Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10620
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Nhà máy Z117 ra đời vào ngày 19 tháng 5
Ngay tiếp theo đợt thi đua đột kích “50 ngày đêm thần tốc, quyết thắng” chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cả Nhà máy Z117 (Bộ Quốc phòng) lại sôi nổi bước vào đợt thi đua “Tháng 5 lập công dâng Bác”. Với thế hệ cán bộ, công nhân Nhà máy Z117, ngày 19 tháng 5 còn có thêm một ý nghĩa nữa, đó cũng là ngày kỷ niệm nhà máy ra đời.
 
Nhà máy Z117 - tiền thân từ Xưởng Quân cụ X10 - là nhà máy đầu tiên của ngành Quân giới Việt Nam (nay là ngành công nghiệp quốc phòng), được thành lập ngày 19-5-1956 với nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa một số loại sản phẩm quốc phòng, các mặt hàng quân dụng phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của quân đội và tham gia sản xuất các mặt hàng kinh tế phục vụ dân sinh.
 
Đến bây giờ, những “Cựu lính thợ” của nhà máy vẫn nhắc đến “sự kiện”: Nhà máy được Đảng, Nhà nước và quân đội giao cho nhiệm vụ sản xuất huân, huy chương, huy hiệu, quân hiệu để phục vụ công tác khen thưởng sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đợt phong quân hàm đầu tiên trong quân đội. Ngày ấy, bắt đầu từ những cỗ máy thô sơ, từ những người thợ chưa hiểu biết nhiều về kỹ thuật chế tạo vũ khí, chỉ có tấm lòng yêu nước, say mê sáng tạo, những người thợ quân giới ở đây đã dùng “nồi gang, than nắm, gió trời” để luyện ra thép, làm ra vũ khí, góp phần đảm bảo trang bị cho bộ đội. Năm 1959, Xưởng X10 nấu thành công mẻ thép đầu tiên bằng lò gió, được Bác Hồ khen thưởng và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba. Năm 1960, Xưởng X10 được xếp là một trong 24 xí nghiệp trên miền Bắc có nhiều năm liên tục hoàn thành vượt mức kế hoạch trước thời hạn và với thành tích đạt được, đơn vị đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng hai và được đón nhận Cờ thưởng thi đua tiên tiến của Hồ Chủ tịch.
 
Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhà máy đã trải qua 10 lần sơ tán, di chuyển, các xưởng phải phân tán thành nhiều bộ phận nhỏ. Song vượt qua bom đạn, sự đánh phá ác liệt của kẻ thù, những người thợ quân giới ở đây vẫn kiên trì bám máy, giữ vững ổn định sản xuất. Từ trong những lều lán mái tranh, vách đất, hay dưới hầm hào, hàng trăm loại vũ khí, khí tài với nhiều chủng loại phức tạp vẫn được xuất xưởng, lên đường tiếp viện cho các chiến trường và đến với nước bạn Lào.
 
Những năm gần đây, trước thách thức của cơ chế thị trường đối với các doanh nghiệp chuyên sản xuất cơ khí, nhà máy đã có sự nỗ lực, phấn đấu vượt bậc và trưởng thành ngày càng vững chắc. Nếu lấy năm 2000 làm mốc thì năm 2004 doanh thu của nhà máy đã tăng gấp 4 lần, lợi nhuận tăng 3 lần, thu nhập của người lao động tăng gấp 2 lần. Chỉ trong hai năm 2003-2004, nhà máy đã huy động tạo các nguồn vốn, đầu tư hơn một chục tỷ đồng để mua sắm các thiết bị tiên tiến và đồng bộ các dây chuyền công nghệ; đã và đang xây dựng mới hàng chục nghìn mét vuông nhà xưởng nhằm nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất ngày càng lớn hơn. Đi cùng vấn đề đó là duy trì và thực hiện nghiêm túc công tác quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2000. Cũng trong hai năm qua, nhà máy đã tuyển chọn và thu hút thêm hơn 200 lao động, nâng tổng số lực lượng lao động của nhà máy lên tới gần 1000 người, trong đó có hơn một trăm cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp và hàng trăm công nhân kỹ thuật lành nghề.
 
 
Sản xuất - kinh doanh phát triển, nhà máy có thêm điều kiện để chăm lo đến đời sống và môi trường làm việc của người lao động. Từ trang bị bảo hộ lao động, việc đảm bảo an toàn, vệ sinh công nghiệp, đến nhà ăn ca của công nhân, khu tập thể và khu gia đình, các công trình phúc lợi v.v... đều được cải tạo, nâng cấp và xây mới. Cơ ngơi của nhà máy ngày một khang trang hơn. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 1.950.000 đồng/tháng. Con em cán bộ, công nhân nhà máy đến tuổi lao động đã được nhà máy bố trí tạo công ăn việc làm, giúp bố mẹ các cháu yên tâm, gắn bó với nhà máy.
 
Gần 40 năm đóng quân trên địa bàn huyện Sóc Sơn - Hà Nội, cán bộ, công nhân nhà máy hiểu rằng trong mỗi bước đi, mỗi thành công của mình đều có sự giúp đỡ chân tình và sự cưu mang, đùm bọc của chính quyền và nhân dân địa phương. Nhà máy luôn làm tốt công tác giáo dục cán bộ, công nhân chấp hành nghiêm kỷ luật của quân đội, giữ vững mối đoàn kết quân dân, tham gia xây dựng cơ sở chính trị xã hội và xóa đói giảm nghèo, xây dựng phong trào văn hóa - thể thao ở địa phương. (Hiện có tới gần 170 con em nhân dân địa phương đang được làm việc tại nhà máy), đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị xây dựng cụm liên kết an ninh khu vực, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Ngoài ra, mỗi năm nhà máy đã đóng góp hàng chục triệu đồng vào công tác xã hội, đền ơn đáp nghĩa và công tác chính sách hậu phương quân đội. Nhiều năm qua, nhà máy được coi là “điểm sáng văn hóa” của huyện Sóc Sơn và được ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn khen thưởng về thành tích tham gia xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
 
HNM
Tin bài liên quan
Loading...