Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10562
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Những cái chết vì thiếu hiểu biết, chủ quan
Mỗi năm, chỉ có 220 doanh nghiệp trên địa bàn TP ?báo cáo về tình hình tai nạn lao động . Sáng 4-3, trong khi sửa chữa hệ thống đèn điện tại nhà máy sợi con, anh Nguyễn Văn Tuấn, thợ điện bậc 6/7 ở Công ty Dệt Việt Thắng bị điện giật, sau đó chết tại Bệnh viện Thủ Đức vào 9 giờ sáng cùng ngày. Theo kết luận của đoàn điều tra, nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn lao động (TNLĐ) do anh Tuấn không cắt điện nguồn trước khi thao tác. Từ đầu năm 2002 đến nay, TPHCM đã xảy ra 7 vụ TNLĐ.
 
Theo đánh giá của Ban Thanh tra Kỹ thuật An toàn lao động (ATLĐ), Sở LĐ-TB-XH TPHCM, thời gian gần đây, các vụ TNLĐ có chiều hướng gia tăng.


Lỗi do người sử dụng lao động và cả người lao động
 
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNLĐ, song phổ biến là các doanh nghiệp (DN) không tập huấn ATLĐ và không đảm bảo điều kiện làm việc an toàn cho người lao động (NLĐ); NLĐ chưa được trang bị các kiến thức nền về ATLĐ hoặc vi phạm quy trình, quy phạm ATLĐ. Điều này dễ thấy trong các cơ sở sản xuất, các DN tư nhân. Nơi đây, hầu hết NLĐ đều làm việc bằng kinh nghiệm, truyền nghề cho nhau; thậm chí những nghề nguy hiểm (như hàn gió đá, sửa điện, sản xuất gas...), cơ sở cũng không tập huấn hoặc có tổ chức thì học  qua loa, NLĐ nắm lơ mơ về các nguyên tắc, kỹ thuật an toàn. Từ sự thiếu hiểu biết đó, TNLĐ xảy ra.
 
Cuối tháng 8-2001, tại Nhà máy Đay Sài Gòn, CN học việc Huỳnh Lân được phân công sửa chữa máy dệt bị nhảy thoi. Sau khi bắt hai con ốc phía trên, Lân chui đầu vào phần gầm máy để bắt tiếp các con ốc phía dưới thì chạm vào cần khởi động của máy làm máy hoạt động, bị thanh khung gỗ đập vào đầu gây chấn thương sọ não kín dẫn đến tử vong. Nguyên nhân tai nạn do trước khi thao tác, anh Lân đã vi phạm nội quy an toàn sửa chữa máy móc thiết bị, không ngắt cầu dao điện. Tuy nhiên, theo đoàn điều tra TNLĐ, ông Nguyễn Văn Thành, thợ bảo trì, cũng có một phần trách nhiệm khi thiếu giám sát, nhắc nhở. Một trường hợp khác: Trong khi đang trét tường, anh Lê Văn Tám, CN tổ sơn nước, Công ty Xây lắp Công nghiệp, bị trật giàn giáo, rơi xuống đất từ độ cao 5,2 m và tử vong do chấn thương sọ não. Đoàn điều tra cho biết: Anh Tuấn đã vi phạm quy định ATLĐ trong quá trình thi công. Theo Ban Thanh tra Kỹ thuật an toàn- Bảo hộ lao động, Sở LĐ-TB-XH TPHCM, trong số 601 vụ TNLĐ xảy ra, có 272 vụ do DN không đảm bảo ATLĐ, NLĐ vi phạm quy trình, quy phạm ATLĐ, chiếm tỉ lệ 45,25%. 
 
Trả giá đắt vì sự chủ quan
 
Ở một số DN, nhiều vụ TNLĐ chết người đáng tiếc xảy ra do NLĐ chủ quan, bỏ qua quy định đảm bảo an toàn trong khi thao tác, dù đã được huấn luyện về ATLĐ. Vào sáng 11-3-2001, tại khu nhà kho thành phẩm Công ty Nhựa Rạng Đông, ông Phạm Hồng Thế chỉ huy hai CN là anh Đinh Văn Phượng và Lê Huy Dũng (Công ty Xây dựng Anh Minh, đơn vị nhận thi công), thực hiện tháo dỡ tole fibro xi măng. Cùng với đồng nghiệp, sử dụng hai cây gỗ 5x10 m tháo được 6 tấm tole xuống đất, chuẩn bị tháo tấm thứ 7, anh Dũng đã tự ý tháo dây an toàn, bước xuống mái tole vị trí có xà gồ, định dịch chuyển 2 cây gỗ thì tole bể  té xuống nền nhà xuởng từ độ cao 7m. Do chấn thương quá nặng, anh Dũng chết vào buổi chiều cùng ngày. Một dẫn chứng khác là vụ TNLĐ chết người tại Xí nghiệp Giày Phú Tân, Công ty Giày Phú Lâm. Vào chiều 11-4-2001, thấy máy ép đế ngừng hoạt động, anh Trần Minh Lập, CN tổ thiết kế mẫu đứng lên ghế nhựa, một tay bám lên khung sắt hệ thống đèn néon, một tay bám vào thành máy để kiểm tra hộp điện phía trên, bị điện giật bất tỉnh, sau đó chết tại bệnh viện. Theo kết luận điều tra TNLĐ: Anh Lập đã tự ý đấu mắc điện cho thiết bị ép đế giày và đấu sai kỹ thuật làm 1 pha của nguồn điện 220V chạm trực tiếp ra vỏ. Đầu tháng 9-2001, tại công trình xây dựng lô R, chung cư Nguyễn Kim (quận 10, TPHCM), anh Nguyễn Chí Cao, CN Công ty Xây dựng Số 4 (Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam), được phân công sàng cát, chuyển gạch ở tầng trệt, sau đó đưa vào máy vận thăng chuyển lên lầu. Khoảng 13 giờ 30 chiều cùng ngày, anh Cao tự ý đổi chỗ lên tầng 3 làm việc, chuyển các bao cát ra khỏi máy vận thăng và đã bất cẩn té xuống đất chết.
 
Để xảy ra TNLĐ, trách nhiệm trước tiên thuộc về NSDLĐ vì không đảm bảo điều kiện làm việc an toàn, không trang bị các kiến thức cần thiết về ATVSLĐ cho NLĐ. Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Nguyễn An Lương khẳng định: Nơi nào tổ chức sản xuất, nơi đó có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho NLĐ.
 
 Mỗi năm TPHCM xảy ra 35 vụ TNLĐ chết người
 
. Từ năm 1996 đến 2001, TPHCM xảy ra 2.250 vụ TNLĐ, trong đó có 198 vụ TNLĐ, làm chết 215 người, bị thương 2.136 người, thiệt hại trên 6 tỉ đồng. Riêng quý I/2001, TPHCM xảy ra 7 vụ TNLĐ.
 
. Bình quân mỗi năm xảy ra 35 vụ TNLĐ chết người.
 
. Đa số các vụ TNLĐ chết người là tai nạn điện, ngã cao, máy va đập; vật rơi, thiết bị nâng. Nguyên nhân: NLĐ vi phạm quy trình, quy phạm; thiết bị không an toàn; điều kiện làm việc kém; không sử dụng phương tiện bảo hộ lao động.
 
 Ông Huỳnh Tấn Dũng, Trưởng Ban Thanh tra Kỹ thuật An toàn lao động, Sở LĐ-TB-XH TPHCM:

“Quản lý Nhà nước về thực hiện ATLĐ còn lỏng lẻo”
 
Năm 2001, số vụ TNLĐ có giảm hơn so với năm 2000, nhưng tình hình TNLĐ tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngay cả DN được cấp chứng nhận hệ thống ISO-9000 hoặc SA-8000 vẫn để xảy ra TNLĐ. Số vụ TNLĐ giảm, nhưng không có nghĩa là công tác quản lý Nhà nước đã hiệu quả hơn. Thực ra, quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này còn yếu, vì nhiều nguyên nhân khách quan. Do cơ chế thanh tra ATLĐ hiện nay chỉ dừng lại ở cấp sở, tài liệu thông tin về ATLĐ chưa đến với các DN; nhiệm vụ của lực lượng thanh tra ATLĐ chỉ điều tra TNLĐ là chính, chưa làm tốt nhiệm vụ phát hiện, ngăn ngừa TNLĐ. Bất hợp lý hiện nay là chúng ta chưa có thanh tra ATLĐ cấp quận, huyện để kịp thời giám sát hoạt động của DN về ATLĐ.
 
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM:
 
“Nâng cao hiệu quả hoạt động của an toàn vệ sinh viên”
 
 Để hạn chế TNLĐ, ngoài việc tập trung phổ biến các quy định pháp luật của Nhà nước về công tác an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) trong các DN kết hợp giáo dục ý thức chấp hành nội quy ATVSLĐ-PCCN cho NLĐ, cần kiểm tra xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm và khen thưởng các cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động ATVSLĐ-PCCN. Mặt khác, cần tiếp tục hoàn thiện các tổ chức hoạt động trong công tác ATVSLĐ-PCCN, nhất là nâng cao hiệu quả hoạt động của an toàn - vệ sinh viên; tạo mối liên kết giữa DN, công đoàn và NLĐ. Về phía NLĐ, để ngăn ngừa rủi ro, bảo toàn được sức khỏe và tính mạng bản thân, NLĐ có quyền từ chối khi được bố trí làm việc trong điều kiện thiếu an toàn, nâng dần ý thức tuân thủ quy trình, quy phạm ATLĐ.
 
CÔNG NGUYÊN
Tin bài liên quan
Loading...