Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10707
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Ngành mía đường Việt Nam phải chấp nhận một cuộc chơi công bằng
Dù năng lực sản xuất kém, giá thành cao nhưng nhiều năm qua ngành mía đường Việt Nam vẫn được Nhà nước bảo hộ bằng mức thuế cao đối với đường nhập khẩu. Sự bảo hộ này sắp hết “hiệu lực” và đã đến lúc doanh nghiệp mía đường phải chấp nhận cạnh tranh công bằng để tồn tại.
 
 
Yếu toàn diện
 
Những ngày gần đây, những yếu kém của ngành mía đường đã thực sự “nóng” lên khi Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú có bài viết đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương. Theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, có thực trạng là DN mía đường còn thụ động, dựa vào bảo hộ và không tích cực chuẩn bị cho hội nhập.
 
Quả thật, không thể phủ nhận rằng, sức cạnh tranh của ngành mía đường đang có vấn đề xuất phát từ việc năng suất và chất lượng mía của Việt Nam rất thấp, kỹ thuật canh tác lạc hậu, giá thành cao, hệ thống phân phối yếu, liên kết giữa các DN và giữa DN với nông dân còn lỏng lẻo… Việt Nam hiện đứng trong nhóm 10 nước có diện tích trồng mía lớn nhất thế giới, nhưng trong nhóm 10 nước đó, năng suất mía của Việt Nam (64,7 tấn/ha) chỉ cao hơn năng suất của Pakistan và Indonesia. Do năng suất mía và trữ đường thấp nên năng suất đường của Việt Nam cũng thấp hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực. Đây là những lý do khiến người dân Việt Nam đang phải mua đường sản xuất trong nước với giá cao.
 
Không chỉ có vậy, hiện quan hệ giữa người nông dân trồng mía với các nhà máy đường vẫn không đổi mới trong hàng chục năm qua. Vẫn chỉ có người nông dân tự trồng mía và bán cho nhà máy theo phương thức “mua đứt, bán đoạn”, người nông dân luôn ở thế yếu trong quan hệ này. Khi giá bán đường trong nước lên cao, các nhà máy chưa quan tâm chia sẻ lợi ích với người nông dân trồng mía, đến khi giá xuống thì gánh nặng lại dồn hết lên vai người nông dân, dẫn đến tình trạng “được mùa, mất giá; được giá, mất mùa” mà lâu nay vẫn diễn ra. Người nông dân không yên tâm trồng mía và sẵn sàng chặt bỏ để chuyển sang cây trồng khác, khiến ngành mía đường không chủ động được nguồn nguyên liệu.
 
Cần phải biết đối mặt với thực tế
 
Trước những yếu kém đó, vị Thứ trưởng này cho rằng, cần có sự đổi mới cơ bản và khẩn trương cho tất cả các vấn đề, lĩnh vực trên thì mới đáp ứng được yêu cầu hội nhập trong thời gian tới đây. Trong đó, chính việc hội nhập từng bước theo lộ trình sẽ là động lực thúc đẩy đổi mới. Việc đổi mới này phải do cả các cơ quan quản lý Nhà nước, Hiệp hội và các DN mía đường cùng tham gia thực hiện. Định hướng chính là chủ động mở cửa dần dần để tạo sự cạnh tranh từng bước, trong đó việc NK đường của HAGL là một bước như vậy.
 
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho rằng đây thực chất là “sản phẩm của Việt Nam”, và “việc nhập khẩu đường của HAGL thực chất cũng chỉ là đường do Việt Nam sản xuất mà thôi.” Các DN cần phải tập cạnh tranh với HAGL, xem đó như một “áp lực tái cơ cấu, mua bán, sáp nhập nhằm mở rộng quy mô đầu tư, tăng cường hiệu quả... Tập cạnh tranh với một DN Việt Nam thành công thì ngành mía đường của Việt Nam mới đững vững được trước áp lực cạnh tranh với khu vực và thế giới.”
 
Các chuyên gia cũng đồng tình với quan điểm này. GS Võ Tòng Xuân – một chuyên gia nông nghiệp và là người gắn bó nhiều năm với người nông dân cũng cho rằng cho NK đường ngay bây giờ là hướng đi đúng. Nếu không làm như thế, các DN mía đường trong nước sẽ tiếp tục ỷ lại vào chính sách bảo hộ và năng lực cạnh tranh sẽ là con số không. “Nếu ta tiếp tục bảo hộ thì sự yếu kém này tiếp tục duy trì. Vậy làm sao cạnh tranh được khi thực hiện cam kết mở cửa?”, GS Võ Tòng Xuân đặt vấn đề.
 
Trả lời phỏng vấn, ông Đoàn Nguyên Đức - người đứng đầu Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục khẳng định HAGL đứng ngoài cuộc trong câu chuyện gây tranh cãi thời gian gần đây về việc cho hay không cho HAGL nhập khẩu đường tinh luyện vào Việt Nam. Về quan điểm của mình ông Đức cho rằng tổ chức này mang tiếng là hiệp hội mía đường nhưng thực chất đứng đầu Hiệp hội, các thành viên đều là chủ các doanh nghiệp mía đường, đang cạnh tranh để bán đường ra thị trường. Từ đó đặt ra vấn đề hiệp hội đang lên tiếng bảo vệ cho ai? Rõ ràng họ đang lên tiếng để bảo vệ quyền lợi cho chính họ, chính DN của họ chứ không phải cho nông dân trồng mía. Họ chỉ lấy nông dân trồng mía làm cái cớ mà thôi!
 
“Ngành mía đường càng bảo hộ thì càng nghèo. Có nông dân nào trồng mía mà giàu chưa? Nguyên nhân do nhà nước bảo hộ cho 1 nhóm người chứ không phải bảo hộ cho nông dân Việt Nam... 90 triệu người dân đang phải ăn đường mía đắt vì họ. Đắt hơn thị trường tới 50% chứ không phải 30% đâu. Hãy cho ngành đường mở cửa đi, các nhà máy đường cũng sẽ không chết, sẽ có nhà đầu tư mua lại, họ đầu tư trở lại, cổ phần hóa thì ngành đường sẽ sống lại", ông Đoàn Nguyên Đức nhận định.
 
Một điều rất rõ ràng và hiển nhiên là “nước sắp đến chân” khi mà tiến trình hội nhập kinh tế - trước mắt là trong khu vực - đã đến trước cửa nhà. Cảnh báo của Bộ Công thương là rất cấp thiết và hữu ích, vì nếu không tích cực thay đổi thì các doanh nghiệp mía đường sẽ sớm phá sản khi thị trường mở toang cửa vào năm 2018.
 
Tin bài liên quan
Loading...