Nhằm đảm bảo an toàn lao động trong sản xuất thì mạng lưới an toàn vệ sinh viên (ATVSV) giữ vai trò quan trọng.
An toàn - vệ sinh viên là người lao động trực tiếp, am hiểu nghiệp vụ (chuyên môn và kỹ thuật an toàn - vệ sinh lao động), nhiệt tình và gương mẫu trong việc chấp hành các quy định an toàn - vệ sinh lao động và được người lao động ở cơ sở bầu ra. Cán bộ an toàn - vệ sinh viên hoạt động dưới sự quản lý và hướng dẫn của Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc người đại diện tập thể người lao động, trên cơ sở "Quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn - vệ sinh viên".
An toàn - vệ sinh viên có nhiệm vụ: Đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn mọi người trong tổ, phòng, khoa chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về an toàn - vệ sinh lao động, bảo quản các thiết bị an toàn, phương tiện bảo vệ cá nhân; nhắc nhở tổ trưởng, trưởng phòng, trưởng khoa chấp hành các quy định về an toàn - vệ sinh lao động. Giám sát việc thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quy trình, nội quy an toàn - vệ sinh lao động, phát hiện những thiếu sót, vi phạm về an toàn - vệ sinh lao động của người lao động trong tổ, phòng, khoa; phát hiện những trường hợp mất an toàn của máy, thiết bị. Tham gia xây dựng kế hoạch an toàn - vệ sinh lao động, các biện pháp, phương án làm việc an toàn - vệ sinh lao động trong phạm vi tổ, phòng, khoa; tham gia hướng dẫn biện pháp làm việc an toàn đối với người lao động mới đến làm việc ở tổ, phòng, khoa. Kiến nghị với tổ trưởng hoặc cấp trên thực hiện đầy đủ các chế độ
bảo hộ lao động, biện pháp bảo đảm an toàn - vệ sinh lao động và khắc phục kịp thời những hiện tượng thiếu an toàn, vệ sinh của máy, thiết bị và nơi làm việc.
Song song với 4 nhiệm vụ trên, an toàn - vệ sinh viên có quyền được dành một phần thời gian làm việc để thực hiện các nhiệm vụ của an toàn - vệ sinh viên; riêng đối với an toàn - vệ sinh viên trong tổ sản xuất được trả lương cho thời gian thực hiện nhiệm vụ đó và được hưởng phụ cấp trách nhiệm như tổ trưởng sản xuất. Yêu cầu người lao động trong tổ ngừng làm việc để thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn - vệ sinh lao động, nếu thấy có nguy cơ trực tiếp gây sự cố, tai nạn lao động. Đồng thời, được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp hoạt động do công đoàn và người sử dụng lao động phối hợp tổ chức.
Vì vậy, với vai trò vừa là người hướng dẫn vừa là người theo dõi, giám sát và kiến nghị với người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh lao động, đội ngũ an toàn vệ sinh viên (ATVSV) trong các doanh nghiệp đang ngày càng khẳng định vai trò cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định về lĩnh vực này trong quá trình sản xuất kinh doanh. Hoạt động của moaHoạng lưới ATVSV đã đem lại những hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện điều kiện lao động, bảo vệ môi trường, ngăn ngừa sự cố, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo vệ sức khoẻ, tính mạng và quyền lợi người lao động. Nghị quyết 5b/NQ-BCH về đẩy mạnh công tác BHLĐ của công đoàn trong tình hình mới xác định: “Phát triển và nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ ATVSV để thực sự trở thành lực lượng nòng cốt trong hoạt động BHLĐ ở cơ sở”. Và Kế hoạch số 03/KH-TLĐ về triển khai thực hiện chỉ thị số 29/CT-TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh công tác ATLĐ, VSLĐ thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế cũng đề ra mục tiêu “đến 2018 phấn đấu trong các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, mỗi tổ sản xuất có bình quân một ATVSV, đồng thời nhấn mạnh “tập trung củng cố và nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ ATVSV”.
Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của lực lượng ATVSV, trong những năm qua, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN) đã thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn quan tâm, chỉ đạo thành lập, phát triển mạng lưới ATVSV, coi đây là một trong những nội dung, yêu cầu vừa mang tính chiến lược, lâu dài, vừa có tính cấp thiết trong việc thực hiện công tác ATVSLĐ ở cơ sở. Bên cạnh đó, hàng năm Tổng LĐLĐVN đều duy trì được công tác huấn luyện thường kỳ về nghiệp vụ ATVSLĐ cho các cán bộ làm ATVSLĐ của các Công đoàn ngành Trung ương, LĐLĐ các tỉnh, thành phố.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Liên đoàn, các cấp công đoàn cũng đã tích cực hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở sản xuất thành lập, quản lý và chỉ đạo hoạt động của mạng lưới ATVSV theo quy định của pháp luật. Nhiều công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp đã chủ động tổ chức cho người lao động bầu chọn đội ngũ ATVSV ở các tổ đội sản xuất, phối hợp cùng chuyên môn xây dựng quy chế hoạt động, duy trì nhiều hình thức sinh hoạt phong phú tạo điều kiện để ATVSV được học tập trao đổi kinh nghiệm nâng cao kiến thức và kỹ năng hoạt động. Trong năm 2013, các cấp công đoàn đã tổ chức được 507 cuộc thi tìm hiểu về ATVSLĐ, PCCN với 94.153 người tham dự; có 97 Hội thi ATVSV giỏi cấp cơ sở và 34 Hội thi ATVSV giỏi cấp tỉnh, ngành. Trong đó những đơn vị có số lượng ATVSV đông và tỷ lệ được tập huấn bồi dưỡng cao trong năm 2013 là Công đoàn Xây dựng Việt Nam 13.090/13.090 người; Công Thương Việt Nam 11.100/11.300 người; LĐLĐ thành phố Đà Nẵng 23.083/23.295; LĐLĐ Hải Dương 4.478/6.890... Có thể nói, đến nay, sau nhiều năm hoạt động, mạng lưới ATVSV trong các doanh nghiệp đã thực sự trở thành một bộ phận hết sức quan trọng trong việc duy trì và thực hiện tốt công tác ATVSLĐ ở cơ sở sản xuất. Đội ngũ này không chỉ phát hiện, ngăn chặn kịp thời những thiếu sót tồn tại, những biểu hiện vi phạm pháp luật và các quy định về ATVSLĐ, mà còn phát huy được tính tích cực của quần chúng trong quá trình thực hiện công tác này, giúp NSDLĐ thực hiện tốt phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, Bảo đảm ATVSLĐ” ở cơ sở, phòng ngừa hiệu quả TNLĐ, BNN đối với công nhân lao động.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Vũ Anh Đức - Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật (Tổng LĐLĐ Việt Nam), bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của mạng lưới ATVSV trong các đơn vị, doanh nghiệp còn một số khó khăn, tồn tại sau:
Thứ nhất, ATVSV bản thân họ cũng là NLĐ, do đó trong thời gian làm việc họ có nghĩa vụ phải hoàn thành khối lượng công việc được giao, mặc dù pháp luật quy định “ATVSV được dành một phần thời gian làm việc để thực hiện các nhiệm vụ của ATVSV; riêng đối với ATVSV trong tổ sản xuất được trả lương cho thời gian thực hiện nhiệm vụ đó và được hưởng phụ cấp trách nhiệm như tổ trưởng sản xuất”. Tuy nhiên chưa có quy định cụ thể về vấn đề này, do đó ATVSV có rất ít, thậm chí không có thời gian để làm nhiệm vụ của mình.
Thứ hai, quy định pháp luật về mạng lưới ATVSV, nhất là quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của ATVSV chưa cụ thể. Hiện nay, mạng lưới ATVSV được trao cho rất nhiều quyền, như: quyền được hưởng phụ cấp trách nhiệm; quyền được yêu cầu NLĐ ngừng công việc; quyền được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ... nhưng lại chưa có cơ chế để đảm bảo thực hiện, do đó hầu như những quyền này của ATVSV không được thực hiện trong thực tế.
Thứ ba, NSDLĐ chưa thực sự hiểu rõ ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của mạng lưới ATVSV. Thậm chí nhiều đơn vị, doanh nghiệp thành lập mạng lưới ATVSV chỉ mang tính đối phó với việc kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước. Vì vậy, mạng lưới ATVSV được thành lập nhưng không được tạo điều kiện để hoạt động; không có quy chế hoạt động hoặc quy chế không quy định các cơ chế tạo điều kiện cho ATVSV hoạt động;…
Thứ tư, việc tổ chức và chỉ đạo hoạt động mạng lưới ATVSV của công đoàn cơ sở chưa bài bản, nề nếp; không có hình thức sinh hoạt định kỳ, không đánh giá, phân loại ATVSV hàng năm; công tác tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ, phương pháp hoạt động cho mạng lưới ATVSV chưa được thường xuyên. Bên cạnh đó, chính bản thân nhiều ATVSV cũng chưa hiểu rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của mình trong công tác ATVSLĐ, chưa nắm vững phương pháp hoạt động và mục tiêu công tác; do đó hoạt động của từng ATVSV còn thụ động và chưa hiệu quả.
Vì vậy, theo ông Vũ Anh Đức, để nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới ATVSV, góp phần ngăn ngừa, hạn chế TNLĐ, BNN và duy trì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, trong thời gian tới các cấp, các ngành cần quan tâm giải quyết một số vấn đề sau:
Một là, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ thông qua các hoạt động thanh tra, kiểm tra, qua đó phát hiện và xử lý nghiêm các đơn vị, doanh nghiệp chưa thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định pháp luật về ATVSLĐ, trong đó có quy định về mạng lưới ATVSV.
Hai là, cần quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của ATVSV về các cơ chế bảo đảm thực hiện các quyền này, cũng như quy định chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, cần tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền cho NLĐ, NSDLĐ thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của mạng lưới ATVSV để NSDLĐ hiểu và tạo điều kiện cho mạng lưới ATVSV hoạt động và NLĐ hiểu và hợp tác tốt với mạng lưới ATVSLĐ trong công tác phòng ngừa TNLĐ, BNN ở đơn vị, doanh nghiệp.
Ba là, đối với tổ chức công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở cần tăng cường quản lý và chỉ đạo hoạt động của mạng lưới ATVSV; chủ động lựa chọn những công nhân lành nghề, gương mẫu, có uy tín để giới thiệu cho tập thể lao động bầu chọn làm ATVSV; chủ động tham gia cùng chuyên môn xây dựng quy chế hoạt động của mạng lưới ATVSV; đề xuất các cơ chế hoạt động cho ATVSV trong Thỏa ước lao động tập thể trong nội quy, quy chế của đơn vị; hàng năm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và phương pháp hoạt động cho ATVSV; duy trì chế độ sinh hoạt động của mạng lưới ATVSV 1 lần/tháng; định kỳ hàng năm tổ chức tổng kết, đánh giá khen thưởng, động viên kịp thời với những ATVSV có thành tích.
Cảnh Minh