Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10558
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Nhà xây trên bãi bom nổ chậm
Nói xây nhà trên bãi bom nổ chậm, nghe thất kinh, như chuyện hoang đường mà có thật. Những tòa nhà cao tầng của thợ mỏ, mọc lên trên bãi chiến trường xưa, như vẽ lại bức tranh Vàng Danh năm nào.
 
 
Hai lô nhà tập thể 5 tầng chung cư thợ mỏ được xây dựng trên nền bãi bom nổ chậm năm xưa
 
Vàng Danh là một thung lũng của cánh cung vùng đồi Đông Bắc. Xưa kia, đất này rừng thiêng nước độc, ít dấu chân người. Đầu thập niên 60, nước bạn Liên Xô (cũ) giúp ta mở mỏ, đầu tư những thiết bị hiện đại nhất trong công nghệ khai thác than hầm lò thời ấy. Khai trường mở đến đâu, thợ mỏ dựng nhà ở đến đấy. Sơ khai, những dãy nhà lợp tranh, vách đất. Vài dãy nhà cấp 4, lợp ngói Giếng Đáy, chủ yếu dùng làm văn phòng mỏ. Khi giặc Mỹ không kích miền Bắc, Vàng Danh là trọng điểm đánh phá ác liệt của chúng, hòng tiêu diệt nền công nghiệp non trẻ của ta. Chúng bắn tên lửa, vãi bom bi sát thương tại chỗ; ném bom hơi, bom tấn, phá hoại cơ xưởng, công trình kiến trúc tức thì. Còn tồi tệ hơn, chúng găm xuống đất này những quả bom nổ chậm, hung khí giết người hậu chiến, mà tấm ảnh dưới đây minh chứng điều ấy.
 
 
  
 
Khu 314 là bãi bom nổ chận thời quân Mỹ không kích Vàng Danh
 
Tôi rời tay cuốc, cầm súng cùng Binh đoàn Than vào Nam chiến đấu, xa Vàng Danh từ năm ấy. Nay trở lại vùng đất này với bao kỷ niệm. Thung lũng rừng dưới chân dải núi Yên Tử và ngọn Đèo San này vẫn ngút ngàn cây xanh. Trời vẫn như sa xuống thấp, bởi sớm mai sương đêm vẫn la đà lưng núi. Con suối rừng róc rách đâu đây. Chỉ khác, bạn xưa không còn. Cô gái nấu nước cửa lò đón thợ vào ca, hôm xa tôi thẹn thùng lưu luyến: mỗi ngày em phần anh bát nước vối, dành đợi anh cho đến ngày về. Chiến tranh không giết chết người trai nơi tiền tuyến, mà giết chết cô gái hậu phương tuổi xuân thì. Nghẹn lòng đấy, nhưng vẫn bừng lên niềm vui về sự đổi mới nơi đây.
 
Bãi bom nổ chậm mà quân Mỹ để lại sau những trận không kích nằm sâu trong lòng đất, ở khu vực công trường vỉa 3, vỉa 14 năm ấy, gọi tắt là công trường 314, bị thợ mỏ Vàng Danh vô hiệu hóa. Những người thợ tài hoa tay cuốc đào than, tay kìm đã tháo kíp nổ, moi chúng lên nhập kho sắt vụn. Trên nền bãi bom nổ chậm xưa ấy, một cơ ngơi nhà cửa đồ sộ, nơi ở tập thể công nhân diện độc thân, gọi tắt là chung cư thợ mỏ. Chung cư xây trên nền đất rộng 12.942m2 gồm hai tòa nhà 5 tầng, diện tích xây dựng 2.035 m2, trong đó tòa số 1 là 1.108 m2, tòa số 2 là 945 m2, mật độ xây dựng 24,8%. Tổng diện tích sàn xây dựng 10.171 m2. Tầng một của hai tòa nhà làm hội trường, phòng họp, nơi sinh hoạt chung và làm thư viện, phòng đọc sách, văn hóa thể thao trong nhà. Từ tầng 2 trở lên là nhà ở của công nhân, với phòng ở khép kín, 132 phòng rộng hẹp khác nhau, tối tiểu là 40 m2-46 m2. Phân bổ 3 người 1 phòng, 2 tòa nhà này đủ chỗ ở cho 396 công nhân. Tổng giá trị đầu tư trên 60 tỷ đồng. Cơ chế thu phí phòng ở, tầng 2 là 9.000đ/ m2/tháng, tầng 3 là 8.000đ/ m2/ tháng, tầng 4 là 6.000đ/ m2/tháng, tầng 5 là 5.000đ/ m2/tháng. Tiền sử dụng điện nước sinh hoạt, theo giá qui định của Nhà nước. Tiền lương bình quân thợ mỏ Vàng Danh trên 10 triệu đồng/tháng, thì khoản chí phí nhà ở phù hợp túi tiền. Công nhân các phân xưởng vui vẻ về chung cư ở, vừa đầm ấm, tiện lợi ăn nghỉ, sinh hoạt tập thể, văn hóa văn nghệ, vừa đảm bảo công tác quản lý, an ninh nơi ở.
 
 
Anh Nguyễn Doãn Chúc và Nguyễn Văn Khỏe cùng quê ở huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình làm thợ mỏ chung sống trong căn hộ này thoáng rộng.
 
Nhìn tòa nhà chung cư thợ mỏ Vàng Danh to đẹp, mái ấm chung của người lao động, bất giác tôi mủi lòng với những người thợ thu nhập thấp, đây đó còn thiếu nhà ở, nhất là các khu công nghiệp ở vùng Đông Bắc này. Bao người lao động còn phải thuê túp lều nhỏ bí bách như chiếc thùng Container, ẩn sâu trong ngõ vắng, nhà vệ sinh được dùng chung với bếp nấu ăn. Có trường hợp, đôi vợ chồng anh và vợ chồng em ruột, thuê chung một gian nhà trọ. Họ đi làm lệch ca, để luân phiên sử dụng căn nhà, rất bất tiện, nhưng đồng lương ít ỏi vẫn phải căn cơ. Và bao người thợ tan ca, rời xưởng máy phải lang bạt tá túc qua ngày. Mà Công ty CP Than Vàng Danh thừa nhà ở, tỷ lệ “lấp đầy” phòng ở 78%. Sự ăn-ở níu chân lao động. Doanh nghiệp qui mô 41 đơn vị sản xuất, 6.230 thợ mỏ, nhiều năm không có người đảo nhiệm. Công nhân gắn bó với khai trường, nên doanh nghiệp có đội ngũ cán bộ kỹ thuật tinh thông và nhiều thợ mỏ giỏi nghề.
 
 
Dịch vụ giặt là quần áo bảo hộ lao động miễn phí, ngay tại chung cư
 
Mỏ than Vàng Danh, nay là Công ty CP Than Vàng Danh-Vinacomin ngày tôi chưa lên đường nhập ngũ, trống rong cờ mở mà chả năm nào đạt công xuất thiết kế 600 ngàn tấn/năm. Nay than nguyên khai đạt 3 triệu rưỡi tấn/năm, sản lượng đứng đầu làng than hầm lò Việt Nam. Công nghệ sản xuất khác xưa nhiều, cây thìu, cột chống, gỗ chèn không còn trong bản kê điều độ sản xuất, không còn cảnh thợ lò vác búa trên vai, đẩy goòng chở gỗ trụ mỏ theo đường lò hun hút vào lòng đất. Cơ giới hóa thay thế sức người. Công nghệ sản xuất khép kín từ khai thác, sàng tuyển-chế biến đến tiêu thụ.
 
 
 

 
 
Người thợ làm than dưới độ sâu đường lò an toàn, bảo hộ lao động đầy đủ hơn, tiên tiến hơn xưa nhiều.
 
Trong 4 năm (2011-2014), Công ty CP Than Vàng Danh-Vinacomin đầu tư trên 1.900 tỷ đồng đổi mới công nghệ sản xuất. Nhiều thiết bị máy mỏ tiên tiến, khai thác được triệt để tài nguyên, hạn chế tác động xấu đến môi trường. Các thiết bị khai khoáng trong lòng đất an toàn, như dàn chống Vinaallta, giá chống ZH, BK; thiết bị đưa gió trời xuống độ sâu trong lòng đất, bình tự cứu nạn POG8, máy đo khí đa năng của các nước có nền công nghiệp mỏ tiên tiến, như nước Ba Lan và Hoa Kỳ... Môi trường sinh thái được quan tâm, với một trạm xử lý nước thải công nghệ của Đức. Nước thải công nghiệp qua xử lý ở mức cá bơi-cây thủy sinh tươi tốt, mới trả nước về nguồn. Chương trình hoàn nguyên khai trường, tạo ra những cánh rừng xanh tươi, không còn nhận ra công trường khai thác than lộ vỉa; ụ pháo, chiến hào giao thông trong những ngày làm than và đánh giặc.
 
Hiển hiện một phố mỏ, một khu công nghiệp mỏ trù mật mà trong tôi ngỡ như mơ, hồi ức đứt đoạn về thuở đất này là tọa độ lửa, nơi nhằng nhịt vết đạn cày, với những bãi bom nổ chậm. Cô gái nấu nước cửa lò năm ấy và lớp thợ mỏ đầu tiên đặt nền móng khai trường ở thung lũng rừng này, có biết hay chăng lớp thợ trẻ ngày nay vẽ lại bức tranh Vàng Danh đẹp hơn xưa nhiều.
 
Bài: Vũ Phong Cầm - Ảnh: Phạm Cường
Tin bài liên quan
Loading...