Ngành GTVT Hà Nội: Kiểm tra công tác ATVSLĐ - PCCN các đơn vị, doanh nghiệp
Vừa qua, Ban chỉ đạo công tác an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ Sở GTVT Hà Nội phối hợp với Công đoàn ngành tiến hành kiểm tra công tác bảo hộ lao động và chấm điểm thi đua phong trào “Xanh – sạch – đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động – PCCN” tại các đơn vị trực thuộc ngành GTVT Hà Nội. Tham gia đoàn có các đồng chí: Đào Lan Anh – Chủ tịch Công đoàn ngành GTVT Hà Nội; Lưu Xuân Bình – Phó chánh Văn phòng Ban ATGT; Nguyễn Thế Hùng – Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, đại diện phòng Tổ chức cán bộ Sở và các chuyên viên thuộc phòng, ban của Sở GTVT Hà Nội.
Công tác an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, nhằm chăm lo cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ người lao động, bảo vệ tài sản của nhà nước và cơ sở lao động, giảm thiểu đến mức thấp nhất hoặc không để xảy ra cháy nổ, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động – phòng chống chảy nổ là trách nhiệm và nghĩa vụ của cả người lao động và người sử dụng lao động nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của mỗi người; đồng thời đảm bảo cho sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp và sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Nội dung kiểm tra tập trung vào công tác tổ chức quản lý về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ của các cơ sở, doanh nghiệp. Cụ thể, Đoàn đã trực tiếp kiểm tra về các biện pháp kỹ thuật an toàn và PCCN; các biện pháp về kỹ thuật vệ sinh lao động, phòng chống độc hại, cải thiện điều kiện làm việc và an toàn lao động trong sản xuất; công tác chăm sóc sức khỏe của người lao động cũng như việc tổ chức đăng ký, kiểm định máy móc, thiết bị vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về
bảo hộ lao động, tai nạn lao động và PCCN, công tác tuyên truyền, huấn luyện về ATVSLĐ - PCCN…
Qua kiểm tra, nhìn chung các đơn vị đã bám sát sự chỉ đạo của Công đoàn Ngành, Thành phố, kịp thời tham mưu cho Lãnh đạo đơn vị, doanh nghiệp ban hành các văn bản triển khai, hướng dẫn, tổ chức tuyên truyền, phổ biến kịp thời, sâu rộng các chính sách pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy phạm về ATVSLĐ, trong đó tập trung vào các đơn vị lao động có ngành nghề sản xuất, kinh doanh có nhiều yếu tố, nguy cơ cao dễ xảy ra cháy nổ, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN).
Công tác ATVSLĐ - PCCN đã được chủ doanh nghiệp và NLĐ quan tâm thực hiện, 100% cơ sở lao động là doanh nghiệp Nhà nước và nhiều doanh nghiệp ngoài nhà nước đã thành lập được Hội đồng bảo hộ lao động và bố trí cán bộ làm công tác ATVSLĐ chuyên trách hoặc bán chuyên trách, xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch công tác ATVSLĐ hàng năm gắn với kế hoạch sản xuất kinh. Nhiều đơn vị đã quan tâm đầu tư cải thiện điều kiện lao động; thực hiện chế độ tự kiểm tra, thống kê, báo cáo. Các chế độ, quyền lợi của NLĐ về ATVSLĐ như huấn luyện và cấp thẻ an toàn, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, khám sức khoẻ định kỳ, thực hiện thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bồi dưỡng hiện vật được quan tâm hơn. Năm 2013, các đơn vị đều tổ chức tập huấn và huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động và được cấp thẻ an toàn viên.
Tuy nhiên, khó khăn chung mà các đơn vị gặp phải trong thực hiện công tác ATVSLĐ-PCCN là kinh phí đầu tư trang bị phương tiện bảo hộ lao động và tổ chức diễn tập còn hạn chế; việc đầu tư về cơ sở vật chất, điều kiện đảm bảo và duy trì hoạt động ATVSLĐ - PCCN còn ít; vấn đề đảm bảo chế độ bảo hộ lao động, bồi dưỡng độc hại cho người lao động còn chưa thoả đáng…Đoàn kiểm tra cũng nhắc nhở, hướng dẫn doanh nghiệp kiện toàn lại bộ máy làm công tác ATVSLĐ; tiếp tục tổ chức các lớp huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động; hoàn chỉnh hồ sơ quản lý và huấn luyện PCCC. Các đơn vị có xây dựng kế hoạch nhưng thiếu nhiều nội dung, trong đó phổ biến nhất là thiếu phần kế hoạch kinh phí, thời gian thực hiện. Chưa thực hiện nghiêm túc việc đo kiểm môi trường lao động từ đó có căn cứ để xây dựng biện pháp cải thiện điều kiện lao động và bồi dưỡng hiện vật cho người lao động.
Minh Hoàn