Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tuy nhiên, việc quản lý mặt hàng này hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn. Làm gì để bảo đảm an toàn thực phẩm nông sản hướng đến xuất khẩu cũng như bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trong nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành bảo vệ thực vật đặt ra trong năm 2015.
Người nông dân cần hiểu biết khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình. Ảnh: Thái Hiền
Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành Sở NN&PTNT Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện và bắt giữ lô hàng thuốc BVTV cấm sử dụng tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh. Đây là lô hàng thuốc BVTV cấm sử dụng bị bắt giữ đầu tiên trong vòng 5 năm qua trên địa bàn Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cửa hàng là bà Hồ Thị Hà không hợp tác, không xuất trình giấy tờ, hồ sơ theo quy định của pháp luật đối với cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV. Tại khu đất phía sau cửa hàng, đoàn kiểm tra đã phát hiện 41 chai thuốc BVTV là thuốc cấm sản xuất, kinh doanh, sử dụng tại Việt Nam (thuốc Endosulfan), loại 100g/chai. Ngoài ra, đoàn còn phát hiện một số loại thuốc ngoài danh mục thuốc BVTV được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam (400 gói, trọng lượng 10g/gói). Sau khi kiểm tra, phát hiện, đoàn đã tịch thu toàn bộ số thuốc BVTV vi phạm nói trên để tiêu hủy; đồng thời yêu cầu UBND xã Tiền Phong đình chỉ việc kinh doanh thuốc BVTV không đủ điều kiện của bà Hồ Thị Hà, địa chỉ tại khu 12, xóm Chùa, thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong. Được biết, trên địa bàn thành phố có 62/74 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV đang hoạt động, trong đó có 2 xưởng sản xuất, gia công sang chai đóng gói và 31 doanh nghiệp có kho lưu chứa thuốc BVTV; có 1.324 cửa hàng buôn bán vật tư nông nghiệp, số cửa hàng có chứng chỉ hành nghề chiếm 80,7%.
Ông Hoàng Trung - Phó Cục trưởng Cục BVTV thừa nhận, công tác quản lý thuốc BVTV vẫn còn nhiều tồn tại chậm được khắc phục. Kết quả đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc BVTV cho thấy, tỷ lệ không nhỏ cơ sở xếp loại C (không đạt yêu cầu). Đáng chú ý, thuốc BVTV nhập khẩu tăng về khối lượng và giá trị. Hằng năm có khoảng 1% lô hàng thuốc BVTV nhập khẩu không đạt chất lượng kiểm tra Nhà nước phải tái xuất hoặc tái chế. Bên cạnh đó, tình hình buôn bán, kinh doanh thuốc BVTV ngoài danh mục, thuốc cấm cũng đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Tình hình sử dụng thuốc BVTV đối với hộ nông dân cũng không mấy khả quan. Qua kiểm tra 13.912 hộ nông dân, có 4.167 hộ vi phạm, chiếm 29,9%. Hình thức vi phạm là không bảo đảm lượng nước, không có bảo hộ lao động, sử dụng thuốc BVTV không đúng nồng độ, liều lượng bao bì sau khi sử dụng vứt bừa bãi không đúng nơi quy định…
Nhiều địa phương cho rằng, vẫn còn "lỗ hổng" trong quy định quản lý mặt hàng thuốc BVTV. Đơn cử như chuyện tiêu hủy thuốc BVTV nhập lậu, vi phạm bắt giữ được ở đâu, kinh phí lấy từ nguồn nào cũng đang là bài toán chưa có lời giải của rất nhiều địa phương. Theo ông Hoàng Hà - Đội trưởng Đội Thanh tra chuyên ngành số 2, Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay quy định và chế tài xử phạt đối với hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV không nhãn mác còn thiếu chặt chẽ. Do đó, nhiều cơ sở đã "lách luật" bằng cách không sử dụng nhãn mác đối với mặt hàng thuốc BVTV ngoài danh mục hoặc thuốc BVTV cấm sản xuất, kinh doanh khiến cho công tác xử phạt gặp nhiều khó khăn. Kinh phí cho công tác thanh, kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm, tiêu hủy vật chứng thu được khi phát hiện sai phạm chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Đối với nông dân sử dụng sai thuốc BVTV mặc dù đã có chế tài xử phạt đầy đủ nhưng ở cấp cơ sở còn ngại va chạm nên chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc cảnh cáo, nhắc nhở.
Để khắc phục tình trạng vi phạm kéo dài trong sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV, trong năm 2015, Cục BVTV sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công tác quản lý thuốc BVTV; đồng thời tiếp tục siết chặt công tác quản lý thuốc BVTV ở tất cả các khâu, đặc biệt là khâu khảo nghiệm. Cục cũng chỉ đạo tăng cường thanh, kiểm tra thuốc BVTV trong toàn ngành để quản lý chặt thuốc BVTV nhập lậu và thuốc kém chất lượng lưu hành trên thị trường; rà soát danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam và đề xuất loại bỏ các chất độc hại, hiệu lực thấp ra khỏi danh mục...
Theo thống kê của Cục BVTV (Bộ NN&PTNT), hiện cả nước có 129 cơ sở sản xuất, sang chai, đóng gói và hơn 32.000 cửa hàng, đại lý buôn bán thuốc BVTV. Qua thanh tra, kiểm tra hằng năm, cơ quan chức năng vẫn phát hiện nhiều vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng này. Cụ thể, trong năm 2014, có 18,8% cơ sở sản xuất thuốc BVTV được kiểm tra vi phạm, chủ yếu là hành vi sản xuất thuốc BVTV có nhãn không đúng nội dung ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, sản xuất thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Đối với cơ sở buôn bán thuốc BVTV, qua kiểm tra có 13,8% cơ sở vi phạm, các lỗi chủ yếu là không có giấy phép kinh doanh, buôn bán thuốc ngoài danh mục, thuốc kém chất lượng, hết hạn sử dụng.