Là xưởng sửa chữa cấp chiến dịch, thời gian qua, Xưởng X81 (Cục Kỹ thuật Quân khu) luôn chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo dưỡng sửa chữa đồng bộ (BDSCĐB) xe-máy quân sự, góp phần bảo đảm kỹ thuật cho các đơn vị trong LLVT Quân khu nâng cao sức cơ động thực hiện nhiệm vụ.
Đã gần trưa, mặc cho cái nắng giữa hạ oi nồng đổ xuống, nhưng không khí làm việc tại Phân xưởng xe-máy, Xưởng X81 (Cục Kỹ thuật Quân khu) vẫn diễn ra hết sức sôi động. Anh em lính thợ đang chạy đua cùng thời gian hoàn thành từng phần việc, đẩy nhanh tiến độ đồng bộ số xe ô tô đơn vị đã tiếp nhận. Nhìn những chiếc xe GAZ-66 trông vẫn còn rất mới, bị tháo rời thành từng bộ phận, chúng tôi không khỏi thắc mắc vì sao chúng lại phải đưa về xưởng để BDSCĐB? Trao đổi điều đó với Trung tá QNCN Nguyễn Xuân Thủy, Quản đốc Phân xưởng xe máy, chúng tôi được anh Thủy giải thích: “Những xe này được biên chế vào các đơn vị từ những năm 1980 của thế kỷ trước, tuổi xe có khi còn nhiều hơn cả tuổi quân, tuổi đời của một số anh em lính thợ trong phân xưởng. Tuy được niêm cất bảo quản theo đúng quy trình “kê cao, kích bổng”, nhưng vì lâu ngày không hoạt động nên phần điện, phần gầm, phần máy đã cũ nát do bị ăn mòn tự nhiên”. Để chúng tôi hiểu rõ hơn về tình trạng kỹ thuật của xe, chỉ vào phần động cơ chiếc GAZ-66, biển kiểm soát KC-6235, Quản đốc phân xưởng tiếp lời: Động cơ xe bị hư hỏng nặng, két nước tắc, mặt máy cong vênh, chế bơm xăng hỏng...khi đồng bộ chúng tôi gặp không ít khó khăn do phụ tùng khan hiếm, giá thành cao. Thực hiện nhiệm vụ được giao, cùng với đề xuất để chỉ huy Xưởng đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị sửa chữa, anh em đơn vị còn có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng rộng rãi vào quá trình BDSCĐB, mang lại hiệu quả cao.
Ở Phân xưởng cơ khí, không khí làm việc cũng không kém phần sôi động. Trong bộ quần áo
bảo hộ lao động đã bạc màu, loang vết dầu mỡ, Đại úy QNCN Nguyễn Hữu Cương, Tổ trưởng tổ cơ khí đang cùng anh em đồng bộ phần khung mui xe GAZ-66, anh Cương cho biết: Trước đây, khi uốn khung mui bạt, Xưởng phải thuê các cơ sở sửa chữa tư nhân, đi lại rất mất thời gian, chi phí cũng tốn kém, mỗi xe bình quân uốn khung hết gần 600 nghìn đồng. Từ tháng 4 năm 2014, Thiếu tá QNCN Mai Văn Thông, Quản đốc Phân xưởng có sáng kiến “Bộ vam uốn ống”, đã giảm được chi phí, lại rất thuận tiện trong quá trình xử lý, được chỉ huy Xưởng đánh giá cao, chỉ đạo đơn vị áp dụng rộng rãi vào quá trình BDSCĐB.
Đồng bộ động cơ xe GAZ-66 tại Phân xưởng sửa chữa xe máy.
Bám sát các phân xưởng thực hiện nhiệm vụ, Thiếu tá Nguyễn Đức Huy, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật Xưởng 81, chia sẻ với chúng tôi: Đơn vị đang tiến hành đồng bộ xe cho Trung đoàn 653 (Cục Hậu cẩn Quân khu) và Bộ CHQS tỉnh Thái Bình. Số lượng xe BDSCĐB đa dạng về chủng loại, nhiều nước sản xuất, đã qua nhiều lần sửa chữa, tính đồng bộ không cao, dễ hư hỏng (chủ yếu là xe cấp 3,4), chất lượng không đồng nhất... Khắc phục những khó khăn thực tế đặt ra, Xưởng chủ động đề ra nhiều giải pháp như: Trước khi sửa chữa, tuyển chọn cán bộ, thợ sửa chữa có chuyên môn nghiệp vụ vững tham gia khảo sát sửa chữa, nắm bắt và dự kiến những hỏng hóc sau khi tháo dỡ để làm công tác chuẩn bị. Quá trình BDSCĐB làm trước 5 xe, sau từng phần xe và từng giai đoạn đều thành lập tổ kỹ thuật, kết hợp mời Phòng Xe máy-Cục Kỹ thuật Quân khu rút kinh nghiệm, chỉ rõ những hạn chế như: Chất lượng sau đồng bộ; quy trình sửa chữa và các quy định về công tác bảo đảm an toàn trong lao động...Vì vậy, thời gian qua, Xưởng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Sáu tháng đầu năm 2014, Xưởng đã sửa chữa xong và bàn giao 15 xe cho Quân khu, 11 xe khu vực, 20 xe thuộc Trung đoàn 653, đạt 62,78% kế hoạch năm, được Hội đồng nghiệm thu các cấp đánh giá cao, đơn vị sử dụng phản hồi tốt.
Theo Trung tá Đan Hồng Hải, Chính trị viên Xưởng: Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đơn vị luôn chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực hoạt động thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, thợ sửa chữa. Với phương châm “lý thuyết đi đôi với thực hành”, những đồng chí mới về nhận công tác, đơn vị phân công những đồng chí có chuyên môn nghiệp vụ vững trực tiếp bồi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi để anh em cọ sát thực tế nhiều hơn. Cùng với đó, hằng năm đơn vị đề nghị cấp trên cử cán bộ, thợ sửa chữa tham gia các lớp bồi dưỡng do trên tổ chức. Chính vì vậy tay nghề bậc thợ được nâng lên, hiện tay nghề bậc thợ bình quân của anh em trong xưởng đạt 5/7; Phân xưởng ô tô có 3 đồng chí đoạt bàn tay vàng toàn quân qua các lần tham gia hội thi thợ sửa chữa xe máy giỏi cấp toàn quân.
Bài, ảnh: MINH THIỆN