Những ngày đầu năm mới, công nhân nhiều nhà máy sôi động vào ca sản xuất. Với lĩnh vực may mặc - đặc điểm công nhân đông, chủ yếu lao động nữ thường có biến động sau Tết nhưng hiện nay, theo ghi nhận của PV, hầu hết các nhà máy đều vào sản xuất ổn định.
Sôi động ngày làm việc đầu xuân
Ngày đầu năm, không khí sản xuất tại Tổng Công ty CP Dệt may Hanosimex chi nhánh Nam Đàn ở KCN Nam Giang, huyện Nam Đàn rất nhộn nhịp. Bên dây chuyền sản xuất, chị Hồ Thị Thủy (20 tuổi), ở xã Tân Sơn, huyện Quỳnh Lưu cho biết, sau khi tốt nghiệp phổ thông, em đã làm một số việc nhưng đều không ổn. Sau khi có thông tin nhà máy may ở Nam Đàn tuyển lao động, em xin vào làm. Sau thời gian học việc, Thủy đã có thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng.
Còn công nhân Hoàng Thị Huyền, 30 tuổi, ở xã Nam Thanh (Nam Đàn) sau gần 7 năm vào Đồng Nai làm việc, sợ cảnh cơm niêu nước lọ, thuê trọ bấp bênh, khi nghe thông tin Hanosimex đầu tư nhà máy tại Nam Đàn, em nộp đơn xin việc. Huyền chia sẻ, làm việc gần nhà sáng đi tối về tiền lương công nhân không cao nhưng bù lại ăn cơm nhà, không phải thuê trọ nên cuộc sống ổn định hơn, có tiền dành dụm chứ không như trước đây xa nhà tích góp được đồng nào cũng tiêu hết.
Dây chuyền may xuất khẩu của Công ty TNHH Haivina Kim Liên - Nam Đàn. Ảnh: Thu Huyền
Có thể nói rằng, nhờ nhà máy đặt gần nhà mà nhiều công nhân có công việc và thu nhập ổn định, có điều kiện thoát ly mà không phải xa quê… Chị Lâm Thị Thùy Nết - Phó phòng Hành chính cho hay, công ty hiện có 1.500 lao động, trong đó 90% là lao động trong tỉnh, một số ở Thanh Hóa, Hà Tĩnh. Phần lớn các lao động đều ở huyện Nam Đàn và các vùng lân cận như Hưng Nguyên, Thanh Chương… Bình quân thu nhập 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Sau Tết hiện công nhân đã đi làm khoảng 90%, còn một số sẽ tiếp tục đi làm trong những ngày tới.
Cách đó không xa, tại KCN Nam Giang (Nam Đàn), Công ty TNHH Haivina Kim Liên cũng vào ca sản xuất. Năm 2013, nhà máy chính thức đi vào hoạt động, sản phẩm chủ yếu là găng tay, quần áo thể thao,
bảo hộ lao động xuất khẩu châu Âu, Mỹ, Pháp. Giám đốc hành chính công ty - ông Yoon Ki Boom cho biết: Năm 2017, mặt dù tình hình kinh tế trong nước, thế giới khó khăn nhưng được sự ủng hộ của khách hàng nên sản xuất, kinh doanh của công ty khá thuận lợi, doanh số tăng 40% so với năm 2016. Hiện nay, nhà máy đang có kế hoạch mở rộng cơ sở sản xuất, tuyển dụng thêm lao động.
Để khuyến khích, động viên người lao động yên tâm làm việc, ngoài chế độ lương thưởng, bảo hiểm đầy đủ, Công ty TNHH Haivina Kim Liên còn hỗ trợ làm nhà ở, thăm hỏi cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Công nhân tích cực được thưởng lễ, Tết bằng xe máy, xe đạp điện, ti vi, điện thoại… Chỉ tính riêng năm 2017, công ty đã chi gần 3,3 tỷ đồng để làm công tác hỗ trợ phúc lợi cho công nhân. Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, công ty đã hỗ trợ xây dựng 45 nhà ở cho các công nhân có hoàn cảnh đặc biệt ở Nam Đàn, Hưng Nguyên và Thanh Chương với mức hỗ trợ từ 80 đến 95 triệu đồng/nhà.
Sản xuất tại Tổng Công ty CP Dệt may Hanosimex chi nhánh Nam Đàn. Ảnh: Thu Huyền
Để doanh nghiệp phát triển bền vững
Nhờ quan tâm quy hoạch công nghiệp, thu hút được các doanh nghiệp dệt may đầu tư trên địa bàn, nhiều địa phương như Nam Đàn, Đô Lương, Diễn Châu, TX. Hoàng Mai đã giải được bài toán lao động dư thừa, lao động nông thôn có cơ hội "ly nông bất ly hương", làm thay đổi bộ mặt kinh tế vùng nông thôn.
Năm 2017, nhóm hàng dệt may tiếp tục xếp ở vị trí dẫn đầu xuất khẩu sang thị trường 25 nước, là nhóm mặt hàng có mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khá, đạt 170,12 triệu USD, tăng nhẹ so với năm 2016 (169,72 triệu USD). Trong những năm tới, nhóm hàng dệt may tiếp tục được xác định là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Nghệ An với kim ngạch xuất khẩu có mức tăng khá bền vững và ổn định). Phần lớn các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định nhờ chủ động trong tìm kiếm khách hàng, ký kết nhiều đơn hàng với các tập đoàn nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Thế - Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương cho biết: Trong quy hoạch phát triển, giai đoạn 2016 - 2020, ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án Nhà máy may Hitexvinam giai đoạn 1 công suất 1,2 triệu sản phẩm/năm tại CCN Nghĩa Mỹ (thị xã Thái Hòa); Hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư để triển khai dự án Nhà máy may Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu). Đầu tư giai đoạn 2 Nhà máy may Nam Đàn Hanosimex thêm 5 triệu sản phẩm/năm và xây dựng Nhà máy Sợi 3 vạn cọc/năm để hoàn chỉnh CCN sợi may Nam Giang. Triển khai xây dựng Nhà máy may Minh Anh tại Quang Sơn (Đô Lương) quy mô 5.000 công nhân. Ngoài ra, phát triển cụm sản xuất sợi, dệt tập trung tại các KCN, CCN đã có hạ tầng, thu hút đầu tư các nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu ngành may và các thiết bị phụ tùng cơ khí cho ngành dệt may tại KCN Đô thị và Dịch vụ VSIP Nghệ An, KCN Thọ Lộc, KCN Đô thị và Dịch vụ Hemaraj,…
Theo đánh giá của các chủ doanh nghiệp, trình độ tay nghề, ý thức của công nhân và năng suất lao động đã được nâng lên đáng kể, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản…. Hằng năm, các DN này đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế cho Nghệ An khi sản xuất khoảng 20 nghìn tấn sợi, 16,5 triệu sản phẩm dệt kim và khoảng 22 triệu sản phẩm may xuất khẩu.
Việt Phương