Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10547
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Một số biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ ở Kho 661
Kho 661 là kho xăng dầu chiến lược trực thuộc Cục Xăng dầu (Tổng cục Hậu cần). Hằng năm, Kho có nhiệm vụ tổ chức tiếp nhận, bảo quản, quản lý, cấp phát và dự trữ hàng chục ngàn tấn xăng dầu. Đây là những mặt hàng dễ gây ra cháy nổ, có yêu cầu rất nghiêm ngặt về công tác an toàn. Mặc dù, địa bàn đóng quân rộng, phân tán, tuyến ống xăng dầu dài, đi qua nhiều loại địa hình khác nhau song do thực hiện tích cực, đồng bộ nhiều biện pháp, những năm trở lại đây, Kho 661 là một trong những đơn vị đảm bảo tốt công tác an toàn (AT), vệ sinh lao động (VSLĐ), không để xảy ra các vụ việc mất an toàn lao động (ATLĐ), cháy nổ và hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao.
 
 

Tổ chức tiếp nhận, vận hành cấp phát xăng (dầu) tại cảng Nam Ngạn. Ảnh: CTV

Có được kết quả trên, do lãnh đạo, chỉ huy Kho thường xuyên quan tâm, tổ chức tốt việc giáo dục ý thức AT, VSLĐ, phòng chống cháy nổ (PCCN) và giữ gìn vệ sinh môi trường cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên trong đơn vị. Đồng thời, thường xuyên bổ sung, kiện toàn và duy trì hoạt động có nền nếp hội đồng BHLĐ và mạng lưới AT, vệ sinh viên (VSV) ở tất cả các cấp. Căn cứ vào đặc điểm, nhiệm vụ của các ban, đơn vị trực thuộc, Kho quyết định thành lập Hội đồng BHLĐ- phòng chống bệnh nghề nghiệp gồm 10 đồng chí, do đồng chí Phó Chủ nhiệm Kho làm Chủ tịch, các thành viên là chỉ huy các ban, đơn vị và trợ lý AT, BHLĐ; mạng lưới AT, VSV gồm 30 đồng chí là cán bộ trung đội, nhân viên chuyên môn kỹ thuật. Đây là lực lượng nòng cốt trong việc tuyên truyền, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các yêu cầu bảo đảm ATLĐ. Trong công tác huấn luyện PCCN, Kho tập trung vào việc trang bị các kiến thức cơ bản về đặc tính nhiên liệu; những nguy cơ và nguyên nhân gây mất an toàn do cháy nổ; quy trình công tác bảo quản; các quy định bảo đảm ATLĐ, phương pháp sơ cấp cứu cá nhân... đặc biệt là huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ và nhân viên về tính năng, tác dụng và sử dụng thành thạo các trang thiết bị, phương tiện phòng cháy chữa cháy (PCCC). Cùng với đó, Kho còn tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức về AT, BHLĐ, trang bị đủ BHLĐ theo đúng tiêu chuẩn và định kỳ khám sức khoẻ cho các đồng chí trực tiếp làm việc trong môi trường độc hại, nơi có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động nhằm phát hiện những trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo... để kịp thời điều trị.
 
Trên cơ sở kế hoạch công tác quân sự của chỉ huy Kho và nhiệm vụ được giao, ngay từ đầu năm, các đơn vị tiến hành xây dựng kế hoạch PCCN, bảo đảm an toàn kho tàng, đặc biệt là kho xăng dầu, trạm máy, trạm cấp phát xăng dầu và thông qua Chủ nhiệm Kho phê duyệt. Thực hiện phương châm PCCN là chính, sẵn sàng chữa cháy có hiệu quả, chỉ huy các ban, đơn vị  thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, rà soát điều chỉnh, bổ xung kế hoạch PCCC phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị mình. Đồng thời, tổ chức luyện tập thành thục,  xử trí các tình huống trong phương án PCCN. Các trang thiết bị, phương tiện PCCC như xe cứu hoả, bình cứu hoả, xô, thùng, cuốc, xẻng, câu liêm và hệ thống công nghệ cứu hoả kho xăng dầu... cũng được thường xuyên kiểm tra, bổ sung, sửa chữa đảm bảo đủ số lượng, tình trạng kỹ thuật tốt, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu xử trí khi tình huống cháy nổ xảy ra. Tổ chức hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, các đơn vị bạn, chính quyền và nhân dân trên địa bàn đóng quân để ứng cứu kịp thời khi có tình huống xảy ra. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối khi thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, tiếp chuyển nhiên liệu từ cảng Nam Ngạn qua hệ thống đường ống tới các đơn vị, Kho xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị; xác định các biện pháp tổ chức thực hiện; dự kiến các tình huống và biện pháp xử trí khi xảy ra tình huống xấu nhất. Tổ chức hiệp đồng với các đơn vị nhận về thời gian; khối lượng; tổ chức kiểm tra, giám sát; thủ tục thanh quyết toán. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Sở PCCC; Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hoá và chính quyền địa phương (có tuyến ống đi qua) trong quá trình vận hành bơm tải xăng (dầu) qua tuyến ống. Tổ chức vận hành thử. Sau mỗi đợt tiếp nhận, vận hành cấp phát, Kho đều tổ chức rút kinh nghiệm với đơn vị tiếp nhận và các cơ quan liên quan của địa phương.
 
Nhằm hạn chế thấp nhất sự cố cháy nổ xảy ra, thời gian qua, Kho thường xuyên làm tốt công tác quản lý, bảo quản kho, bể chứa, tuyến ống vận hành xăng dầu, các trạm máy và hệ thống cột mốc, biển báo trên toàn tuyến ống. Năm 2013 và quý I/2014, Kho đã tiến hành tổ chức sửa chữa cục bộ 42m đường ống; di dời  620m đường ống; gia công công nghệ xả đáy bể số 5/K14; gia công công nghệ nhập kín 03 bể xăng dầu nội bộ; gia công công nghệ 03 bể mềm 25m3; làm nhà trực vận hành và mái che trạm máy tại cảng Nam Ngạn diện tích 70m2, khu công nghệ đồng hồ đo lưu lượng 81 m2; làm 184m2 nhà để xe máy trên tuyến ống. Đồng thời, tổ chức dồn dịch, sắp xếp các loại vật tư, xe máy... trong từng kho đảm bảo gọn gàng, thoáng mát, dễ thấy, dễ lấy, dễ kiểm tra; đặc biệt là thường xuyên kiểm tra chặt chẽ kho chứa vũ khí, đạn, các hoá chất độc hại, bảo đảm tốt các yêu cầu về AT, VSLĐ và PCCN. Tổ chức đo kiểm tra toàn bộ hệ thống chống sét, sửa chữa 5 điểm không bảo đảm yêu cầu về phòng chống sét. Đăng ký, kiểm định kỹ thuật an toàn các thiết bị đòi hỏi yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, phòng hộ lao động, PCCN. Kiểm định và cấp giấy phép sử dụng các loại xe ôtô, máy đo điện trở đất, máy đo nồng độ hơi xăng dầu, xe nâng, bình nén khí... theo đúng quy định. Thực hiện các biện pháp về kỹ thuật VSLĐ, phòng chống độc hại, cải thiện điều kiện lao động như: Khơi thông cống rãnh trong khu vực nhà kho, phát quang PCCN, vệ sinh công nghiệp. Tổ chức chống dột, chống sập nhà kho khí tài xăng dầu. Xây dựng và hoàn thiện bảng, biểu kho hàng, trạm máy chính quy, kiểu mẫu. Mua sắm bổ sung đầy đủ các trang bị BHLĐ cá nhân, dụng cụ, phương tiện AT, BHLĐ, PCCN kho tàng, nơi làm việc. Do làm tốt công tác AT, PCCN nên nhiều năm qua, Kho 661 luôn hoàn thành tốt kế hoạch tiếp nhận, cấp phát các loại nhiên liệu, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, trang thiết bị, phương tiện và nhiên liệu.
 
Song song với công tác AT, PCCN, Kho còn thực hiện tốt việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Đối với các loại chất thải rắn như keo dẻo, săm lốp ô tô, phôi sắt, nhựa, túi nilông, rác y tế được  thu gom, phân loại và đào hố chôn theo quy định. Với chất thải nguy hại như xăng, dầu, mỡ, dung dịch a xít... được thu gom, phân loại sau mỗi ngày làm việc và được xử lý bằng công nghệ, không để thải trực tiếp ra môi trường xung quanh. Các loại rác sinh hoạt hàng ngày được các cơ quan, đơn vị tổ chức thu gom vào hố rác tập trung cách xa khu sinh hoạt của bộ đội và được Công ty Môi trường- Đô thị thành phố Thanh Hoá nhận và vận chuyển đến nơi xử lý tập trung của thành phố. Nguồn chất thải của vật nuôi được các đơn vị xử lý trước khi sử dụng vào mục đích tăng gia sản xuất. Tại Phân kho 192 đã xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng bể vi sinh để gom chất thải vật nuôi, tạo khí Biôgas làm chất đốt phục vụ sinh hoạt hàng ngày của bộ đội...
 
Với những kết quả đạt được, nhiều năm qua, Kho 661 luôn được cấp trên đánh giá là đơn vị thực hiện tốt công tác AT, VSLĐ và PCCN. Đây là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng Kho đạt danh hiệu vững mạnh toàn diện, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.
 
 
Đại tá NGUYỄN NGỌC KHÔI, Chủ nhiệm Kho 661 
Tin bài liên quan
Loading...