Sáng nay (25/5), Quốc hội bàn về Luật An toàn Vệ sinh Lao động. Vấn đề bổ sung đối tượng điều chỉnh của Luật được ghi nhận.
Tại Báo cáo tiếp thu ý kiến các Đại biểu quốc hội Kỳ họp thứ 8, đa số ý kiến đại biểu tán thành với việc bổ sung 02 chính sách mới trong chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN): hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc và hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Một số ý kiến đề nghị bổ sung chính sách bảo hiểm cho người bị mắc BNN khi đã chuyển công việc; quy định bảo hiểm TNLĐ-BNN linh hoạt theo ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động; bổ sung quy định bảo vệ quyền lợi cho người lao động khi giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động khác nhau và có tham gia đóng bảo hiểm TNLĐ-BNN thì khi bị TNLĐ-BNN được hưởng bảo hiểm TNLĐ-BNN; một số ý kiến băn khoăn về tính khả thi của chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN đối với người lao động làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động.
Ảnh minh họa
Về việc mở rộng chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN cho nhóm lao động không có quan hệ lao động, Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo như sau, kinh nghiệm các nước khi xây dựng, chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN thường căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng quản lý đối tượng tham gia để mở rộng dần đối tượng, Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cũng khuyến nghị các quốc gia chỉ áp dụng chính sách bảo hiểm cho một bộ phận người lao động không có quan hệ lao động (xã viên hợp tác xã, người lao động tự do hoặc tự tạo việc làm trong các trang trại và doanh nghiệp quy mô nhỏ). Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật quy định nguyên tắc chung về chính sách bảo hiểm TNLĐ theo hình thức tự nguyện, chưa quy định chính sách bảo hiểm bệnh nghề nghiệp (BNN) vì việc xác định và tổ chức thực hiện chế độ bảo hiểm BNN cho người lao động khu vực này khó khả thi, giao Chính phủ quyết định cụ thể về đối tượng và thời điểm thực hiện chính sách này cho phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội trong từng giai đoạn (Điều 6).
Về chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ-BNN khi trở lại làm việc và chính sách hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ-BNN, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã chỉnh lý 02 chính sách mới được bổ sung trong dự thảo Luật nhằm nâng cao ý thức đối với công tác AT,VSLĐ tại nơi làm việc cho người lao động, người chủ sử dụng lao động cũng như tạo điều kiện cho người lao động hòa nhập lại thị trường lao động sau khi bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp tại Điều 56 và 57.
Tại phiên thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu cũng thống nhất với ý kiến mở rộng đối tượng của Luật An toàn, Vệ sinh lao động.
Đại biểu Bùi Thị An (Đoàn QH Tp Hà Nội), cảm thấy mừng vì trong dự thảo lần này đã mở rộng đến cả những đối tượng không có quan hệ lao động. Bà còn mong muốn cần nhấn mạnh đến vấn đề bệnh nghề nghiệp các chất độc hại gây bệnh lâu dài.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn đại biểu Hà Nội) còn đề nghị mở rộng đối tượng đến những người liên quan, bà lấy ví dụ về vụ cần cẩu đổ khi đang thi công tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội. Những người đi đường là những người có thể chịu hậu quả của việc mất an toàn vệ sinh lao động...
Chiều nay, Quốc hội họp thảo luận ở tổ về, đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015 và Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013
Hồng Chuyên