Ép công nhân tăng ca quá sức, không trang bị
bảo hộ lao động đầy đủ, để xảy ra tai nạn lao động thường xuyên vì công nhân không được huấn luyện...
Trong đơn kêu cứu gửi Báo Người Lao Động, chị Nguyễn Thị Tuyến, nhân viên kế toán của Công ty Homn Reen Việt Nam (KCN Tam Phước, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), trình bày: “Sáng 24-9, do phát sinh một số vấn đề trong công việc, trong lúc nói chuyện, bà Lin Yi Hsuan, phó tổng giám đốc công ty, đã tát tai và bảo tôi “cút đi”. Sau khi sự việc xảy ra, vì quá bức xúc, tôi đã rời khỏi công ty. Vài ngày sau, công ty yêu cầu tôi tự nguyện viết đơn xin thôi việc; nếu không, công ty không trả lương tháng 9 cho tôi. Đến nay, công ty lấy cớ tôi nghỉ việc nhiều ngày không xin phép để sa thải tôi. Nếu bà Lin Yi Hsuan không đuổi thì tôi đâu có nghỉ?”.
Nhân viên nói “có”, lãnh đạo bảo “không”
Ngày 5-11, làm việc với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hsu Tien Peng, giám đốc tài vụ, thừa nhận: Ngày 24-9, đến hạn công ty phải trả tiền vay cho ngân hàng, chị Tuyến là kế toán được giao làm việc đó nhưng không hoàn thành nhiệm vụ khiến bà Lin Yi Hsuan bị ngân hàng gọi điện “mắng vốn”. Bực mình, bà Lin Yi Hsuan đã quát mắng và đuổi chị Tuyến chứ không đánh. Hai giờ sau khi sự việc xảy ra, bà Lin Yi Hsuan nhận thức được việc quát mắng và đuổi nhân viên trong lúc nóng giận là không đúng nên đã yêu cầu các nhân viên khác tìm chị Tuyến để khuyên giải và mời quay lại làm việc. Tuy nhiên, các nhân viên này cho biết không gặp và cũng không liên hệ được với chị Tuyến. Từ khi sự việc xảy ra đến nay, công ty không liên lạc được với chị Tuyến và cũng không có ai yêu cầu chị làm đơn xin thôi việc. “Lương tháng 9 đã được công ty chuyển vào tài khoản của chị Tuyến” - ông Hsu Tien Peng cho biết.
Ông Hsu Tien Peng, đại diện Công ty Homn Reen Việt Nam, làm việc với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 5-11 Ảnh: TRƯỜNG HOÀNG
Thế nhưng, theo chị Tuyến, đây không phải lần đầu bà Lin Yi Hsuan đánh, chửi nhân viên. Còn ông Hsu Tien Peng chính là người chứng kiến việc chị bị đánh và đã nhắn tin yêu cầu chị viết đơn xin thôi việc. “Hiện tôi vẫn lưu giữ nội dung tin nhắn” - chị Tuyến khẳng định. Về lương tháng 9, chị Tuyến cho biết đã nhận được nhưng thấp hơn nhiều so với thường lệ và không có bảng kê lương chi tiết.
Nhiều sai phạm
Cùng với khiếu nại của chị Tuyến, phóng viên Báo Người Lao Động cũng nhận được phản ánh của công nhân (CN) về nhiều sai phạm tại công ty. Những sai phạm này, qua xác minh đều có thật. Đơn cử như việc CN làm việc trong môi trường (công ty chuyên sản xuất ốc vít) thuộc danh mục các ngành nghề nặng nhọc, độc hại do Bộ LĐ-TB-XH ban hành thì lẽ ra phải được hưởng 14 ngày phép năm nhưng công ty chỉ cho nghỉ 12 ngày. Hoặc như việc công ty dùng 2 thẻ chấm công: Thẻ A làm giờ hành chính, thẻ B dùng khi tăng ca để đối phó với cơ quan quản lý vì công ty luôn ép CN tăng ca từ thứ hai đến thứ sáu và nhiều hơn 200 giờ/năm. Ngoài ra, tại công ty từng xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nhưng từ khi thành lập đến nay, công ty chưa hề tổ chức huấn luyện về an toàn lao động cho CN. Qua quan sát thực tế tại xưởng sản xuất, chúng tôi còn thấy CN chưa được trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân. Anh Lưu Trần Vũ, CN bộ phận dập đầu, cho biết có nhiều CN bị thương khi đang làm việc, bản thân anh cũng từng bị máy dập trượt vào tay vì không được hướng dẫn cụ thể cách thức vận hành...
Trao đổi với chúng tôi, đại diện công ty thừa nhận có tình trạng tăng ca nhiều hơn 200 giờ/năm nhưng lại “đổ thừa” do CN yêu cầu để tăng thu nhập. Về ngày phép năm của CN, dù đã được Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai khuyến cáo nhưng công ty vẫn chưa thực hiện. Đại diện công ty cũng thừa nhận hoạt động từ năm 2010 với hơn 200 CN nhưng công ty chưa có thỏa ước lao động tập thể, có tổ chức Công đoàn nhưng không hoạt động do “chỉ có 5-6 đoàn viên”.
Ông Nguyễn Văn Cảnh, Phó Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai, cho biết sắp tới, Thanh tra sở sẽ thanh tra Công ty Homn Reen Việt Nam để xác minh những vấn đề người lao động phản ánh và có biện pháp chấn chỉnh, xử lý.
Trường Hoàng - Cao Hường