Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10687
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Mở rộng đối tượng áp dụng Luật ATVSLĐ cho tất cả người lao động
Sáng 12-11, tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm dự án Luật an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) do Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền và Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày.
 
Theo Báo cáo thẩm tra, việc xây dựng và ban hành Luật ATVSLĐ cần quan tâm một số nội dung cơ bản: Tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng, quy định của Hiến pháp và nội luật hóa các công ước quốc tế về ATVSLĐ mà Việt Nam là thành viên; Có cơ chế khuyến khích và mở rộng việc áp dụng tiêu chuẩn ATVSLĐ đối với khu vực không có quan hệ lao động; Chính sách, pháp luật về ATVSLĐ phải bảo đảm mục tiêu quan trọng là phòng ngừa tai nạn lao động và khắc phục tổn thương về sức khoẻ do lao động thông qua những biện pháp nhằm phòng ngừa, giảm thiểu các nguyên nhân rủi ro trong môi trường làm việc.
 
 
Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trình bày Tờ trình về dự án Luật an toàn vệ sinh lao động. Ảnh:  TTXVN.

Dự thảo Luật thiết kế 3 nhóm chính sách: Chính sách phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bao gồm: Chính sách thông tin, tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, huấn luyện ATVSLĐ; chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động. Chính sách giảm thiểu rủi ro bao gồm: Khai báo, thống kê, báo cáo, điều tra sự cố nghiêm trọng, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để có biện pháp khắc phục sự cố về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ người sử dụng lao động và chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Chính sách cho người lao động làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động bao gồm: thông tin, tuyên truyền, tư vấn về ATVSLĐ; chính sách hỗ trợ để huấn luyện ATVSLĐ khi làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; trách nhiệm khai báo tai nạn lao động; khuyến khích tham gia chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo hình thức tự nguyện.
 
Tại Điều 2 của Dự thảo luật về việc mở rộng đối tượng áp dụng có hai loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất tán thành với dự thảo Luật về việc mở rộng đối tượng áp dụng Luật ATVSLĐ cho tất cả người lao động. Loại ý kiến thứ  hai là chỉ áp dụng cho người lao động làm việc trong khu vực có quan hệ lao động để phù hợp với khả năng quản lý nhà nước về ATVSLĐ.
 
Nội dung này Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tán thành với loại ý kiến thứ nhất và thấy rằng, việc mở rộng đối tượng áp dụng đối với cả khu vực không có quan hệ lao động là cần thiết vì có hơn 60% người lao động đang làm việc trong khu vực này. Việc này cũng để đảm bảo tính khả thi cần xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích người lao động ở khu vực này áp dụng các tiêu chuẩn ATVSLĐ, đặc biệt là người lao động làm việc trong các lĩnh vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc những lĩnh vực có ảnh hưởng tới sức khỏe, an toàn của cộng đồng.
 
 

 
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật an toàn vệ sinh lao động. Ảnh: TTXVN.

Về chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong khu vực có quan hệ lao động do chủ sử dụng lao động đóng 1% từ quỹ tiền lương, loại ý kiến thứ nhất: Tán thành với dự thảo Luật về việc bổ sung thêm hai chính sách, đó là chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc (Điều 53) và chính sách hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (Điều 59). Nhưng loại ý kiến thứ hai lại cho rằng cần giữ nguyên các chính sách như hiện hành đó là trợ cấp một lần, trợ cấp hàng tháng, cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình, trợ cấp phục vụ, trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau khi điều trị thương tật, bệnh tật. Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tán thành với loại ý kiến thứ nhất và thấy rằng, việc sử dụng Quỹ để hỗ trợ cho cả doanh nghiệp và người lao động sẽ hài hòa lợi ích và hợp lý hơn. Tuy nhiên, để tránh lạm dụng đối với Quỹ, cần phải xác định rõ tiêu chí, điều kiện để hỗ trợ chi phí huấn luyện, tư vấn về ATVSLĐ.
Tại khoản 3, Điều 60 của Dự  án luật về chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo hình thức tự nguyện đối với người lao động không có quan hệ lao động cũng có 2 loại ý kiến: Một là tán thành bổ sung chính sách này trong dự thảo Luật và loại ý kiến thứ hai cho rằng không quy định chính sách này vì chưa phù hợp với khả năng quản lý bảo hiểm xã hội của Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Vấn đề này, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội thấy rằng, hiện nay, việc tổ chức chính sách này đối với đối tượng không có quan hệ lao động tính khả thi không cao, để được chăm sóc sức khỏe nhóm lao động này sẽ tham gia BHYT bắt buộc theo Luật bảo hiểm y tế. Do vậy, cần cân nhắc việc quy định chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo hình thức tự nguyện đối với nhóm lao động này trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, do đây là vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban xin trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Một một số vấn đề khác của Dự án luật như: Giải thích rõ hơn khái niệm “an toàn lao động” và “vệ sinh lao động” để đảm bảo phù hợp với nội dung các công ước quốc tế về an toàn lao động; bổ sung quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương, của xã hội và người lao động tham gia bảo đảm ATVSLĐ; quy định cơ chế khuyến khích người lao động phát hiện, trình báo, tố cáo về các trường hợp không đảm bảo điều kiện ATVSLĐ hoặc tai nạn lao động; quy định trách nhiệm của ngành y tế trong quản lý về vệ sinh lao động, bệnh nghề nghiệp như: khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; sửa đổi quy định người lao động thuộc diện được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau khi điều trị thương tật, bệnh tật; xác định rõ thẩm quyền chủ trì, phối hợp trong quản lý nhà nước về lĩnh vực ATVSLĐ giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với các bộ, ngành có liên quan; nghiên cứu bổ sung một mục riêng điều chỉnh về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ATVSLĐ; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật ATVSLĐ với các Luật chuyên ngành khác.

Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, về cơ bản, dự án Luật đã đảm bảo các điều kiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo cần khẩn trương chuẩn bị các văn bản hướng dẫn thi hành để sớm trình Quốc hội. Đồng thời, để đảm bảo đồng bộ với Luật bảo hiểm xã hội, những quy định liên quan đến chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tiếp tục thực hiện theo Luật bảo hiểm xã hội cho đến thời điểm Luật ATVSLĐ có hiệu lực thi hành.

HOÀNG LAN
Tin bài liên quan
Loading...