Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10723
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Nhiều sai phạm khai thác đá xây dựng ở Bắc Kạn
Theo thống kê, toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có 22 mỏ đá đang hoạt động. Qua kiểm tra của liên ngành Xây dựng - Công Thương - TN&MT, LĐTB&XH… cho thấy, ở tất cả các mỏ đều có những sai phạm trong quá trình hoạt động khai thác.
 
 
 
Vi phạm mang tính phổ biến nhất là các mỏ đá là đều không cắt tầng khai thác theo đúng quy trình, quy phạm. Hiện trường tại các mỏ đá đều thực hiện khai thác tạo thành tầng từ trên xuống dưới, với độ dốc khoảng 70 - 85 độ. Với đặc điểm khai thác tạo thành vách đứng như vậy, sau mỗi đợt nổ mìn sẽ xuất hiện những tảng đá treo, mất ổn định, luôn có nguy cơ trượt đá hoặc lăn đá, gây nguy hiểm trong quá trình khai thác, hoàn toàn không đảm bảo an toàn cho người và thiết bị làm việc dưới chân tầng.
 
Thực tế những năm qua, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có không ít các vụ đá lở gây ra những cái chết thương tâm cho người lao động, để lại cho gia đình họ những đau đớn và những khốn khó khi người lao động chính mất đi.
 
Còn quá nhiều đơn vị sai phạm trong lĩnh vực khai thác đá xây dựng ở Bắc Kạn là do công tác thanh tra của các ngành chức năng của tỉnh này chưa toàn diện và chưa có biện pháp mạnh sau thanh tra
Theo quy định chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN04: 2009/BCT thì các đơn vị phải khai thác theo thiết kế cơ sở đã được các ngành chức năng tham gia ý kiến, khai thác tạo tầng công tác, hạ thấp độ cao, thực hiện khai thác từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong. Thế nhưng, tại các mỏ đá đang hoạt động ở tỉnh Bắc Kạn đều không có thiết kế cơ sở nhưng vẫn khai thác. Thậm chí, có mỏ triển khai khoan nhồi mìn ngay ở ngang vách đá, có mỏ thì nổ mìn đá bắn cả vào nhà dân, bắn xuống đường dân sinh hoặc làm hư hỏng hoa màu của người dân trong khu vực như mỏ Kéo Pựt (Pác Nặm), mỏ Phia Còng (Na Rì), mỏ Kẹm Trình (Chợ Đồn)…
 
Sai phạm tiếp theo là các mỏ đều khai thác theo quy mô thủ công, bán cơ giới. Ví dụ đá 1x2 thì có giàn tuyển để xay còn loại đá 4x6 hoặc đá hộc thì chủ yếu là đập tay. Ngoài ra, theo quy định thì các phương tiện cơ giới kể cả phương tiện chạy trong mỏ cũng phải đăng kiểm nhưng theo kết luận của đoàn kiểm tra liên ngành hầu hết những phương tiện cơ giới đang hoạt động trong các mỏ đều không được đăng kiểm, quá cũ kỹ, không còn nguyên vẹn hình thù vì đã bị va quật với đá nhiều lần.
 
Nguyên nhân của các sai phạm lớn kể trên do bản thân người lao động vì cuộc sống khó khăn nên phải mưu sinh trong hiểm nguy rình rập chỉ đổi lấy đồng tiền còm cõi; trong khi đó chủ mỏ lại tranh thủ sự không hiểu biết của người lao động mà viện đủ lý do để không ký hợp đồng lao động, không cấp bảo hộ lao động nhằm tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận tối đa…
 
Không những thế, các DN khai thác đá đều đầu tư manh mún, chắp vá, thiếu định hướng dài hạn, nhiều DN còn chưa chấp hành nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Đội ngũ cán bộ quản lý mỏ còn thiếu và yếu chưa đáp ứng được trình độ chuyên môn theo quy định của Luật Khoáng sản, người lao động thì ít được đào tạo, huấn luyện mà chủ yếu là lao động phổ thông nên ý thức chấp hành an toàn trong khai thác còn nhiều hạn chế.
 
Ngoài ra, các phương án bảo vệ môi trường, an toàn khai thác mỏ, quy trình vận hành máy móc thiết bị… chủ yếu được xây dựng khi làm thủ tục xin giấy phép, còn tới khi thực hiện khai thác thì không được áp dụng…
 
Về chủ quan, có thể khẳng định sở dĩ còn quá nhiều đơn vị sai phạm trong lĩnh vực khai thác đá xây dựng ở Bắc Kạn là do công tác thanh tra của các ngành chức năng của tỉnh này chưa toàn diện và chưa có biện pháp mạnh sau thanh tra. Bên cạnh đó, việc xử lý các đơn vị vi phạm còn nhẹ. Cụ thể, sau khi có báo cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành, UBND tỉnh Bắc Kạn đã có văn bản phê bình nghiêm khắc các DN hoạt động trong lĩnh vực khai thác đá VLXD trên địa bàn, yêu cầu các DN khẩn trương khắc phục các sai phạm để đưa vị trí khai thác về trạng thái an toàn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi đoàn kiểm tra liên ngành các hoạt động khai thác vẫn trở lại như cũ.
 
Vì vậy, trong khi chờ các DN “chủ động” tuân thủ quy định khai thác mỏ, tuân thủ nguyên tắc an toàn lao động, các cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Bắc Kạn cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên theo phương thức kiểm tra bất ngờ không báo trước, cùng với việc áp dụng các biện pháp phạt tăng nặng, thậm chí cấm khai thác, rút giấy phép… Làm tốt và thường xuyên được điều này mới hy vọng đưa hoạt động khai thác đá xây dựng trong tỉnh Bắc Kạn đi vào nề nếp, an toàn, đúng kỹ thuật và đúng pháp luật.
 
Nguyễn Thành Vân
Tin bài liên quan
Loading...