Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10730
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Nhọc nhằn những "bóng hồng" làm phu gạch
Men theo quốc lộ 1A, dọc qua địa phận các xã Quỳnh Thạch, Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu, Nghệ An), không khó khăn gì để bắt gặp hàng chục cơ sở đóng gạch táp-lô, (một loại gạch được đúc bằng nguyên liệu chính là đá và xi măng). Nơi đây có hàng trăm cơ sở chuyên đúc gạch, tạo việc làm chính và thời vụ cho cả trăm phụ nữ địa phương. Vì thế, người ta còn gọi hai xã Thạch – Văn là làng phu gạch.
 
 


Công việc hằng ngày của những nữ phu gạch. Ảnh Duy Ngợi

Nghề chọn phái yếu
 
Trước đây, dân hai xã này chủ yếu làm ruộng, trồng cây hoa màu, làm phu đá. Phụ nữ ở đây quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
 
Gần 10 năm nay, hầu hết chị em phụ nữ, trẻ nhỏ, và cả bà già của hai làng “đầu quân” cho cái nghề đóng gạch, bốc gạch nặng nhọc. “Đồ nghề” của những nữ phu gạch thật đơn giản.
 
Một chiếc túi bóng, bên trong đựng một chiếc áo mưa, một đôi găng tay, một chai nước, một cái khăn mặt... là có thể bước chân vào nghề nặng nhọc này.
 
Khi thấy tôi giơ máy ảnh lên chụp, một nhóm phụ nữ đang chờ xe đến bốc gạch phân trần: “Chú viết báo à? Nghề phu gạch của chị em tui thì có chi mà nói mô, chỉ bốc lên rồi dỡ xuống thôi mà”.
 
Tay thoăn thoắt bốc một lúc 2 viên (mỗi viên gạch nặng khoảng 4kg) từ bãi tập kết lên chuyển cho cô con dâu đưa lên xe tải, bà Lê Thị Lan, xóm 10, xã Quỳnh Thạch, người có thâm niên hơn 4 năm trong nghề cho biết: “Trước đây tui từng đi giúp việc nhà hàng, làm ô sin nhưng công việc vất vả mà lương thấp nên bỏ và cùng chị em trong làng ra bãi sò (gạch táp lô) kiếm tiền. Mấy ngày đầu về chân tay ê ẩm nhưng dần rồi cũng quen”. 
 
Gia cảnh bà Lan thật đáng thương, thằng con trai đầu bị tai nạn qua đời năm 2005, bỏ lại vợ và hai đứa con nheo nhóc. 4 năm trước, chồng bà lâm bệnh rồi cũng theo thằng con trai cả mà đi.
 
Hiện bà sống với vợ chồng đứa con trai út bị tàn tật. Bà thì ốm yếu, một mắt bị mù phải mổ bỏ. Hằng ngày, bà dậy từ lúc 5 giờ sáng và kết thúc công việc của mình lúc trời đã tối om.  May mắn lắm, mỗi ngày công bà cũng kiếm được 30.000 ngàn đồng về mua mớ cá, bó rau.
 
Đội quân “bốc vác” của bà Lan có khoảng 10 người đều ở trong xóm, trong đó có con dâu thứ 2 của bà. Sau khi chất đầy gạch cho một chuyến xe tải, tùy xe to hay nhỏ chia ra mỗi người trong đội của bà chỉ nhận được 3000-4000 đồng tiền công.
 
Trong đội quân cửu vạn chờ xe đến “ăn gạch”, chị Hồ Thị Lê, SN1984 chia sẻ: “Nhà tui được mấy sào ruộng, xong mùa không có việc gì làm nên ra bãi gạch này kiếm tiền. Trong làng người đi trước rủ người đi sau, toàn là chị em phụ nữ thôi. Ở đây tìm được người con trai bốc gạch thì hiếm lắm, họ thường đi làm ăn xa chứ ra đây bốc gạch thì “khó coi”.
 
Rồi chị Lê cho biết thêm, tuy vất vả nhưng chăm chỉ cũng kiếm được tiền. Nhờ nghề bốc gạch, chị cũng kiếm được tiền ăn cho gia đình hằng ngày, dành dụm đóng tiền học cho 2 con nhỏ.
 
 


Ngay cả việc đứng máy đúc gạch nặng nhọc cũng do chị em phụ nữ đảm nhiệm. Ảnh Duy Ngợi

Tìm hiểu thực tế, được biết hiện tại chỉ riêng ở hai xã Quỳnh Thạch, Quỳnh Văn đã có khoảng hơn 100 phu bốc gạch. Họ là những người gần như là “chuyên nghiệp” và chia thành các nhóm từ 5-10 người làm việc cùng với nhau.
 
Hằng ngày, những người trong nhóm có mặt tại một điểm cố định và mỗi khi có việc thì ngay lập tức lên đường... Thường là họ “hợp đồng” với các tài xế, có thể là những tài xế chuyên vận chuyển gạch đi tiêu thụ, cũng có thể là các tài xế đang chạy vật liệu cho các công trình v.v... để những tài xế này gọi đi làm.
 
Theo quan sát của chúng tôi, những phụ nữ bốc gạch thuê ở đây đều không hề được trang bị bất cứ một trang thiết bị bảo hộ lao động (ngoài đôi găng tay) hay bảo hiểm y tế nào cả. Vì vậy, việc bị những viên gạch rơi trúng chân, sứt tay chảy máu không phải là chuyện hiếm gặp.
 
Tuy là công việc nặng nhọc thế nhưng đội ngũ lao động lại chỉ toàn phụ nữ. Số nam giới làm công việc này rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. “No béo gì nghề bốc gạch thuê hả chú! Chẳng qua cánh đàn ông chê công việc này ít tiền nên không làm thôi. Giờ họ đi xây dựng, tiếp thị hết rồi”, một người phụ nữ nhanh nhảu khi thấy tôi thắc mắc.
 
 


Một phụ nữ vất vả đưa sỏi đá vào máy đúc gạch. Ảnh Duy Ngợi

 Nhọc nhằn mưu sinh
 
Không chỉ bốc gạch mưu sinh, bên những chiếc máy đúc gạch táp-lô, từng tốp 4-5 phụ nữ luôn túc trực, làm quần quật để những mẻ gạch mới được ra lò. Anh Hồ Hữu Quang, chủ một cơ sở đúc gạch táp-lô ở cạnh gần trại cá giống Quỳnh Lưu cho biết: “Tuy gạch được đóng bằng máy nhưng nhiều công đoạn như khâu nhào trộn, vận chuyển nguyên liệu vào máy, bốc dỡ gạch ra khuôn, đem tới bãi phơi đều phải làm thủ công nên cần nhiều lao động”.
 
Cơ sở của anh Quang có tới 3 chiếc máy đúc gạch nên hằng ngày cần tới 15-20 lao động thường xuyên, tất cả đều là phụ nữ.
 
Có mặt tại đây lúc chị em phụ nữ đang miệt mài sản xuất gạch táp-lô, tiếng máy đúc “đinh tai, nhức óc”, nhưng các cô, các chị vẫn thản nhiên làm. Mỗi ngày quần quật đóng gạch, khuân đất từ 7 giờ sáng đến 6 giờ, các “phu gạch” nữ ở đây được trả công cho 100 nghìn đồng.
 
Trong những phụ nữ “đóng gạch” tại đây, éo le nhất có lẽ gia cảnh chị Vương Thị thanh, SN 1977 ở xóm 8, Quỳnh Thạch. Chồng chị bị phát hiện bị ung thư máu nên từ năm 2015 đến nay, một mình chị cáng đáng việc nhà, chăm nuôi chồng và hai đứa con ăn học bằng 5 sào ruộng và nghề đóng gạch thuê.
 
“Nghề ni làm ngoài trời và phụ thuộc nguyên liệu về nên thu nhập cũng khá bấp bênh, tháng mô đạt công nhất cũng chỉ được 2 triệu 7. Giờ không làm việc ni thì cũng nỏ biết lấy chi để lấy tiền rau cháo nuôi chồng con”, chị Thanh thở dài ngao ngán. 
 
 


Đội quân chờ "ăn gạch". Ảnh Duy Ngợi

Với những người phụ nữ “đầu tắt mặt tối”, vất vả sớm hôm như chị em phụ nữ Thạch – Văn sống dựa vào những viên gạch táp-lô, họ nào dám mơ đến hoa tươi, món quà những ngày lễ mà chỉ mong kiếm được đồng tiền đắp đổi cho cuộc sống hàng ngày.
 
Những bàn tay vốn mảnh mai yếu ớt trở nên chai sạn vì những viên gạch táp-lô nặng trịch nhưng họ vẫn lấy đó làm niềm vui, vui vì phụ giúp thêm được gia đình có thêm thu nhập và cắt nghĩa từ vui vì lý do rất giản đơn: có “công ăn việc làm”.
 
Duy Ngợi
Tin bài liên quan
Loading...