Joe Ruelle, một thanh niên Canada khá nổi tiếng với cái tên Dâu Tây đã có nhiều năm sống ở Hà Nội đã than phiền rằng, điều buồn nhất khi ở Việt Nam là có quá nhiều loại tiếng ồn không thể tránh được. Anh gọi đó là một kiểu "tự làm khổ nhau". Nhưng cái sự "tự làm khổ nhau" ở Hà Nội đâu chỉ có tiếng ồn…
Những người đến từ các vùng, miền khác thường rất nhạy cảm trước sự khác biệt so với vùng đất họ đã sống trước đó. Cảm nhận đầu tiên của nhiều người khi đến Hà Nội là tiếng ồn quá lớn mà đại đa số yếu tố hợp thành là do con người tạo ra.
Ảnh; HH
Trong khi nhiều nước có luật hạn chế âm thanh, như bấm còi khi tham gia giao thông và có khung hình phạt rất nặng dành cho người vi phạm thì ở Hà Nội, việc bấm còi xe inh ỏi ở bất cứ đâu, sáng hay khi trời đã khuya thường ít gặp sự phản ứng từ cộng đồng và lực lượng chức năng. Còi xe là công cụ để người điều khiển phương tiện giao thông xin đường, cảnh báo va chạm nhưng nhiều khi còn được dùng có chủ ý khoe xe đẹp, trêu nhau... Có những người lái xe bấm còi inh ỏi dù xe phía trước ở rất xa, có người lại chọn cách tiến sát "đối tượng" mới "toe toe" inh ỏi. Ô tô lưu thông thường đóng kín cửa, dùng máy lạnh nhưng xe phía sau muốn vượt vẫn dùng còi thay vì dùng đèn tín hiệu. Giờ cao điểm, đường phố đông nghẹt, sự pha trộn của tiếng ồn động cơ, tiếng động đường phố, mùi khí thải… đã đủ ngột ngạt, lại thêm những hồi còi inh ỏi khiến người tham gia giao thông càng thêm bức bối. Những lúc ấy, người đi đường sợ nhất còi xe buýt, xe tải, những loại phương tiện thường được trang bị còi hơi, loại còi có thể khiến người xung quanh "giật bắn cả mình".
Những âm thanh quá giới hạn trở thành tiếng ồn không cần thiết. Ở một đô thị hiện đại trong một xã hội đang dần hiện đại hơn, nói to nơi công cộng, trong công sở cũng có thể coi là một loại bệnh bởi nó có thể khiến người khác mệt mỏi. Tiếng ồn quá mức, theo phân tích của TS Phạm Tiến Dũng, Phân viện Nghiên cứu khoa học - kỹ thuật
bảo hộ lao động TP Hồ Chí Minh là điều đáng báo động, bởi "ô nhiễm tiếng ồn sẽ gây ức chế thần kinh, tạo sự căng thẳng và làm ảnh hưởng tiêu cực tới công việc, học tập…". Nghe điện thoại - nói to, trao đổi công việc - nói to, tán gẫu - nói to... Nói như Joe Ruelle thì "nói to" là "căn bệnh văn hóa" ở hầu khắp các địa điểm công cộng, từ quán cà phê, nơi câu cá, nhà hàng... Anh này đặt câu hỏi: "Tôi chưa hiểu vì sao quán cà phê nào cũng phải có ti vi. Chẳng lẽ khách không có ti vi ở nhà, phải ra quán mới chứng kiến được công nghệ kỳ diệu mang tên "truyền hình?".
Tiếng ồn là một loại ô nhiễm, nhưng có lẽ không nguy hiểm bằng ô nhiễm môi trường. GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng (Hội Môi trường xây dựng Việt Nam) đã có nhiều năm nghiên cứu về môi trường Hà Nội, kết luận là tình trạng ô nhiễm ngày một trầm trọng, đặc biệt là ô nhiễm môi trường không khí. Theo đó, nồng độ bụi lơ lửng trung bình gấp 2-3 lần quy chuẩn cho phép. Ở các khu vực đang diễn ra hoạt động xây dựng hoặc sửa chữa đường thì nồng độ bụi gấp từ 5-10 lần. Lúc tắc nghẽn giao thông, mức độ này càng trầm trọng hơn... Theo số liệu được ARIA Technologies cung cấp, Hà Nội là thành phố có tỷ lệ sử dụng phương tiện công cộng thấp nhất Châu Á. Mỗi năm Hà Nội có hơn 180.000 phương tiện giao thông được đăng ký, trong đó có khoảng 20.000 ô tô và 160.000 xe máy. Điều đó có nghĩa là tốc độ tăng phương tiện giao thông bình quân hằng năm từ 12-15%, đưa số phương tiện giao thông cơ giới lưu thông tại Thủ đô đạt 4 triệu trong năm 2011 - một trong những tác nhân quan trọng làm tăng nồng độ khí thải. Trong điều kiện ấy, thái độ ứng xử của con người có ý nghĩa quan trọng, nó có thể khiến tình hình bớt căng thẳng nhưng cũng có thể dẫn đến điều ngược lại. Trong thực tế, cách hành xử của nhiều người Hà Nội đang làm cho tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nặng nề hơn. Hiện tượng xả rác sinh hoạt không đúng nơi quy định thường xuyên diễn ra. Rác thải xây dựng trở thành nỗi nhức nhối của cư dân đô thị. Những loại bếp than tổ ong vẫn được sử dụng ở nhiều nơi, thải khí độc vào nhà hàng xóm…
Theo thống kê, diện tích cây xanh công cộng ở Hà Nội hiện chỉ đạt mức 2m2/người, thua xa TP Hồ Chí Minh (3,3m2), Huế (3,5m2), Hải Dương (3,7m2). Và nếu so với Thủ đô một số nước thì càng ít hơn: Paris (Pháp) đạt 10m2, Mátxcơva (Nga) 26m2, Washington (Mỹ) 40m2, London (Anh) 26,9m2, Berlin (Đức) 27,4m2... Cây xanh quý hóa là thế nhưng dường như trong sự đối đãi của con người với chúng có gì đó ghẻ lạnh. Người ta đào hè đường rồi chặt hết rễ cây. Có những gia chủ nhà mặt đường dùng hóa chất, muối, dầu hỏa... làm cho cây chết để có mặt tiền rộng, thoáng, tiện cho việc kinh doanh. Và gần đây là vấn nạn "gỗ tặc"... Mặt khác, việc trồng cây ở các tuyến đường mới cũng khá cẩu thả. Cây mới trồng không được chằng buộc cẩn thận nên khi lớn cong queo, ngả nghiêng...
Cách ứng xử của người Hà Nội với môi trường sống của chính họ có quá nhiều sự dở. Sự thờ ơ, thậm chí là vô trách nhiệm đối với quyền và nghĩa vụ tham gia bảo vệ môi trường sống đang là điều không khó thấy. Cách sống ấy, lối ứng xử ấy, như đã nói, không khác gì tự hại mình, làm khổ cộng đồng.