹ, vấn đề tai nạn lao động tại làng nghề sản xuất cơ khí và đồ mỹ nghệ tại xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai cũng trở nên bức xúc. Với hơn 6.700 nhân khẩu và trên 900 cơ sở sản xuất, Thanh Thùy được coi là làng nghề thu hút rất đông lao động tham gia sản xuất. Ông Lý Duy Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Thùy cho biết: Nghề sản xuất cơ khí dễ gây tai nạn, cả xã có đến 80% số hộ làm nghề có người gặp tai nạn lao động. Trong đó, tai nạn thường gặp là bị mất ngón tay, người nhẹ thì bị mất 2 ngón, người nặng hơn thì mất nửa bàn tay. Đây chính là lý do mà người ta gọi xã Thanh Thùy với cái tên là làng "cụt ngón".
Người lao động thiếu ý thức và phương tiện bảo vệ
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội thì có đến 31,8% người lao động tại các làng nghề khi đến khám đều bị bệnh tật liên quan đến nghề nghiệp, ảnh hưởng đến sức khỏe cơ thể. Ngoài ra, người lao động còn hay mắc các bệnh về hô hấp, tim mạch, tai và mắt... Khảo sát của Phòng An toàn lao động Sở LĐ-TB&XH thành phố cho thấy, nguyên nhân chính là do người lao động chưa có ý thức phòng tránh và thiếu phương tiện bảo vệ.
Hiện tại, 80% các làng nghề sản xuất theo quy mô hộ gia đình nên không quan tâm tới vấn đề an toàn lao động. Ông Đỗ Văn Hưng, Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng cũng cho rằng, các vụ tai nạn trong lao động xảy ra ở làng nghề rèn Đa Sỹ chủ yếu là do người lao động không trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động. Người làm nghề vẫn quan niệm tai nạn là do sơ suất và chưa có ý thức để phòng tránh. Khi được tư vấn, hướng dẫn đeo các phương tiện bảo hộ thì không sử dụng vì ngại vướng víu, khó làm việc. Hiện nay, chính quyền địa phương và Hiệp hội làng nghề đã liên kết với các tổ chức như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh... đến tuyên truyền tác hại của tai nạn lao động ở các làng nghề, tư vấn để người lao động hiểu và dùng các thiết bị bảo hộ khi sản xuất nhưng chuyển biến chưa đồng đều.
Bên cạnh vấn đề tai nạn lao động do các phương tiện sản xuất gây ra ở các làng nghề thì vấn đề tai nạn về sức khỏe của người lao động cũng đã đến mức báo động. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát môi trường Công an thành phố Hà Nội thì có đến 90% các làng nghề bị ô nhiễm môi trường. Đây cũng được đánh giá là một dạng tai nạn lao động ngầm có tính chất rất nguy hiểm.
Tại xã Dương Nội, Hà Đông, có 3 làng nghề với 2.174 hộ sản xuất in, dệt, nhuộm, hấp vải nhưng hầu hết các cơ sở sản xuất chưa có hệ thống xử lý nước thải. Tại làng nghề Thụy Ứng, xã Hòa Bình, Thường Tín, có 665 hộ sản xuất, kinh doanh, chế biến da trâu, bò và sản xuất một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ sừng trâu, bò. Nước thải tại các làng nghề này có nhiều hóa chất dư thừa được đổ thẳng ra ao, hồ, sông gây độc hại rất lớn cũng là nguy cơ gây nên những căn bệnh hiểm nghèo.
Có thể thấy tai nạn lao động ở các làng nghề đang là vấn đề cần quan tâm trong quá trình xây dựng phát triển làng nghề theo hướng bền vững. Vì vậy, trong thời gian tới, các địa phương và ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân làng nghề nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn lao động. Đặc biệt là các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp ở các làng nghề, cơ quan lao động - TB&XH cần tập trung hướng dẫn và kiểm tra sát sao, nhắc nhở cần trang bị bảo hộ lao động cho người lao động để giảm thiểu tai nạn nhằm phát triển làng nghề bền vững.