NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ
Quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh,
tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh
theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng
đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Phòng, chống ma túy ngày 09 tháng 12 năm 2000;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;
Căn cứ Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm ngày 17 tháng 3 năm 2003;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người nghiện ma túy, người bán dâm là người chưa thành niên, người nghiện ma túy, người bán dâm tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh để cai nghiện, chữa trị.
2. Cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Luật Phòng, chống ma túy và cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính được gọi chung trong Nghị định này là Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội.
Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội là nơi chữa trị, học tập và lao động phục hồi đối với người nghiện ma túy, người bán dâm bị xử lý bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh; người nghiện ma túy và người bán dâm là người chưa thành niên và người nghiện ma túy, người bán dâm tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh để cai nghiện, chữa trị.
Điều 2. Đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh
Những đối tượng sau đây bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh:
1. Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị xử phạt vi phạm hành chính về việc sử dụng trái phép chất ma túy mà vẫn còn nghiện; đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; đã được giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc người nghiện ma túy không có nơi cư trú nhất định.
Thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người nghiện ma túy từ một năm đến hai năm.
2. Người bán dâm từ đủ 16 tuổi trở lên đã được giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đã bị đưa vào cơ sở chữa bệnh nhưng tái phạm; người bán dâm có tính chất thường xuyên chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng không có nơi cư trú nhất định.
Thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm từ ba tháng đến mười tám tháng.
Điều 3. Đối tượng không bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh
Không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh những đối tượng sau:
1. Người nghiện ma túy chưa đủ 18 tuổi; người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên trong thời hạn hai năm lại tái nghiện kể từ ngày đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh.
2. Người bán dâm chưa đủ 16 tuổi hoặc trên 55 tuổi.
Điều 4. Thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh
Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là ủy ban nhân dân cấp huyện) quyết định việc đưa người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với các đối tượng được quy định tại Điều 2 Nghị định này.
Điều 5. Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh và thời hiệu thi hành quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh
1. Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh là sáu tháng, kể từ khi thực hiện lần cuối hành vi vi phạm quy định tại Điều 2 Nghị định này.
Nếu sau ba tháng kể từ khi thực hiện lần cuối hành vi vi phạm mà người vi phạm không có hành vi sử dụng ma túy hoặc bán dâm thì không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh.
2. Quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh hết thời hiệu thi hành sau một năm, kể từ ngày ra quyết định. Trong trường hợp người bị đưa vào cơ sở chữa bệnh cố tình trốn tránh việc thi hành, thì thời hiệu nói trên được tính lại kể từ thời điểm hành vi trốn tránh chấm dứt.
Điều 6. Nguyên tắc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh
Việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh phải theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định này.
Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm thân thể, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của người bị đưa vào cơ sở chữa bệnh.
Điều 7. Khuyến khích đầu tư vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội
1. Nhà nước khuyến khích đầu tư vào việc dạy nghề, tạo việc làm cho đối tượng của Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội.
Tổ chức, cá nhân đầu tư vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội được hưởng chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi và các chính sách khuyến khích khác theo quy định của pháp luật; ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện để tiêu thụ các sản phẩm do Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội sản xuất.
2. Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội được ưu tiên vay vốn với lãi xuất ưu đãi, thực hiện các dự án về việc làm, xoá đói, giảm nghèo, các chương trình kinh tế - xã hội khác để tổ chức lao động sản xuất.
Điều 8. Kinh phí của Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội
1. Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội là đơn vị sự nghiệp có thu, có tư cách pháp nhân, hoạt động theo quy định của pháp luật về chế độ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp có thu.
2. Nguồn tài chính bảo đảm hoạt động của Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội gồm:
a) Ngân sách nhà nước;
b) Đóng góp của cá nhân hoặc gia đình người cai nghiện, chữa trị;
c) Nguồn thu từ kết quả lao động sản xuất;
d) Nguồn viện trợ và ủng hộ của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước;
đ) Các nguồn thu hợp pháp khác.
Chương II
THỦ TỤC ĐƯA NGƯỜI VÀO TRUNG TÂM CHỮA BỆNH -
GIÁO DỤC - LAO ĐỘNG XÃ HỘI
Mục I
THỦ TỤC ĐƯA NGƯỜI BỊ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP
ĐƯA VÀO CƠ SỞ CHỮA BỆNH
Điều 9. Lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở chữa bệnh
1. Đối với người có nơi cư trú nhất định:
Chủ tịch ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là ủy ban nhân dân cấp xã) nơi người đó cư trú, lập hồ sơ gửi Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện.
Công an xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là công an cấp xã) có trách nhiệm lấy ý kiến ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc cùng cấp, giúp ủy ban nhân dân cấp xã trong việc thu thập tài liệu và lập hồ sơ.
Hồ sơ đề nghị đưa người có nơi cư trú nhất định vào cơ sở chữa bệnh gồm:
a) Bản tóm tắt lý lịch của người bị đưa vào cơ sở chữa bệnh;
b) Tài liệu về các vi phạm pháp luật của người đó và các biện pháp cai nghiện, giáo dục đã áp dụng;
c) Nhận xét của Công an cấp xã, ý kiến của ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc cùng cấp mà người đó là thành viên;
d) Bệnh án (nếu có).
2. Đối với người không có nơi cư trú nhất định:
Trình tự, thủ tục lập hồ sơ đối với người không có nơi cư trú nhất định thực hiện theo quy định tại một Nghị định khác của Chính phủ.
Điều 10. Trách nhiệm và thời hạn thẩm tra hồ sơ
Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ quy định tại Điều 9 của Nghị định này, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện giao cho Thủ trưởng cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cùng cấp.
Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ quy định tại Điều 9 của Nghị định này, Thủ trưởng cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Thủ trưởng cơ quan Công an cùng cấp thẩm tra hồ sơ, thu thập tài liệu, hoàn chỉnh hồ sơ và gửi đến các thành viên của Hội đồng Tư vấn.
Điều 11. Hội đồng Tư vấn về việc đưa vào cơ sở chữa bệnh
1. Hội đồng Tư vấn về việc đưa vào cơ sở chữa bệnh do Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập để xét, duyệt hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở chữa bệnh.
2. Hội đồng Tư vấn gồm: Thủ trưởng cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội là Thường trực Hội đồng, Thủ trưởng các cơ quan: Tư pháp, Công an và Chủ tịch Hội Phụ nữ cấp huyện là các thành viên của Hội đồng.
Trường hợp người được đưa vào cơ sở chữa bệnh là người chưa thành niên thì Chủ nhiệm ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em cấp huyện tham gia Hội đồng Tư vấn.
Thường trực Hội đồng Tư vấn có trách nhiệm chuẩn bị, tổ chức, chủ trì phiên họp và làm văn bản trình Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện.
3. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Hội đồng Tư vấn có trách nhiệm xét duyệt xong hồ sơ.
Hội đồng Tư vấn làm việc theo chế độ tập thể, xem xét và biểu quyết từng trường hợp cụ thể, kết luận theo đa số. Trường hợp số phiếu biểu quyết bằng nhau thì ý kiến của Thường trực Hội đồng Tư vấn là ý kiến quyết định.
Biên bản họp Hội đồng Tư vấn phải ghi rõ ý kiến phát biểu của từng thành viên tham dự kèm theo báo cáo trình Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện.
4. Kinh phí lập hồ sơ và hoạt động của Hội đồng Tư vấn lấy từ kinh phí hoạt động thường xuyên của ủy ban nhân dân cấp huyện.
Điều 12. Quyết định việc đưa vào cơ sở chữa bệnh
1. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Hội đồng Tư vấn, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định việc đưa vào cơ sở chữa bệnh.
2. Quyết định được gửi cho người bị đưa vào cơ sở chữa bệnh, gia đình người đó, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan Công an, Hội đồng nhân dân cấp huyện và ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú.
Trường hợp đối tượng là người chưa thành niên thì quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh phải được gửi cho cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó.
Điều 13. Nội dung quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh
Quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh phải ghi rõ ngày, tháng, năm ký quyết định; họ, tên, chức vụ của người ký quyết định; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nghề nghiệp, nơi cư trú của người bị đưa vào cơ sở chữa bệnh; nơi cư trú của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người bị đưa vào cơ sở chữa bệnh (nếu là chưa thành niên); hành vi vi phạm pháp luật của người đó và điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng; thời hạn và nơi thi hành quyết định; quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
Điều 14. Quản lý, giám sát người đã có quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh, người được bảo lãnh
Khi nhận được quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo Công an cùng cấp có kế hoạch quản lý người đã có quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh, đồng thời phối hợp với cơ quan Công an cấp huyện trong việc thi hành quyết định.
Đối với người được bảo lãnh, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được bảo lãnh cư trú chỉ đạo Công an cùng cấp có kế hoạch phối hợp với ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành niên của Mặt trận Tổ quốc cùng cấp, cha, mẹ hoặc người giám hộ (trong trường hợp là người chưa thành niên) để quản lý, giám sát.
Tổ chức xã hội, cha, mẹ hoặc người giám hộ, người được giao trách nhiệm bảo lãnh có trách nhiệm không để đối tượng tiếp tục vi phạm pháp luật và bảo đảm sự có mặt của đối tượng tại nơi cư trú khi được yêu cầu.
Điều 15. Thi hành quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh
Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày ra quyết định, cơ quan Công an cấp huyện có trách nhiệm đưa người phải chấp hành quyết định vào cơ sở chữa bệnh.
Thời hạn chấp hành quyết định được tính từ ngày đối tượng được đưa vào cơ sở chữa bệnh.
Điều 16. Cưỡng chế thi hành quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh
Người phải chấp hành quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh nếu không tự giác chấp hành quyết định thì cơ quan Công an áp dụng những biện pháp ngăn chặn và cưỡng chế cần thiết theo quy định của pháp luật để buộc người đó phải chấp hành quyết định.
Điều 17. Thủ tục tiếp nhận người bị đưa vào cơ sở chữa bệnh
1. Cơ sở chữa bệnh phải kiểm tra hồ sơ, giấy chứng minh nhân dân (nếu có) hoặc danh chỉ bản của người bị đưa vào cơ sở chữa bệnh và lập biên bản giao nhận khi làm thủ tục tiếp nhận.
2. Hồ sơ của người bị đưa vào cơ sở chữa bệnh được lập thành hai bộ, một bộ do Thường trực Hội đồng Tư vấn quản lý, một bộ do cơ sở chữa bệnh quản lý. Hồ sơ phải được quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật về văn thư, lưu trữ.
Hồ sơ tiếp nhận người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh gồm:
Hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở chữa bệnh theo quy định tại khoản 1 Điều 9 của Nghị định này;
Quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện.
Điều 18. Hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh
1. Người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh được hoãn thi hành quyết định trong các trường hợp sau đây:
a) Đang ốm nặng có chứng nhận của bệnh viện từ cấp huyện trở lên;
b) Phụ nữ đang có thai có chứng nhận của bệnh viện từ cấp huyện trở lên hoặc phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới ba mươi sáu tháng tuổi, có đơn đề nghị được ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc nơi người đó bị phát hiện hành vi vi phạm pháp luật xác nhận.
Khi hết thời hạn hoãn chấp hành ghi trong quyết định của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đối tượng cư trú thì các đối tượng trên phải tiếp tục thi hành quyết định. Trường hợp không tự nguyện chấp hành thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Điều 16 của Nghị định này.
2. Người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh được miễn chấp hành quyết định trong các trường hợp sau đây:
a) Đang mắc bệnh hiểm nghèo có chứng nhận của bệnh viện từ cấp huyện trở lên;
b) Trong thời gian hoãn chấp hành quyết định mà người đó có tiến bộ rõ rệt trong việc chấp hành pháp luật của Nhà nước hoặc lập công được ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận thì có thể được miễn chấp hành quyết định.
Bộ Y tế hướng dẫn và quy định cụ thể danh mục những bệnh hiểm nghèo được miễn chấp hành quyết định.
3. Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định việc hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định trên cơ sở đơn đề nghị của người phải chấp hành quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh. Trong trường hợp một trong những điều kiện được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này cần phải được xác minh, làm rõ thì Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện giao cho Thủ trưởng cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cùng cấp phối hợp với Trưởng Công an cấp huyện thẩm tra từng trường hợp cụ thể trước khi quyết định.
Quyết định hoãn hoặc miễn chấp hành phải được gửi cho người được hoãn hoặc miễn chấp hành, gia đình người đó, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan Công an cấp huyện và ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú.
Điều 19. Truy tìm và bắt giữ người đã có quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh bỏ trốn
1. Trường hợp người đã có quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh mà bỏ trốn thì cơ quan Công an cấp huyện nơi lập hồ sơ, thẩm tra hồ sơ ra quyết định truy tìm.
2. Trường hợp người đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh mà bỏ trốn thì Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội phải lập biên bản, thông báo ngay cho ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú và cơ quan Công an cấp huyện nơi lập hồ sơ, thẩm tra hồ sơ biết. Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội ra quyết định truy tìm người bỏ trốn. ủy ban nhân dân cấp huyện nơi Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội đóng trụ sở có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan Công an cùng cấp phối hợp với Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội trong việc truy tìm, tổ chức đưa người đó trở lại Trung tâm.
3. Cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức phát hiện người bị đưa vào cơ sở chữa bệnh đang bỏ trốn có trách nhiệm báo cho cơ quan Công an hoặc ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Cơ quan Công an hoặc ủy ban nhân dân phải lập biên bản và đưa họ trở lại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội nơi họ đang lao động, học tập và chữa bệnh.
Điều 20. Tạm thời đưa người đang chấp hành quyết định ra khỏi Trung tâm Chữa bệnh -
Giáo dục - Lao động xã hội theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự
1. Việc tạm thời đưa người đang chấp hành quyết định ra khỏi Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội để phục vụ cho công tác điều tra, xét xử được thực hiện theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền. Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội quyết định việc tạm thời đưa người đang chấp hành quyết định ra khỏi Trung tâm để tham gia tố tụng trong các vụ án có liên quan đến người đó.
2. Cơ quan có yêu cầu đưa người đang chấp hành quyết định ra khỏi Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội chịu trách nhiệm đưa đối tượng đi và trả lại Trung tâm đúng thời hạn đã ghi trong quyết định tạm thời đưa người đang chấp hành quyết định ra khỏi Trung tâm. Khi giao, nhận đối tượng phải lập biên bản theo quy định hiện hành. Thời gian tạm thời đưa ra khỏi Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội được tính vào thời hạn chấp hành quyết định.
Điều 21. Chuyển hồ sơ của đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự
1. Khi xem xét hồ sơ của đối tượng để quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh, nếu xét thấy các hành vi vi phạm của đối tượng có dấu hiệu tội phạm thì Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền.
2. Trường hợp đã ra quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh, sau đó mới phát hiện hành vi vi phạm của đối tượng có dấu hiệu tội phạm mà chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện phải huỷ quyết định đó; trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày huỷ quyết định phải chuyển hồ sơ của đối tượng cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền.
Trong trường hợp đối tượng bị Toà án xử phạt tù thì thời gian chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh được tính vào thời gian chấp hành hình phạt tù. Hai ngày chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh được tính bằng một ngày chấp hành hình phạt tù.
Điều 22. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội được thực hiện trước hoặc trong thời gian chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh
Trường hợp phát hiện người đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh thực hiện hành vi phạm tội trước hoặc trong thời gian chấp hành quyết định mà chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền yêu cầu Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội ra quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định và chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự; trường hợp bị Toà án xử phạt tù thì người đó được miễn chấp hành phần thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh. Toà án nơi đã ra quyết định phải thông báo cho Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã ra quyết định đưa đối tượng vào cơ sở chữa bệnh để ra quyết định miễn chấp hành thời gian còn lại và Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội để thực hiện việc miễn chấp hành; nếu hình phạt được áp dụng không phải là hình phạt tù thì người đó phải tiếp tục chấp hành quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh.
Mục II
THỦ TỤC ĐƯA NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN NGHIỆN MA TÚY,
NGƯỜI TỰ NGUYỆN VÀO TRUNG TÂM
GIÁO DỤC - LAO ĐỘNG XÃ HỘI
Điều 23. Quy định chung
1. Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội được tiếp nhận người chưa thành niên nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; người nghiện ma túy và người bán dâm tự nguyện xin vào Trung tâm.
2. Người chưa thành niên nghiện ma túy và người nghiện ma túy, người bán dâm tự nguyện xin vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội phải chịu sự quản lý, giáo dục, phân công lao động của Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội. Việc người chưa thành niên nghiện ma túy, người nghiện ma túy và người bán dâm tự nguyện xin vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội để chữa trị, cai nghiện không bị coi là bị xử lý vi phạm hành chính.
Điều 24. Đối tượng, thẩm quyền đưa người chưa thành niên nghiện ma túy vào cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội
1. Những người chưa thành niên nghiện ma túy sau đây bị cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội:
a) Người đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng mà vẫn còn nghiện;
b) Người đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện;
c) Người không có nơi cư trú nhất định.
2. Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định việc đưa người chưa thành niên nghiện ma túy vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội để cai nghiện bắt buộc.
Thời hạn cai nghiện, phục hồi áp dụng đối với người chưa thành niên nghiện ma túy tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội từ một năm đến hai năm.
Điều 25. Thủ tục lập hồ sơ đối với người chưa thành niên vào cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Chữa bệnh -Giáo dục - Lao động xã hội
Thủ tục lập hồ sơ đưa người chưa thành niên nghiện ma túy vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội chữa trị, cai nghiện được thực hiện theo quy định tại các Điều 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16 và 17 Mục I Chương II của Nghị định này.
Căn cứ vào độ tuổi, giới tính, trình độ văn hoá, tính chất, mức độ hành vi vi phạm pháp luật của người chưa thành niên mà Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội chia thành đội, lớp cho phù hợp.
Điều 26. Thủ tục, hồ sơ của người tự nguyện vào Trung tâm Chữa bệnh -
Giáo dục - Lao động xã hội
Hồ sơ của người tự nguyện vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội gồm:
1. Đơn của người tự nguyện xin vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội để được chữa trị, cai nghiện, phục hồi. Đối với người chưa thành niên phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Nội dung đơn phải nêu đầy đủ tình trạng nghiện và các hình thức cai nghiện, giáo dục, chữa trị đã thực hiện (nếu có); cam kết của người tự nguyện hoặc của cha, mẹ, vợ, chồng, con (đã thành niên) anh, chị, em ruột hoặc người giám hộ của người đó (nếu là người chưa thành niên).
2. Bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu hoặc Giấy chứng nhận tạm trú dài hạn (có công chứng hoặc kèm theo bản chính để đối chiếu).
Hồ sơ của người tự nguyện được gửi cho Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội.
Điều 27. Thời hạn xét hồ sơ của người tự nguyện xin vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội
Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ của người tự nguyện xin vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, Giám đốc Trung tâm xét duyệt hồ sơ và căn cứ vào khả năng tiếp nhận của Trung tâm để ra quyết định tiếp nhận.
Quyết định tiếp nhận được gửi cho người tự nguyện, cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột hoặc người giám hộ (nếu là người chưa thành niên) và ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú.
Điều 28. Thủ tục tiếp nhận người tự nguyện vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội
Khi tiếp nhận người tự nguyện, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội phải:
1. Kiểm tra, đối chiếu người vào đúng với quyết định tiếp nhận và hồ sơ;
2. Khám sức khoẻ, lập hồ sơ bệnh án;
3. Lập biên bản tiếp nhận.
Điều 29. Thời hạn chữa trị, cai nghiện, phục hồi tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội đối với người tự nguyện
1. Thời hạn chữa trị, cai nghiện, phục hồi áp dụng cho người tự nguyện tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội ít nhất là sáu tháng đối với người nghiện ma túy, ba tháng đối với người bán dâm.
Tuỳ từng đối tượng cụ thể mà Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội bố trí việc thực hiện các hoạt động chữa trị, cai nghiện, phục hồi sức khoẻ theo quy trình phù hợp với quy định của pháp luật.
2. Trong thời gian chữa trị, cai nghiện, phục hồi mà người nghiện ma túy, người bán dâm không muốn tiếp tục tự nguyện ở lại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội thì phải có đơn gửi Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội xem xét, quyết định. Đơn phải có ý kiến đồng ý của cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột hoặc người giám hộ (nếu là người chưa thành niên). Người tự nguyện hoặc gia đình người đó có trách nhiệm thanh toán chi phí trong thời gian ở Trung tâm theo quy định của pháp luật.
Chương III
CHẾ ĐỘ LAO ĐỘNG, HỌC TẬP, CHỮA TRỊ, CAI NGHIỆN TẠI
TRUNG TÂM CHỮA BỆNH - GIÁO DỤC - LAO ĐỘNG XÃ HỘI
Mục I
CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI NGƯỜI BỊ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP
ĐƯA VÀO CƠ SỞ CHỮA BỆNH
Điều 30. Chế độ quản lý
Người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước và nội quy của Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, chịu sự quản lý, giáo dục, tuân theo chế độ lao động, học tập và điều trị, chữa bệnh theo quy định.
Điều 31. Chế độ sinh hoạt
Người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh được đem theo đồ dùng sinh hoạt cá nhân thiết yếu; được gặp thân nhân, được gửi thư hoặc nhắn tin cho gia đình; được nhận tiền, chăn màn, quần áo, thuốc chữa bệnh, đồ ăn và các đồ dùng sinh hoạt cá nhân thiết yếu khác do thân nhân gửi tới; được tham gia các hoạt động văn hoá, thể thao, giải trí và các sinh hoạt tập thể khác do Ban Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tổ chức.
Điều 32. Chế độ lao động
Người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh phải tuân thủ chế độ, thời gian làm việc theo quy định của pháp luật lao động và được trang bị
bảo hộ lao động, bảo đảm vệ sinh, an toàn lao động theo quy định.