Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10733
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Người lao động cần làm gì khi bị sa thải vô căn cứ?
Luật sư Trương Quốc Hòe cho biết: “Trước khi khẳng định chủ sử dụng lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động một cách vô căn cứ thì phải căn cứ vào các quy định của Bộ Luật lao động năm 2012”.
 
 
Mới đây, TAND quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) đã tuyên buộc một tòa soạn báo phải thanh toán tiền lương và phụ cấp trách nhiệm cho phóng viên bị sa thải vô căn cứ trong 16 tháng nghỉ việc là hơn 72 triệu đồng, đồng thời phải khôi phục quyền lợi bảo hiểm xã hội cho người này trong 16 tháng bị cho nghỉ việc.
 
PV Infonet, có cuộc trao đổi luật sư Trương Quốc Hòe -Trưởng Văn phòng luật sư Interla (Đoàn luật sư Hà Nội) để hiểu rõ hơn về vấn đề này. Luật sư Trương Quốc Hòe cho biết: “Trước khi khẳng định chủ sử dụng lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động một cách vô căn cứ thì phải căn cứ vào các quy định của Bộ Luật lao động năm 2012”.
 
Theo luật sư Hòe, Bộ luật lao động năm 2012 có quy định những trường hợp người sử dụng lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng và thời hạn phải báo trước cho người lao động tuân thủ Điều 38. Trong Điều 38 có nêu: Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
 
Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.
 
Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động. Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc.
 
Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này.  Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước. Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn. Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
 
Sau khi chắc chắn rằng người lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động trái với các quy định Điều 38 Bộ luật lao động về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng, khi đó chủ sử dụng lao động đã vi phạm pháp quy định pháp luật về vấn đề này.
 
Bộ Luật lao động 2012 cũng quy định rất rõ về nghĩa vụ người sử dụng lao động khi thực hiện việc chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo Điều 42 Bộ Luật lao động. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
 
Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.
 
Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.
 
Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.”
 
Người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc và bồi thường các khoản tiền tương ứng với thiệt hại phát sinh. Trường hợp người lao động đồng ý tiếp tục công việc, người sử dụng lao động phải trả tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội và tiền bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc (sau đây gọi tắt là tiền lương và tiền bảo hiểm) cùng với ít nhất 2 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
 
Nếu công việc hoặc vị trí được giao kết trong hợp đồng lao động đã không còn, người sử dụng lao động sẽ phải bồi thường tiền lương và tiền bảo hiểm cho người lao động. Đồng thời, người sử dụng lao động phải thương lượng với người lao động để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
 
Trường hợp người lao động không đồng ý tiếp tục công việc, ngoài khoản tiền người sử dụng lao động phải bồi thường tiền lương, tiền bảo hiểm và trả trợ cấp thôi việc cho người lao động. người sử dụng lao động còn phải trả trợ cấp thôi việc cho người lao động theo đúng quy định.
 
Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và được sự đồng ý của người lao động (bắt buộc), người sử dụng lao động sẽ bồi thường số tiền tương tự như trường hợp người lao động không đồng ý tiếp tục công việc nêu trên.
 
Đồng thời, người sử dụng lao động phải bồi thường thêm một khoản tiền do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất bằng 2 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động bị vi phạm.
 
Trường hợp người sử dụng lao động vi phạm thời hạn báo trước việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải bồi thường cho người lao động khoản tiền lương tương ứng với những ngày không được báo trước.
 
Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc xảy nhiều bất cập
 
Luật sư Trường Quốc Hòe bày tỏa quan điểm: “Bất cập của việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ bắt gặp những điểm bất lợi sau: Theo luật bảo hiểm xã hội mới 2014 sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2016 theo đó đối tượng tham gia BHXH sẽ được mở rộng hơn so với trước.
 
Theo qui định tại Luật BHXH 2006, người lao động tham gia BHXH bắt buộc là công dân Việt Nam, làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên. Theo đó, người làm việc theo hợp đồng lao động thời hạn dưới 3 tháng và lao động tự do không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc”.
 
 
Luật sư Trường Quốc Hòe trao đổi với PV Infonet.

“Tuy nhiên, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, Luật BHXH 2014 qui định thêm ba  nhóm đối tượng như sau: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng, áp dụng từ ngày 1/1/2018.
 
Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.
 
Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn. Như vậy, theo Luật BHXH 2014, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đã bao phủ gần như toàn bộ người lao động có quan hệ lao động”, luật sư Hòe nói.
 
Tuy nhiên, luật sư Hòe cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập: “Vấn đề bất cập đặt ra rằng, khi đó sẽ có rất nhiều đối tượng trước đây chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì hiện nay làm sao lại bắt buộc họ tham gia và chính họ cũng không hiểu rằng việc tham gia sẽ đem lại cho họ được những gì và liệu hiện nay việc thực hiện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đó có khả thi hay không?
 
Theo luật bảo hiểm xã hội hiện hành, việc trả lương hưu đang tạo bất bình đẳng giữa các đối tượng. Cụ thể, trong khi những người tham gia hoạt động cách mạng trước 1954 được hưởng 100% lương hưu; cán bộ cấp cao được hưởng 100% lương và nhiều chế độ khác; cán bộ công chức, viên chức được tính lương hưu dựa trên 5 năm cuối cùng trong khi đó, công nhân thì lại lấy tổng lương của cả quá trình làm việc chia trung bình để tính lương hưu.
 
Khi đó, tạo ra một sự không bình đẳng giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội. Họ sẽ đặt ra câu hỏi vì sao lại có sự không bình đẳng như thế? Đối tượng được nhắm đến chủ yếu trong việc mở rộng đối tượng lần này là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ 1 tới 3 tháng thường, làm theo mùa vụ tuy nhiên đối tượng lao động này thường là những người lao động có thu nhập thấp, công việc không ổn định, đời sống của gia đình còn thiếu thốn và bấp bênh, có khi phải lo ăn từng bữa.
 
Trong khi, việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chính là việc họ phải cắt giảm mức thu nhập của chính mình, giảm bữa ăn, giảm chất lượng cuộc sống, giảm chi tiêu hàng ngày... Khi mà đối tượng này chưa thấy và hiểu được ích lợi của bảo hiểm xã hội bắt buộc thì sẽ rất khó để họ tham gia. Tâm lý của của người lao động thường là không muốn đóng BHXH và muốn lấy ngay tiền BHXH và BHYT cơ quan, xí nghiệp đóng để bù vào mức lương thấp và tích lũy gửi tiết kiệm (hiện nay đang được coi là kênh gửi giữ tiền an toàn nhất),  nếu có chết thì con cháu họ được hưởng”.
 
Cũng theo luật sư Hòe, bất cập trong việc thực hiện đóng bảo hiểm xã hội phải kể đến đó là việc: nếu chúng ta chỉ quy định hợp đồng từ 1 đến 3 tháng mới đóng bảo hiểm thì từ lúc lập danh sách, làm thủ tục rồi tìm cơ quan bảo hiểm đã hết thời gian rồi. Nhưng bản chất của vấn đề này là luật ta lại quy định hợp đồng trên 3 tháng thì mới đóng bảo hiểm, nên các cơ quan sử dụng lao động hoặc cơ quan Nhà nước lại lách luật là chỉ ký hợp đồng có 3 tháng. Khi đó, người chịu thiệt thòi nhất đó chính lại là người lao động.
 
Từ đó, có thể thấy việc mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm xã hội phù hợp với các chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa rất sâu sắc, giúp đảm bảo cuộc sống ổn định khi về già cho người lao động. Tuy nhiên, nhưng cũng phải lường trước được những bất cập và những điểm còn hạn chế nêu trên để sớm khắc phục và đưa chính sách có lợi tới người lao động.
 
Tiến Dũng
Tin bài liên quan
Loading...