Ước tính mỗi năm có hàng chục ngàn người già Nhật Bản chết cô độc tại nhà, vài ngày hoặc vài tuần sau mới được phát hiện. “Kodokushi” (trong tiếng Nhật nghĩa là “chết cô độc”) là xu hướng đang gia tăng tại xứ sở hoa anh đào.
Căn phòng nhiều CD và DVD phim ảnh, ca nhạc của người chết độc thân. Nguồn: SCMP.
Một ngày đẹp trời, người dọn dẹp Hidemitsu Ohshima bước vào căn hộ nhỏ bé ở Tokyo để làm việc như thường lệ thì phát hiện chủ nhà đã chết được hơn ba tuần. Chủ nhà ngoài 50 tuổi, sống ở thành phố hơn 10 triệu dân nhưng không ai biết đến cái chết của ông. Ông là đối tượng mới nhất của xu hướng “Kodokushi” đang ngày càng gia tăng ở một đất nước có dân số già.
Anh Ohshima kể anh đã phải đeo găng tay cao su và mặc quần áo
bảo hộ lao động để quét dọn căn nhà của người chết. Khi anh nhấc chiếc thảm đẫm nước và thịt đang phân hủy của người chết, nhung nhúc giòi bọ trong đó. Ohshima và các đồng nghiệp đã phải đóng tất cả các cửa sổ để mùi hôi thối không lan sang các nhà xung quanh. Căn phòng của người chết khá sạch sẽ, giản dị với nhiều đĩa CD và DVD ca nhạc, phim ảnh. Không ảnh chụp. Không thư từ. Hầu hết đồ đạc đã được bỏ đi. Anh và cộng sự cố gắng tìm kiếm xem có của cải gì có giá trị để chuyển lại cho con cháu chủ nhà. Ohshima cho biết, cảnh sát đang tìm kiếm họ hàng của ông ấy nhưng đến giờ vẫn chưa tìm thấy.
“Kodokushi” là hiện tượng đáng lo ngại của xã hội Nhật Bản ngày nay với khoảng 27,7% dân số ở độ tuổi trên 65 và nhiều người lựa chọn sống độc thân thay vì kiếm tìm bạn đời khi đã ở độ tuổi trung niên. Nhiều chuyên gia cho rằng, yếu tố dân số cộng với các vấn đề văn hóa, xã hội riêng biệt của người Nhật đã làm cho vấn đề càng trở nên trầm trọng. Mặc dù chưa có con số thống kê chính thức về số người chết cô độc vài ngày, thậm chí vài tuần mà không ai biết, nhưng hầu hết các chuyên gia ước tính rằng, con số này lên đến 30.000 mỗi năm. Yoshinori Ishimi, người phụ trách dịch vụ dọn dẹp Anshin Net, cho rằng, con số thực tế có khi phải gấp 2-3 lần.
Xã hội Nhật hiện đại trải qua sự thay đổi kinh tế, văn hóa sâu rộng trong vòng vài thập niên trở lại đây. Tuy nhiên, các nhà dân số học cho rằng, mạng lưới an sinh xã hội của đất nước này đã không theo kịp bước tiến mới, trong đó có gánh nặng chăm sóc người già chưa được cải thiện nhiều. Ông Katsuhiko Fujimori, một chuyên gia nổi tiếng trong vấn đề phúc lợi xã hội, nói: “Ở Nhật Bản, gia đình lâu nay là một nền tảng vững chắc cho các hỗ trợ xã hội. Tuy nhiên, giờ đây, mọi thứ đã thay đổi với sự gia tăng những người độc thân và quy mô gia đình ngày càng thu nhỏ lại”.
Trong vòng 30 năm trở lại đây, Nhật Bản đã chứng kiến sự thay đổi về quy mô gia đình. Tỷ lệ hôn nhân ngày càng giảm. Các chuyên gia cho rằng, đàn ông do lo ngại công việc không ổn định nên không muốn lập gia đình và ngày càng nhiều phụ nữ bắt đầu tham gia lực lượng lao động, không còn phải phụ thuộc tài chính vào người chồng. Tỷ lệ đàn ông độc thân ở lứa tuổi trên 50 ở Nhật Bản là 25%. Vào năm 2030, tỷ lệ này sẽ là 33%, tức là cứ ba người đàn ông thì có một người độc thân.
Hơn nữa, bản tính của người Nhật vốn tự lập, không muốn làm phiền hàng xóm. Do đó, đa số người già không muốn nhờ vả hàng xóm, trở nên thiếu tương tác và cô lập. Theo nghiên cứu của chính quyền Nhật Bản, có tới 15% người cao tuổi ở nước này sống độc thân và chỉ có một cuộc chuyện trò trong một tuần. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Thụy Điển là 5%, ở Mỹ 6% và Đức 8%.
LAN ANH