Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10716
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
NGHỊ ĐỊNH Ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn
CHÍNH PHỦ
Số: 87/2007/NĐ-CP
 
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 28 tháng 05 năm 2007                          
 

NGHỊ ĐỊNH

Ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở công ty cổ phần,

công ty trách nhiệm hữu hạn

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Sau khi thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị định này Quy chế thực hiện dân chủ ở công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn.

Điều 2. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Những quy định trước đây về thực hiện dân chủ trái với Quy chế ban hành kèm theo Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn có trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

QUY CHẾ

Thực hiện dân chủ ở công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn

(Ban hành kèm theo Nghị định số 87/2007/NĐ-CP ngày 28/05/2007 của Chính phủ)

Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định việc thực hiện dân chủ ở công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 (sau đây gọi chung là công ty).

2. Đối tượng áp dụng của Quy chế này là Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn (sau đây gọi chung là người quản lý công ty); Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời; người lao động trong công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn.

Điều 2. Mục đích thực hiện dân chủ trong công ty

1. Tạo điều kiện để người lao động được biết, được tham gia ý kiến, được quyết định và giám sát những vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động.

2. Nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của người quản lý công ty đối với người lao động; tạo điều kiện để các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội của công ty hoạt động theo quy định của pháp luật trong việc thực hiện quyền dân chủ cho người lao động.

3. Thiết lập mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định, góp phần ngăn ngừa và hạn chế tranh chấp lao động trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Điều 3. Quyền, nghĩa vụ của người quản lý công ty và người lao động

1. Người quản lý và người lao động trong công ty có nghĩa vụ thực hiện đúng hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, chấp hành các nội quy, quy chế của công ty và các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người quản lý và người lao động.

2. Người lao động có quyền tham gia giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách có liên quan đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.

3. Người lao động có quyền gia nhập các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Quyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong phát huy dân chủ của người lao động

1. Công đoàn công ty là tổ chức đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và tập thể người lao động, có trách nhiệm tổ chức để người lao động thực hiện quyền được biết, được tham gia, được kiểm tra, giám sát và được quyết định những vấn đề trực tiếp liên quan đến người lao động.

2. Chủ tịch Công đoàn công ty hoặc người do Ban Chấp hành Công đoàn công ty ủy quyền được mời dự họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên công ty và được tham gia ý kiến về vấn đề liên quan tới quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động trong công ty.

Điều 5. Tổ chức Hội nghị người lao động trong công ty

1. Hàng năm người quản lý công ty có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn tổ chức Hội nghị người lao động trong công ty.

2. Nội dung chủ yếu của Hội nghị người lao động là bàn giải pháp thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh mà Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên đã thông qua; đánh giá việc thực hiện thoả ước lao động tập thể, các nội quy, quy chế của công ty; những vấn đề khác liên quan tới quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Chương II
NHỮNG NỘI DUNG NGƯỜI QUẢN LÝ CÔNG TY

PHẢI CÔNG KHAI CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG BIẾT

Điều 6. Người quản lý công ty phải công khai cho người lao động được biết

1. Các chế độ, chính sách của Nhà nước liên quan trực tiếp đến người lao động.

2. Nhiệm vụ và các chỉ tiêu kế hoạch hàng năm của công ty, của phòng, ban, phân xưởng, tổ, đội.

3. Các nội quy, quy chế, quy định của công ty.

a) Nội quy lao động, trang bị bảo hộ lao động, quy trình vận hành máy móc, thiết bị; nội quy an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy nổ;

 

b) Quy chế tiền lương, tiền thưởng;

c) Quy định về định mức lao động, định mức khoán;

d) Các quy định về thi đua, khen thưởng.

4. Công khai việc trích lập và sử dụng các quỹ trong công ty liên quan đến người lao động.

a) Mức trích quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi hàng năm theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên;

b) Trích nộp kinh phí công đoàn;

c) Trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

5. Công khai tài chính hàng năm của công ty về các nội dung liên quan đến người lao động.

6. Điều lệ công ty.

7. Các nội dung khác theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Hình thức công khai

Tuỳ theo nội dung công khai, người quản lý công ty chủ trì, phối hợp với tổ chức Công đoàn lựa chọn những hình thức công khai sau đây:

1. Thông báo tại Hội nghị người lao động trong công ty.

2. Thông báo trong các hội nghị giao ban.

3. Thông báo trực tiếp cho người lao động hoặc qua hệ thống thông tin nội bộ của công ty.

4. Thông báo cho các phòng, ban, phân xưởng, tổ, đội sản xuất.

5. Thông báo cho Ban Chấp hành Công đoàn hoặc Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời công ty.

6. Các hình thức khác.

Chương III
NHỮNG NỘI DUNG NGƯỜI LAO ĐỘNG THAM GIA Ý KIẾN

Điều 8. Những nội dung người lao động tham gia ý kiến

1. Xây dựng và tổ chức thực hiện các nội quy, quy chế, quy định tại khoản 3 Điều 6 Quy chế này.

2. Nội dung của dự thảo hoặc dự thảo sửa đổi, bổ sung thoả ước lao động tập thể trước khi ký kết.

3. Các giải pháp nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tiết kiệm nguyên vật liệu, an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện làm việc, sắp xếp bố trí lao động.

4. Các vấn đề khác liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động.

Điều 9. Hình thức tham gia ý kiến của người lao động

1. Thông qua Hội nghị người lao động trong công ty.

2. Thông qua hội nghị triển khai công tác của các phòng, ban, phân xưởng, tổ, đội sản xuất.

3. Thông qua đối thoại giữa người quản lý công ty và tập thể người lao động.

4. Thông qua tổ chức Công đoàn.

5. Thông qua hòm thư góp ý.

6. Người quản lý công ty tiếp người lao động theo định kỳ.

Chương IV
NHỮNG NỘI DUNG NGƯỜI LAO ĐỘNG QUYẾT ĐỊNH

Điều 10. Những nội dung người lao động quyết định

1. Ký kết hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

2. Thông qua nội dung thoả ước lao động tập thể; các nội dung sửa đổi, bổ sung thoả ước lao động tập thể trước khi người đại diện Ban Chấp hành Công đoàn hoặc Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời công ty ký kết với người quản lý công ty.

3. Thông qua Nghị quyết Hội nghị người lao động.

4. Các nội dung khác theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Hình thức quyết định của người lao động

Người lao động quyết định những nội dung quy định tại Điều 10 Quy chế này thông qua các hình thức sau:

1. Người lao động tự quyết định bằng văn bản.

2. Biểu quyết tại Hội nghị người lao động.

3. Thông qua tổ chức Công đoàn công ty.

Chương V
NHỮNG NỘI DUNG NGƯỜI LAO ĐỘNG GIÁM SÁT

Điều 12. Những nội dung người lao động giám sát

1. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị người lao động.

2. Thực hiện các nội quy, quy định, quy chế, điều lệ của công ty.

3. Thực hiện thoả ước lao động tập thể.

4. Thực hiện hợp đồng lao động.

5. Thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động; việc thu và sử dụng các loại quỹ do người lao động đóng góp.

6. Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp lao động.

7. Kết quả thi đua, khen thưởng hàng năm.

Điều 13. Hình thức giám sát của người lao động

1. Thông qua tổ chức Công đoàn công ty.

2. Thông qua việc phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

Chương VI
TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Người quản lý công ty có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn hoặc Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời tổ chức thực hiện Quy chế này.

Điều 15. Bộ Nội vụ chủ trì và phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo triển khai, kiểm tra việc thực hiện và hàng năm báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện Quy chế này.

Điều 16. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn việc tổ chức hoạt động của Hội nghị người lao động trong công ty.

Điều 17. Các công ty, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Quy chế này sẽ được xem xét khen thưởng theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân vi phạm Quy chế này thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật./.

Tin bài liên quan
Loading...