Nghị định quy định nội dung quy chế dân chủ ở cơ sở và hình thức thực hiện dân chủ tại nơi làm việc ở các doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Những quy định được áp dụng cho người lao động, người sử dụng lao động , tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.
Hai nguyên tắc cơ bản khi thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc, gồm: Người sử dụng lao động phải tôn trọng, bảo đảm các quyền dân chủ của người lao động tại nơi làm việc; quyền dân chủ được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật thông qua quy chế dân chủ của doanh nghiệp. Đồng thời doanh nghiệp phải xây dựng và thực hiện công khai, minh bạch quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước.
Nghiêm cấm các hành vi: thực hiện trái các quy định của pháp luật; xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động và người lao động; trù dập, phân biệt đối xử với người tham gia đối thoại, người khiếu nại, tố cáo.
Nội dung quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc:
Đối với người sử dụng lao động phải công khai các thông tin: kế hoạch sản xuất, kinh doanh và tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phòng, ban, phân xưởng, tổ, đội sản xuất; nội quy lao động; quy chế tuyển dụng, sử dụng lao động; định mức lao động; thang, bảng lương, quy chế nâng bậc lương, quy chế trả lương, trả thưởng; trang bị bảo hộ lao động, quy trình vận hành máy, thiết bị, an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ; bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ; thi đua, khen thưởng, kỷ luật; tình hình thực hiện các chế độ, chính sách tuyển dụng, sử dụng lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, ……
Người lao động được tham gia ý kiến các hoạt động, nội dung sau: các giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ; xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động, xử lý kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất; các nội dung khác liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động theo quy định của pháp luật…. Nội dung người lao động được quyết định: Giao kết hợp đồng lao động, thực hiện hợp đồng lao động, sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật; nội dung thương lượng thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp; thông qua nghị quyết hội nghị người lao động; gia nhập hoặc không gia nhập tổ chức công đoàn, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật…
Các hình thức thực hiện dân chủ tại nơi làm việc: đối thoại tại nơi làm việc, hội nghị người lao động; cung cấp và trao đổi thông tin tại các cuộc họp lãnh đạo chủ chốt hoặc tại các cuộc họp từ tổ, đội đến toàn doanh nghiệp hoặc tại các cuộc họp chuyên môn của các phòng, ban, phân xưởng, tổ, đội sản xuất; niêm yết công khai ở những địa điểm thuận lợi tại doanh nghiệp; cung cấp thông tin qua hệ thống truyền thanh, thông tin nội bộ, mạng internet hoặc bằng văn bản, các ấn phẩm sách, báo gửi đến từng người lao động, phòng, ban, phân xưởng, tổ, đội sản xuất; hòm thư góp ý kiến; …
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2013. Bãi bỏ Nghị định số 07/1999/NĐ-CP ngày 13/2/1999, Nghị định số 87/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007.