Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10706
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
“Nguy hiểm một cách đáng kinh ngạc!”
Người đàn ông trong bức ảnh bên nghĩ gì khi anh ta làm việc không an toàn và không hề sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân? Anh ta coi thường tính mạng của mình, hay chủ thầu xây dựng không trang bị bảo hộ lao động? Dù như thế nào thì nguy hiểm cũng đang rình rập người công nhân trên.
 
 
Chưa đạt tiêu chuẩn an toàn tối thiểu
 
Có thể anh ta không ý thức được nguy cơ đe dọa tới sự an toàn về sức khỏe và tính mạng của bản thân. Hoặc, có thể ý thức được nhưng anh ta bất cần bởi vì: “Sống chết có số”! Không ai dám chắc câu trả lời, chỉ biết rằng nếu anh ta không may bị tai nạn, vợ con anh ta sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống; bản thân anh ta sẽ trở thành tàn phế suốt đời, thậm chí phải... lìa đời.
 
Người qua đường nghĩ gì? Nhiều người chép miệng: “Ôi dào, chuyện thường, anh kia mà không cẩn thận là tiêu đời”. Ông chủ thầu xây dựng, chủ của anh ta nghĩ gì? Có thể ông ta chỉ quan tâm làm sao đẩy nhanh tiến độ thi công lên nữa. Nhìn mãi thành quen, rồi thành nhàm, rồi chấp nhận sự thật đáng buồn: “May nhờ rủi chịu”!
 
Một nhà đầu tư châu Âu đã phải thốt lên như vậy khi nhận xét về vấn đề an toàn lao động trên các công trình xây dựng ở VN
Nếu như tai nạn không may xảy ra thì số tiền bồi thường thiệt hại, chi phí thuốc men... mà ông chủ thầu xây dựng đó phải trả cho anh công nhân này còn cao hơn rất nhiều so với việc ông ta bỏ tiền ra mua phương tiện bảo hộ lao động cho công nhân và còn bao nhiêu hệ lụy khác. Thế nhưng điều này đã không được số đông chủ thầu xây dựng tính đến trong khi thi công.
 
Một nhà đầu tư châu Âu có nhận xét về vấn đề an toàn lao động trên các công trường xây dựng ở Việt Nam: “Nguy hiểm một cách đáng kinh ngạc!”. Ở đây chỉ đề cập tới vấn đề an toàn lao động ở mức độ tối thiểu, chứ không phải nhìn nhận dưới tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng quả thật, cái tiêu chuẩn an toàn tối thiểu đó là vẫn còn chưa đạt được tại phần lớn các công trường xây dựng ở Việt Nam.
 
DN và người lao động cùng kém ý thức
 
Một thực trạng đáng buồn là ý thức của người lao động về sự an toàn của bản thân trong khi làm việc còn rất kém. Nhiều người còn coi thường công tác bảo hộ lao động; không chịu sử dụng phương tiện bảo hộ lao động khi làm việc với những lý do như: đi giày khó chịu hơn đi dép; đội mũ bảo hộ lao động không che hết ánh nắng mặt trời, ảnh hưởng đến làn da của chị em khi lao động trên công trường xây dựng...
 
Một trong những yêu cầu đòi hỏi theo quy định của Luật Xây dựng đối với dự án đầu tư xây dựng công trình là phải an toàn trong xây dựng, an toàn phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường... (điều 36 khoản 1, Luật Xây dựng). Ngoài ra, trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng và phải có bản vẽ thiết kế xây dựng công trình đúng tiêu chuẩn.
 
Tuy nhiên, thực tế có những tiêu chuẩn trong xây dựng đòi hỏi rất cao như: nền móng công trình; tiêu chuẩn môi trường; các tiêu chuẩn an toàn liên quan đến điện, nước... nhưng những tiêu chuẩn, đòi hỏi về bảo đảm an toàn lao động cho công nhân xây dựng tại những công trường xây dựng như tập huấn; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân... hầu như không thấy cơ quan cấp phép yêu cầu chủ đầu tư thực hiện. Và không ít chủ đầu tư “tiết giảm chi phí” bằng cách không trang bị phương tiện bảo hộ lao động cho công nhân.
 
Kết quả là, sự an toàn đối với các công nhân xây dựng tùy thuộc vào ý thức của chủ đầu tư xây dựng công trình, nhà tư vấn thiết kế xây dựng và chủ thầu xây dựng.
 
Bất cập từ cơ quan quản lý
 
Thẩm quyền cấp phép xây dựng thuộc về UBND cấp tỉnh (Sở Xây dựng) đối với những công trình xây dựng có quy mô lớn, công trình kiến trúc đặc thù và các công trình xây dựng khác do mình quản lý theo quy định của chính phủ; UBND cấp quận, huyện (Phòng Xây dựng) cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng trong đô thị, các trung tâm cụm xã thuộc địa giới hành chính do mình quản lý, trừ những công trình xây dựng thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh (điều 66 Luật Xây dựng)...
 
 
Công nhân không trang bị bảo hộ lao động, bất chấp nguy hiểm. 

Thế nhưng, riêng về thẩm quyền xử phạt các hành vi không tuân thủ về vấn đề an toàn lao động tại các công trường xây dựng lại thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện. Theo điều 16 và điều 44, Nghị định 126/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà: “Chủ tịch UBND cấp huyện được xử phạt từ 2 triệu-4 triệu đồng đối với nhà thầu xây dựng có hành vi không trang bị đủ phương tiện bảo hộ lao động cho người lao động trong công trường xây dựng”. Mức phạt này thuộc một trong các mức phạt thấp nhất theo quy định của Nghị định số 126/2004. Và nhà đầu tư, chủ thầu rất “yên tâm” đóng phạt để khỏi phải trang bị bảo hộ cho công nhân vốn tốn tiền nhiều hơn. Và khi xảy ra tai nạn lao động, bi kịch sẽ thuộc về người lao động.
 
536 người chết vì tai nạn lao động
 
Năm 2006 xảy ra 5.881 vụ tai nạn lao động, tổng số người bị nạn: 6.088 người, trong đó có 505 vụ làm chết 536 người và 1.142 người bị thương nặng. So với năm 2005: tổng số vụ tai nạn lao động đã tăng 31,13%, số người bị nạn tăng 31,6%, số vụ tai nạn chết người 12,28%, số người chết 11,75%. Trong đó, lĩnh vực xây lắp các công trình dân dụng, công nghiệp và công trình giao thông chiếm tỉ lệ cao nhất về số vụ tai nạn và số người chết: 34,43% tổng số vụ và 32,45% tổng số người chết.
 
(Nguồn: Bộ LĐ-TB-XH)
 
Thạc sĩ TRỊNH KHÁNH LY
Tin bài liên quan
Loading...