Mỗi năm cả nước xảy ra hàng nghìn vụ tai nạn lao động (TNLÐ), song có không ít vụ bị bưng bít thông tin, việc xử lý các vi phạm cũng còn quá nhiều bất cập. Tăng chế tài xử phạt, tích cực tuyên truyền để người lao động chủ động tự bảo vệ mình là những giải pháp sẽ được các cơ quan chức năng chú trọng trong thời gian tới.
Nhiều doanh nghiệp "trốn" khai báo
Cục An toàn lao động - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LÐTB và XH) cho biết, trong năm 2016 cả nước xảy ra 7.981 vụ TNLÐ, làm 8.251 người bị nạn, làm 862 người chết. Trong đó, khu vực có quan hệ lao động trên toàn quốc đã xảy ra 7.588 vụ. Tại khu vực không có quan hệ lao động, thống kê tại 44/63 tỉnh, xảy ra 393 vụ. Nhiều nhất là ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Dương, Ðồng Nai, Thanh Hóa, Quảng Trị... Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết: "Trong năm 2016, tại TP Hồ Chí Minh đã tăng 12,86% so với năm 2015 về TNLÐ, sau đó đến Hà Nội, Bình Dương, Thanh Hóa".
Ðiều đáng chú ý, những con số trên chưa thống kê hết được số người gặp rủi ro trong quá trình lao động. Ông Mai Ðức Chính - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LÐLÐVN) cho biết: "Nhiều doanh nghiệp thỏa thuận với gia đình của nạn nhân như đưa ra mức đền bù 100 - 200 triệu đồng nhằm tránh việc gia đình công khai với pháp luật. Nhiều doanh nghiệp tìm cách "ém" thông tin về TNLÐ. Con số thống kê TNLÐ của ngành lao động và ngành y tế có sự chênh lệch lớn, trong đó ngành y tế báo cáo có khoảng 1.500 vụ thông qua việc người nhà nạn nhân khai báo khi nhập viện, ngành lao động báo cáo gần 8.000 vụ".
Theo tìm hiểu, lĩnh vực xảy ra nhiều TNLÐ nhất là xây dựng, đặc biệt là ở các khu vực xây dựng nhà cao tầng, hầm mỏ. Qua trao đổi, được biết nguyên nhân một phần là do ý thức công nhân kém, giám sát chưa bảo đảm, kỹ thuật
bảo hộ lao động "có vấn đề". Thế nhưng mức độ công khai tình trạng này lại rất hạn chế bởi các chủ đầu tư, nhà thầu đều tìm cách bưng bít thông tin.
Tăng tính khả thi của các quy định
Có một nghịch lý là, tai nạn nhiều nhưng vấn đề thanh tra, xử lý vi phạm về an toàn lao động hiện lại không đủ sức răn đe. Theo báo cáo của 23 tỉnh, thành trong cả nước, năm 2016 các cấp có thẩm quyền đã ban hành 1.334 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động (trong đó có ATVSLÐ) với số tiền phạt gần 24 tỷ đồng. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy, các hành vi vi phạm pháp luật chủ yếu là: Không tổ chức huấn luyện ATVSLÐ cho người lao động; không định kỳ kiểm định kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; không bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; hàng năm không xây dựng kế hoạch theo quy định; không tiến hành đo lường các yếu tố có hại tại nơi làm việc...
Có một điều cần bàn là, trong khi mức độ vi phạm ngày càng trầm trọng, việc phát hiện sai phạm ngày càng khó khăn do các doanh nghiệp vi phạm áp dụng biện pháp tinh vi, thì hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng lại vướng phải một số khó khăn, bất cập như: Một số hành vi vi phạm có mức xử phạt thấp, không đủ tính răn đe và không tương xứng với mức độ vi phạm; Thẩm quyền xử phạt của Chánh thanh tra Sở LÐ,TB và XH thấp, thời hạn kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính đến ngày ra quyết định xử phạt ngắn dẫn đến khó khăn cho đối tượng vi phạm khắc phục và thực hiện việc giải trình; trang thiết bị, máy móc phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra còn thiếu, một số hành vi chủ yếu chỉ nhìn bằng mắt thường, do đó thiếu tính thuyết phục trong việc chỉ ra lỗi đối với doanh nghiệp; Nghị định số 95/2013/NÐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực ATVSLÐ, sau đó được điều chỉnh, bổ sung bằng Nghị định số 88/2015/NÐ-CP vẫn chưa làm rõ thế nào là "cá nhân", thế nào là "tổ chức" để có thể áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính tương ứng; mặc dù đã có quy định về việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt nhưng chưa cụ thể và chưa phù hợp với thực tiễn nên tính khả thi không cao, hạn chế hiệu quả của hoạt động này.
Ông Mai Ðức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LÐLÐVN kiến nghị: "Tới đây, chúng tôi tiếp tục đề xuất sửa đổi Nghị định số 88 để phù hợp với thực tiễn, tăng chế tài xử phạt để răn đe". Còn ông Chang-Hee-lee, Giám đốc văn phòng ILO Việt Nam cho rằng, bên cạnh việc xử phạt vi phạm hành chính, Việt Nam cũng cần tìm ra những hình thức để khuyến khích các doanh nghiệp bảo đảm an toàn như: Tập huấn về ATVSLÐ cho người sử dụng lao động và người lao động; tổ chức các chiến dịch thanh tra lao động để phát hiện những tồn tại, qua đó kiến nghị doanh nghiệp cải thiện điều kiện làm việc...
Năm 2017 là năm đầu tiên Nhà nước tổ chức Tháng hành động về ATVSLÐ, đủ để thấy tầm mức của vấn đề đang lớn theo thời gian. Theo nhiều chuyên gia, để hạn chế các vụ tai nạn lao động, cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, tập huấn chính sách, đồng thời xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn pháp luật một cách kịp thời, đầy đủ. Rà soát Luật ATVSLÐ và Luật Bảo hiểm xã hội 2014 để bổ sung các hành vi vi phạm nhằm bảo đảm sự tuân thủ pháp luật của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
Cũng cần tăng thẩm quyền xử phạt của người có thẩm quyền so với quy định hiện hành; tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật; rà soát Bộ luật hình sự đối với tội danh liên quan đến ATVSLÐ để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, cùng một hành vi vi phạm không thể vừa xử phạt vi phạm hành chính, lại vừa bị xử lý hình sự; ban hành Thông tư hướng dẫn quy chế phối hợp giữa các ngành có liên quan trong việc cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
THIỀU VĂN LÝ