Người lao động “sống mòn” giữa bẫy tăng lương tối thiểu
Hơn một thập kỷ qua, lương tối thiểu tại VN liên tục tăng song hơn 80% người lao động vẫn phải sống tằn tiện.
Để tăng năng suất và giảm chi phí lao động, các doanh nghiệp sẽ đầu tư thêm nhiều máy móc thay vì sử dụng công nhân - Ảnh: K.Linh
Nhiều chuyên gia kiến nghị thay vì duy trì mức lương tối thiểu thấp như hiện nay nên có cơ chế thỏa ước đàm phán tăng lương.
Lương tối thiểu và những hệ lụy lâu dài
Tại Hội thảo “Tiền lương và Năng suất lao động ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) phối hợp với Văn phòng JICA tại Việt Nam tổ chức ngày 13/9, các chuyên gia thừa nhận, thực trạng tăng lương tối thiểu liên tục, không dựa trên cơ sở tăng năng suất lao động sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy cho cả nền kinh tế lẫn xã hội.
Qua nghiên cứu của VEPR, hơn 1 thập kỷ gần đây, lương tối thiểu đã tăng liên tục với tốc độ khá nhanh tại Việt Nam. Cụ thể, trong giai đoạn 2004-2016, tốc độ tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam là 4,4% trong khi tốc độ tăng trưởng lương trung bình là 5,8%. “Trung bình lương tối thiểu tăng 1% có thể khiến lương trung bình tăng 0,32% và lao động giảm 0,13%. Ngoài ra, khi lương tối thiểu tăng 100%, tỷ lệ lợi nhuận (đo bằng lợi nhuận trên doanh thu) sẽ giảm 2,3 điểm phần trăm”, báo cáo của VEPR nêu. Qua đây, báo cáo cũng nhận định: “Mức chênh lệch giữa tăng trưởng năng suất lao động với lương tối thiểu và lương trung bình, nếu kéo dài, sẽ từ từ phá vỡ cân bằng trên nhiều khía cạnh của nền kinh tế, đặc biệt là cản trở tích lũy vốn con người, giảm động lực của nhà đầu tư, lợi nhuận của doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.
Theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR, nếu mức tăng lương lao động tối thiểu hoặc lương lao động trung bình cao hơn năng suất lao động có thể tác động tiêu cực đến chính lao động nghèo. Bởi, để giảm chi phí lao động, các doanh nghiệp sẽ sử dụng ngày càng nhiều máy móc thay vì sử dụng lao động như trước kia. Những ngành thâm dụng lao động như: Dệt may, thủy hải sản, lắp ráp điện tử... sẽ phải bắt buộc đầu tư mua sắm các dây chuyền, máy móc tự động để giảm chi phí.
“Việc làm hài lòng người lao động bằng cách tăng lương tối thiểu hàng năm không phải là lựa chọn đúng. Phương pháp đúng phải là cải thiện năng suất lao động. Khi năng suất cao hơn, người lao động sẽ nhận được lương cao hơn, thu nhập tốt hơn, doanh nghiệp cũng nâng cao sức cạnh tranh. Đó mới là điều cải thiện một cách vững chắc", ông Thành nói.
Mặt khác, theo TS. Nguyễn Tiến Dũng, Viện VEPR, hiện 50% lao động Việt Nam không được ký kết hợp đồng. Số lao động này chủ yếu làm việc tại các hộ kinh doanh gia đình, lao động tự do, lao động làm việc tại các khu vực kinh tế nhỏ và vừa. Việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu hiện nay không đảm bảo phân phối công bằng vì số lao động không có hợp đồng không được áp dụng mức lương tối thiểu.
Báo cáo của VEPR cũng chỉ ra sự bất cập trong công thức, cơ sở điều chỉnh lương tối thiểu. “Trên thực tế, tỷ lệ điều chỉnh lương tối thiểu được tính toán bởi các thành viên của tổ kỹ thuật dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, có thể kể đến CPI, tăng trưởng GDP, nhu cầu cơ bản của người lao động và các yếu tố khác Tuy nhiên, làm thế nào đo lường nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, cũng như việc xác định các tiêu chí quan trọng nhất vẫn còn nhiều tranh cãi”, nhóm nghiên cứu nhận định.
Xuất phát điểm lương tối thiểu của Việt Nam quá thấp
Khẳng định nguyên tắc tăng lương không thể nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động, song ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động Việt Nam lưu ý: Dường như đang có sự đánh đồng giữa lương tối thiểu và tốc độ tăng lương tối thiểu tại Việt Nam. “Không thể so sánh mức tăng lương tối thiểu của Việt Nam với các quốc gia khác vì xuất phát lương tối thiểu của Việt Nam ở mức thấp. Chỉ tiêu đáp ứng mức sống tối thiểu đưa ra song đã bị trì hoãn nhiều lẫn bởi nhiều yếu tố nên đương nhiên, lương tối thiểu của Việt Nam vẫn tiếp tục phải tăng”, ông Chính phân tích và dẫn giải: “Chúng ta mới đánh giá tác động nhiều về phía doanh nghiệp, mà chưa chú ý tác động của tiền lương tới đời sống người lao động. Hai vợ chồng lương 10 triệu đồng vẫn không đủ sống. Theo thống kê hiện chỉ 16% công nhân có tích luỹ, 20% công nhân lương không đủ sống, phần còn lại phải sống tằn tiện”.
Ngoài ra, ông Chính cho rằng, lương tối thiểu tại Việt Nam đang bị bóp méo vì hiện nay các doanh nghiệp đang duy trì hai bảng lương: Một bảng lương tối thiểu để đóng bảo hiểm xã hội và một bảng lương gồm tổng thu nhập thực tế người lao động được hưởng.
Xét về mục đích của lương tối thiểu, ông Trương Đình Tuyển, chuyên gia kinh tế cho rằng: Dùng lương tối thiểu bảo hộ lao động cũng không được bởi thực tế có tới 50% lao động chưa có hợp đồng lao động, không được đóng bảo hiểm xã hội. “Về bản chất, lương phải đủ sống. Do đó, nếu lương đủ sống rồi thì sẽ cân nhắc mức tăng lương nhưng hiện nay lương tối thiểu tại Việt Nam vẫn chưa đủ sống. Có thể chúng ta nên thử nghiệm bỏ lương tối thiểu, duy trì việc đàm phán tăng lương để đưa tiền lương về đúng giá trị thực của nó. Để
bảo hộ lao động, Chính phủ có thể tăng trợ cấp xã hội, tăng bảo hiểm thất nghiệp, giảm bộ máy hành chính”, ông Tuyển nói.
Hoàng Ngân