Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10523
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Năng động làng nghề Triều Khúc
Làng Triều Khúc huyện Thanh Trì có truyền thống lâu đời về sản xuất các mặt hàng bằng tơ lụa. Từ ba bốn thế kỷ trước, làng đã có những nghề làm góp phần hoàn chỉnh bộ trang phục phụ nữ: nghề dệt the (áo the, quạt the); nghề dệt nái (yếm, bao thắt lưng); nghề nhuộm (áo, yếm, váy, thắt lưng); nghề làm độn tóc đuôi gà; nghề kim hoàn.


 
Đến cuối thế kỷ XVIII, vào thời Lê - Trịnh, ông Vũ Đức úy được triều đình cử làm Phó sứ sang Trung Quốc và học được nghề dệt thao, về nước được vua phong chức, tổ chức dạy nghề cho dân làng Triều Khúc. Chiếc nón dẹt, từ ngày có quai thao đã mềm mại và duyên dáng hơn, được các bà, các cô gần xa ưa dùng. Sản phẩm đôc đáo đã gắn liền với tên gọi nôm na của làng Triều Khúc: làng Đơ Thao (vì làng ở sát tỉnh Hà Đông, trước có tên gọi Cầu Đơ, để phân biệt với Đơ đồng, Đơ làm ruộng).
 
Cùng với quai thao, trước đây Triều Khúc còn làm chân chỉ hạt bột để gắn vào voi thờ, ngựa thờ, y môn, tàn, tán. Từ lông gà, lông vịt, tóc rối, qua bàn tay cần mẫn và khéo léo, người Triều Khúc còn làm ra phất trần, độn tóc và hoa lông gà được dùng nhiều vào dịp Tết Nguyên đán.
 
Nét đặc biệt của người Triều Khúc là biết thu gom những thứ “vứt đi” để làm thành những sản phẩm có giá trị kinh tế và nghệ thuật. Ca dao xưa có câu: “Mốt son anh dệt đầu hàng; Mốt cục đem bán cho nàng Đơ Thao”. Những sợi tơ tốt nhất (mốt son) dùng để dệt lụa, còn tơ rối, tơ sần bị thải (mốt cục), người làng mua về gỡ từng mối, xếp thành từng loại để dệt các mặt hàng sồi, quai thao, dường làm chân chỉ.. Vào những năm khó khăn, người ta còn mua cả những chiếc tất thủng, những mảnh vải vụn rồi gỡ sợi dệt thành hàng mới.
 
Vào những năm 30 của thế kỷ XX, trước nguy cơ nghề thao bị mai một, các nghệ nhân làng Triều Khúc đã thực hiện một cuộc cách tân lớn. Cụ Nguyễn Hữu Dị đem hàng dự hội chợ ở tỉnh Hà Đông. Bức hoành có 4 chữ nổi: “Hà Đông thị ngô” được gắn kết bằng những hạt ngô nhuộm màu, và hạc thờ thân cao 3 thước, sải cánh 4 thước, cốt bằng mây tre đan đã được thưởng “ Nam Long bội tinh”, cụ Dị được phong hàm bá hộ và được đi thăm Campuchia. Tại đây, cụ Dị đã học được nghề dệt thổ cẩm, dệt gấm hoa, tết dây kim tòng. Cũng vào thời gian này, cụ Nguyễn Duy Tơ học được nghề thêu ren; cụ Nguyễn Huy Châu mang các mặt hàng thủ công mỹ nghệ vào dự hội chợ ở Huế và được tặng bằng khen. Tại đây, cụ Châu cũng học được nghề dệt khăn mặt. Khi về làng cụ còn đi học cách làm khung dệt, từ đó làng có thêm nghề này.
 
Phát triển từ các kỹ nghệ thêu, nhuộm, từ năm 1957, làng có thêm nghề dệt băng huân, huy chương. Gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Dị, khi được Cục Quân nhu đặt hàng đã cùng với những người trong gia đình là ông Cả Dùng, bà Dằng, ông Phán, bà Phàn, bà Huế  nghiên cứu nhuộm và dệt thành công các loại cầu vai quân hàm. Sau cụ Dị có hướng dẫn cho nhiều gia đình cùng làm, nhưng về nhuộm và hãm màu thì không ai bằng gia đình cụ.
 
Cụ Dị và dân làng Triều Khúc còn dệt dây đeo súng phục vụ quân đội, khăn len, khăn sợi, khăn mặt, vải màn. Có năm nghề dệt thủ công truyền thống ở đây đã làm ra tới vài chục mặt hàng. Về sau, các nghệ nhân Nguyễn Duy Từng, Nguyễn Hữu Úc, Đỗ Đình Được vẫn dệt thổ cẩm, đồng thời còn truyền nghề cho một số địa phương khác và cả nước bạn Lào.
 
Do nghề thủ công phát triển, làng công nghệ Triều Khúc đã từng được  Hoàng hậu Nam Phương và một vài vị nguyên thủ các nước lân bang như Vua Thái Lan và Quốc trưởng Campuchia đến thăm. Tổng đốc tỉnh Hà Đông Hoàng Trọng Phu trong sách Những nghề thủ công truyền thống gia đình ở tỉnh Hà Đông đã giới thiệu 15 nghề chính của làng Triều Khúc. Báo Đông Dương viết bằng tiếng Pháp năm 1935 có bài giới thiệu khá kỹ làng nghề Triều Khúc, kèm bức ảnh chụp toàn cảnh làng từ trên máy bay xuống.
 
Gần một thế kỷ qua, đất nước ta trải nhiều biến động thăng trầm, nhưng với bản tính năng động và sáng tạo, nhanh nhạy thích ứng trước những đổi thay nên làng nghề này vẫn tồn tại và phát triển.

Năm 1960, làng có hơn 400 khung dệt và máy dệt. Khi thị trường Liên Xô và các nước Đông Âu không còn thì một số gia đình chuyển sang dệt vải may áo bảo hộ lao động, giày vải, găng tay. 30% số hộ chuyển dệt dây chun, xe chỉ thêu. Một số các bà, các cô hằng ngày vẫn đi mua lông gà, lông vịt, gang, sắt, đồng, nhôm. Lông gà, lông vịt được sơ chế làm phất trần, số còn lại bán cho xí nghiệp lông vũ. Các loại nhựa về Triều Khúc được phân loại rồi cho vào máy xay, máy cán nhựa để làm ra rổ, rá, lồng bàn, cán chổi lau nhà.
 
Hiện nay, làng Triều Khúc có một HTX công nghiệp dệt, 20 doanh nghiệp tư nhân. Các đơn vị này làm ra hơn 100 mặt hàng thủ công.
 
Đi lên từ nghề truyền thống, hiện nay Triều Khúc có 60% số gia đình khá giả. Thanh niên nam nữ đều say sưa với nghề. Nếp đẹp trong phong tục, tập quán được dân làng gìn giữ và phát huy. Để giữ môi trường sạch, đẹp, khu công nghiêp Tân Triều rộng 50 ha sẽ được thành lập, tạo nơi làm việc cho hàng trăm thợ làng.
Tin bài liên quan
Loading...