Nhằm tăng cường vai trò quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khai thác vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn tỉnh. Trong những năm gần đây, ngành xây dựng Thanh Hóa đã tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý sai phạm đối với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn.
Khai thác đá tại mỏ đá vôi của Cty Nam Trung, xã Trường Lâm, Tĩnh Gia, Thanh Hóa.
Tiêu thụ giảm
Năm 2013, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, hoạt động xây dựng trên địa bàn Thanh Hóa có phần trầm lắng, gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, tiêu thụ VLXD của tỉnh đối với hầu hết các loại sản phẩm. Tuy nhiên, một số mặt hàng vẫn có sự tăng trưởng so với cùng kỳ. Trong đó, về sản xuất đá, việc tổ chức thăm dò các mỏ khoáng sản theo quy định của Luật khoáng sản đã thực hiện và được UBND tỉnh phê duyệt 151 mỏ đá, 17 mỏ đá nguyên liệu sản xuất xi măng, đã cấp phép khai thác dài hạn cho 3 mỏ. Tổng sản lượng đá VLXD năm 2013 đạt 12,16 triệu m3, tăng 9,6% cùng kỳ năm 2012, đa ốp lát đạt 11,66 triệu m3, tăng 0,9% cùng kỳ năm 2012.
Ngược lại với các sản phẩm trên, năm 2013 ghi nhận sự tụt giảm sản lượng đối với gạch xây tuynel và gạch ốp lát ceramic với sản lượng sản xuất 1.027 triệu viên gạch xay tuynel, giảm so với cùng kỳ 13,4% (tồn kho 155 triệu viên). Gạch ốp lát ceramic đạt 3,005 triệu m2, lượng tiêu thụ giảm 25% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, trong lĩnh vực sản xuất gạch không nung, thực hiện chỉ đạo của Bộ Xây dựng về sản xuất, sử dụng gạch không nung. Năm 2013 cũng như đầu 2014, chương trình sản xuất gạch không nung của tỉnh đã được nhiều nhà đầu tư quan tâm, toàn tỉnh đã có 7 cơ sở đang sản xuất, kinh doanh gạch bê tông blốc, gạch nhẹ, tổng công suất thiết kế 104 triệu viên QTC/năm; có 3 dự án (DA) đang đầu tư (công suất 84 triệu viên QTC/năm) và 4 DA (công suất thiết kế 170 triệu viên/năm) đang xin đầu tư. Tuy nhiên, mặc dù số lượng DA đã và đang đầu tư có công suất lớn như vậy, nhưng do thị trường xây dựng trầm lắng, nhất là thói quen sử dụng gạch nung vẫn còn phổ biến, nên sản lượng gạch không nung sản xuất năm 2013 mới đạt 16 triệu viên và chỉ tiêu thụ được 4 triệu viên.
Thực hiện vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực VLXD. Năm 2013, Phòng Quản lý VLXD của Sở Xây dựng Thanh Hóa đã được giao và thực hiện 88 nhiệm vụ (không kể 77 nhiệm vụ phối hợp), trong đó có 11 nhiệm vụ UBND tỉnh giao, 8 nhiệm vụ chủ trì đã hoàn thành và báo cáo UBND tỉnh. Về đề án (ĐA) quy hoạch (QH) VLXD, cùng thời gian, ngành Xây dựng đã triển khai thực hiện 2 ĐA QH VLXD. trong đó ĐA rà soát, QH bổ sung các mỏ đá vôi làm VLXD trên địa bàn tỉnh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, đã được UBND tỉnh phê duyệt đề cương nhiệm vụ, phê duyệt dự toán. Theo đó, do diện tích QH của đề án rất rộng lớn, bao gồm cả 27/27 huyện, thị, thành phố, nên đơn vị chủ trì thực hiện là Ban Khảo sát, QH đã đề nghị và được UBND tỉnh đồng ý cho chuyển tiếp thực hiện sang năm 2014. Cùng với đó, ĐA rà soát, bổ sung QH các mỏ đất sét làm gạch ngói nung tuynel trên địa bàn tỉnh đến năm 2015, định hướng đến 2020 cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt đề cương nhiệm vụ và phê duyệt dự toán, giao kế hoạch vốn vào tháng 9/2013. Trong năm 2013 đã hoàn thành việc rà soát các điểm mỏ đủ điều kiện bổ sung QH, tiến hành lập bản đồ và cũng được UBND tỉnh cho phép tiếp tục thực hiện trong năm 2014.
Làm tốt công tác kiểm tra
Đáng chú ý, năm 2013 ngành xây dựng Thanh Hóa đã tích cực tập trung làm tốt công tác kiểm tra hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản và sản xuất, sử dụng VLXD. Trong đó có nội dung quan trọng là kiểm tra việc sử dụng vật liệu trong công trình vốn ngân sách và trái phiếu chính phủ với 27 công trình được kiểm tra đột xuất. Đã phối hợp với ngành Tài nguyên môi trường, UBND huyện Tĩnh Gia kiểm tra 18 đơn vị khai thác, chế biến đá xây dựng trên địa bàn để xác định khả năng cung cấp VLXD cho DA hóa lọc dầu và các DA khác của Khu Kinh tế Nghi Sơn.
Bước sang năm 2014, dù vẫn gặp phải hàng loạt khó khăn, nhưng tình hình đầu tư trên địa bàn Thanh Hóa lại có những chuyển biến tích cực do DA hóa lọc dầu Nghi Sơn được khởi công và DA mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A qua Thanh Hóa được triển khai đã tác động tích cực tới thị trường VLXD khu vực phía nam của tỉnh. Do đó, trong 6 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh đã sản xuất được 3,7 triệu tấn xi măng; 5,6 triệu m3 đá xây dựng; 5,4 triệu m3 cát xây dựng; 510 triệu viên gạch tuynel, 25 triệu viên gạch không nung; 1,67 triệu m2 gạch ceramic; 6,7 triệu m2 đá ốp lát và 50.200 tấn vôi xây dựng. Cùng với sản xuất, tình hình tiêu thụ các sản phẩm trên cũng đều tăng so với cùng kỳ từ 5 - 10%.
Nhìn lại công tác kiểm tra, quản lý trong lĩnh vực VLXD của tỉnh trong thời gian qua đã có những chuyển biến rõ rệt và ngày càng đi vào nề nếp, các văn bản tham gia thiết kế ý kiến cơ sở, tiếp cận công bố hợp quy, tham gia ý kiến về chủ trương, địa điểm đầu tư đều được xem xét theo đúng quy định của nhà nước. Được trả lời đầy đủ theo đúng thời gian quy định, không để DN phải chờ đợi, đi lại. Đối với các đơn vị san xuất VLXD, nhờ đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra nên đã thực hiện sản xuất đạt yêu cầu về quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành. Kết quả kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản, sản xuất, sử dụng VLXD đều được tông hợp báo cáo UBND tỉnh.
Tuy nhiên hoạt động khai thác, sản xuất VLXD vẫn còn bộc lộ những sai sót, bất cập cần khắc phục. Đó là một số đơn vị chưa quan tâm việc công bố chất lượng sản phẩm, nhiều doanh nghiệp chưa làm tốt công tác
bảo hộ an toàn lao động, bảo vệ môi trường. Đặc biệt các đơn vị khai thác đá chưa khai thác đúng hồ sơ thiết kế được duyệt, chưa lập bản đồ hiện trạng và kế hoạch khai thác, một số mỏ đã để xẩy ra tai nạn lao động làm chết người… Để khắc phục tình trạng này cũng như tăng cường hơn nữa vai trò quản lý nhà nước, theo ông Nguyễn Trường Tam - Trưởng Phòng Quản lý VLXD, Sở Xây dựng Thanh Hóa, tới đây ngành Xây dựng Thanh Hóa sẽ tăng cường phối hợp với các cấp, ngành liên quan và chính quyền các địa phương, tiếp tục tổ chức các đợt thanh, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý những vi phạm (trong đó có vi phạm về bảo vệ môi trường) trong lĩnh vực khai thác, sản xuất khoáng sản và VLXD. Cùng với đó, tăng cường công tác tập huấn về an toàn lao động, sử dụng chất nổ… cho các đơn vị trên địa bàn.
Đào Nguyên