“Để xảy ra tai nạn lao động gây hậu quả nghiêm trọng, bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ”. Tinh thần chỉ đạo trên được thể hiện trong Chỉ thị số 10/2008 CT-TTg về việc tăng cường thực hiện công tác
bảo hộ lao động, an toàn lao động nhân Tuần lễ Quốc gia an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ lần thứ 10 (bắt đầu từ 16-3).
Trách nhiệm trước Chính phủ tức là trách nhiệm trước dân. Sở dĩ Thủ tướng Chính phủ phải nhấn mạnh như vậy vì gần đây, tình hình tai nạn lao động diễn ra nghiêm trọng, nhiều vụ để lại hậu quả nặng nề.
Trước tình hình dịch cúm gia cầm H5N1 tái xuất hiện ở 11 tỉnh và dịch cúm A H5N1 ở người mà từ đầu năm 2008 tới nay đã có 5 ca tử vong, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chuyên môn (nông nghiệp, y tế), người đứng đầu các cấp chính quyền trong công tác chỉ đạo chống dịch.
Còn nhớ, trước tình hình tai nạn giao thông đường bộ gia tăng từ năm này sang năm khác, trở thành đại họa, hơn 12.000 người chết mỗi năm, Thủ tướng Chính phủ nhiều lần nhắc nhở: Tỉnh nào để tình hình tai nạn giao thông gia tăng, chủ tịch UBND tỉnh đó phải chịu trách nhiệm và kiểm điểm trước Chính phủ.
Chính phủ quyết liệt như thế song các địa phương, ban ngành thực hiện ra sao? Thực tế cho thấy lắm lúc nói và làm chưa đi đôi với nhau, nói nhiều làm ít hoặc làm qua loa cho có. Tai nạn lao động vẫn diễn ra khắp nơi, nhiều vụ nghiêm trọng như vụ sập mỏ đá ở Nghệ An, mới đây là vụ ở Quảng Ninh; tai nạn giao thông không giảm; dịch cúm gia cầm H5N1 tái phát trên diện rộng... Tuy vậy, chưa thấy một vị quan chức nào bị khiển trách hoặc bị bãi chức vì không thực thi đầy đủ chức trách của mình. Có chăng cũng chỉ mới phê bình nhẹ nhàng. Ta đã có Pháp lệnh Công chức quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng vị trí, chức danh trong bộ máy hành chính, không còn kiểu “làm chủ tập thể, mọi người cùng chịu trách nhiệm” nên không lý gì không quy được trách nhiệm cá nhân khi không hoàn thành nhiệm vụ hoặc sai phạm. Dư luận cho rằng nếu những lời nhắc nhở mang tính cảnh báo của Thủ tướng được thực thi nghiêm túc thì đã giảm được đáng kể tình trạng không ít quan chức đứng đầu trong hệ thống chính quyền các cấp hiện nay chưa làm đầy đủ chức trách của mình.
Lời nói đi đôi với hành động là phẩm chất của cán bộ, công chức, một yếu tố tạo sự tin tưởng đối với nhân dân. Nếu không được như vậy, lời nói sẽ không còn tác dụng, không còn hiệu lực, dẫn đến hậu quả trên nói dưới không nghe.
MINH LÊ