Về lý thuyết, các doanh nghiệp (DN) khai thác, chế biến đá phải đáp ứng các điều kiện pháp lý về việc khoan cắt, nổ mìn khai thác khoáng sản với những bằng cấp, chứng chỉ của đội ngũ kỹ sư và công nhân sử dụng vật liệu nổ. Thế nhưng, thực tế, ở không ít đơn vị, đây chỉ là trò giả dối nhằm che mắt cơ quan chức năng hoặc có thể được cơ quan chức năng... “lờ đi”. Đội ngũ đưa những khối đá lớn nhỏ từ nơi nguyên thủy chủ yếu là thợ cống, thợ gầm hoạt động tự do, vi phạm quy định quản lý vật liệu nổ và mất an toàn lao động.
Mong manh đời đục cống
Thợ cống Bùi Văn Long (trú xã Xuân Du, huyện Như Thanh) - người có 15 năm kinh nghiệm trong nghề - giải thích rành rọt: Đục cống nghĩa là dùng khoan hơi cỡ lớn, loại -36-38mm chọc vào lòng núi trên các vách đá thẳng đứng với chiều sâu từ 14m trở lên. Những chiếc cống này có bề rộng vừa một thân người chui vào. Họ làm việc trong hang hốc tối om như dưới địa ngục khoảng 40-45 phút thì tạm dừng, để cào mạt đá đưa ra ngoài. Bên cạnh đó, tùy thuộc từng thớ đá, cũng như khối lượng do ông chủ yêu cầu, thợ đục gầm sẽ đảm nhiệm công việc khoét hàm ếch, tạo khoảng không để khối đá “treo” lơ lửng nơi lưng chừng núi nhưng để lại một cột đá lớn chống khối đá phía trên khỏi đổ sụp xuống, cái này gọi là “trối”. Sau khi hoàn thành công đoạn khoan, đục, tốp thợ sẽ đi nhận thuốc nổ từ phía ông chủ rồi nhồi vào trong cống, gầm và nhồi vào những lỗ nhỏ khoan sâu xuống phía dưới lòng núi, sau đó lắp kíp chuẩn bị cho khâu cuối cùng với cách dùng từ lóng “đánh quyết định”.
Dọc các mỏ đá thuộc dãy núi Hang Cá - Đá Cạo - Bà Đầm, tôi tận mắt chứng kiến cảnh thợ cống, thợ gầm lầm lũi làm việc trong khói bụi mịt mù, tính mạng con người mong manh giữa sự sống và cái chết. Tại doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Phương Hương, có hàng chục đàn ông thân hình đen nhẻm, mặt bám đầy bụi đá đang miệt mài khoan, đục. Tiếng máy nổ gầm rú đinh tai phá tan màn đêm tĩnh lặng. Một thợ cống dẫn tôi chui vào trong gầm khối đá lớn ước chừng lên tới hàng nghìn tấn lơ lửng trên đầu. Dùng cả hai tay che mũi, tôi mò gần đến chỗ anh thợ lái chiếc máy xúc múc đá dăm thì không thể thở nổi trước bụi đá bao phủ như lớp mây dày đặc, nên đành lùi lại. Ngồi trò chuyện với các thợ đá mới biết, với cú “đánh quyết định” này, ông chủ Phương Hương dự tính sẽ sử dụng tới hàng tạ thuốc nổ và thực hiện vào ngày 30.8.2014.
Ông Phan Thanh Phương - Giám đốc DNTN Phương Hương - chống chế: “Chỗ đó có cái hang sẵn, nó cũng nguy hiểm nên ông thuê thợ khoan cống, đào gầm và đánh luôn. Cú quyết định này, tôi chỉ sử dụng vài chục cân thuốc thôi! Thợ, chủ yếu là người quanh đây cả, họ có… bằng cấp, giấy phép đầy đủ. Thợ tự do chỉ làm phụ như kéo ống, kéo dây”. Khi tôi đề nghị cho gặp giám đốc điều hành mỏ kiêm chỉ huy nổ mìn, ông Phương chỉ nhớ anh kỹ sư “đầu quân” cho mình tên Hưng, rồi nói: “Hưng mới nghỉ việc rồi”.
Cty Xuân Trường đang thuê thợ tự do khoan cống, đào hang chuẩn bị “đánh quyết định” trái quy định (ảnh lớn). |
Một thợ cống “quyền lực” đánh giá: “Riêng cái trối, DNTN Phương Hương đã phải sử dụng gần 2 tạ thuốc mìn, chưa kể 3 cống lớn luồn sâu trong lòng núi. Hơn thế, chính ông Phương khẳng định, mỏ của ông đã hết hạn, giờ đang làm thủ tục cấp lại nhưng chưa xong. Vừa rồi, thủ tục mua bán thuốc nổ cũng dừng hết rồi”. Vậy, ông Phương lấy đâu ra “mấy chục cân” thuốc để đánh sập hàng nghìn khối đá vẫn đang ngổn ngang tại hiện trường là việc cần được các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ.
Không... chứng chỉ
Những người thợ khoan cống, đào gầm tôi đã gặp, không một ai có chứng chỉ bồi huấn kiến thức về nghiệp vụ chỉ huy nổ mìn, không chứng chỉ kỹ thuật an toàn về vật liệu nổ công nghiệp và cũng không hề qua lớp đào tạo về nổ mìn theo quy định… Họ là anh nông dân chân đất, xong xuôi mùa màng thì đến gặp các chủ mỏ tìm việc, mưu sinh. Ông Lê Văn Vịnh (51 tuổi, trú xã Xuân Du, huyện Như Thanh) nói: “Khoảng năm 2007, tôi bắt đầu chuyển sang làm thợ cống. Lúc đó, tôi đi với anh Lê Quang Quân ở cùng làng lên dãy núi Hang Cá hoạt động. Lần đầu mò vào cống để đục, tôi suýt ngất vì bụi đá đặc quánh. Nghề này, biết rõ nguy hiểm, độc hại, nhưng mình chỉ có sức khỏe nên phải chấp nhận”.
Trong vai chủ mỏ cần thuê thợ cống, tôi tìm gặp anh Trương Văn Long (SN 1974, trú xã Cao Thịnh, huyện Ngọc Lặc). Anh Long chỉ lên bức ảnh cưới của cô con gái đầu rồi kể: “Cháu nó sinh năm 1996, con bé bao nhiêu tuổi thì tôi làm nghề đục cống được bấy nhiêu năm. Từ ngày tôi đi làm đến giờ, không thể tính hết được số lượng cống đã đục. Tại vùng mỏ Hang Cá - Đá Cạo - Bà Đầm này, có nhiều DN tôi đã “hợp tác” như Cty Xuân Trường, Cty Phú Lộc, Cty Nam Thái Sơn… Cống tôi đào sâu nhất là 40m. Nếu có thể đánh đá xuống được thì đào địa đạo sâu 100m, thậm chí đào qua cả… quả núi tôi cũng làm được. Nhưng vấn đề là hiệu quả, các anh không được lợi thì chúng tôi nhận tiền cũng không thấy thoải mái”./.
Thợ cống đang chuẩn bị chui vào hang để khoan và đục. |
Tôi hỏi, anh có chứng chỉ nổ mìn không? Anh Long trả lời thẳng tưng: “Chứng chỉ thì bọn anh làm cống không có đâu, tất cả làm theo kinh nghiệm thôi. Từ xưa đến nay, không ai cấp chứng chỉ cho thằng đi làm cống cả, lần đầu tiên tôi nghe chủ mỏ hỏi câu này đấy! Chứng chỉ chỉ dạy đánh 2-3 cân thuốc/lỗ mìn, còn bọn tôi đục cống, đào gầm phải dùng hàng tạ thuốc, thậm chí cả tấn thuốc thì trường lớp nào đào tạo, cấp chứng chỉ được”. Theo anh Long thì tất cả anh em trong tổ làm cùng nhau có tay nghề, kinh nghiệm. Còn nếu chủ mỏ yêu cầu chứng chỉ thì đi tìm cả năm cũng không kiếm được người.
Lê Thiên Lực - một thợ cống được tôn lên tầm “sư phụ” - chia sẻ: “Nghề đục cống, đào gầm như bọn tôi không có sách vở nào dạy cả. Người đi trước chỉ cho người đi sau, trường hợp mới vào nghề sẽ được những thợ cống dày dạn kinh nghiệm giao nhiệm vụ cào mạt, khoan “nơ”, khoan kép để nhồi mìn phá nhỏ khối đá lớn. Sau khi thuần thục, “tân binh” mới được cầm khoan “đâm” vào vách núi. “Nói chung chứng chỉ không quan trọng, quan trọng là mình phải va chạm nhiều và có kinh nghiệm” - Lực nói.
Doanh nghiệp bất chấp tất cả
Về nguyên tắc, phương án khai thác mỏ đá của các DN khi được cơ quan thẩm quyền phê duyệt đều phải thực hiện cắt lớp từ trên đỉnh núi xuống. Song thực tế ngược lại, vì lợi nhuận, chủ đá bất chấp tất cả, khai thác theo kiểu “chụp giật” làm lãng phí nguồn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng và khiến không ít lao động mất mạng. Tiếp cận khu vực mỏ của Cty TNHH Xuân Trường (Cty Xuân Trường) đóng ở vùng mỏ Hang Cá, tận mắt chứng kiến cảnh những người thợ cống (tôi gặp trước đó trong vai chủ mỏ) đang cặm cụi đục khoét tại 3 cống lớn và đào gầm, mới thấu: Vì lợi nhuận, chủ DN sẵn sàng bất chấp tất cả.
Đối chứng với bản hợp đồng không số ký ngày 11.7.2014 giữa anh Trương Văn Long và ông Trịnh Đình Xuân - Giám đốc Cty Xuân Trường - có thể khẳng định: DN này đang thuê thợ cống, thợ gầm chuẩn bị cho cú “đánh quyết định” dự kiến sử dụng hàng trăm cân thuốc nổ và giao cho các lao động tự do, không bằng cấp thực hiện. Theo bản hợp đồng này, anh Trương Văn Long nhận khoán đục cống, khoan bắn đổ đá theo đơn giá 1,2 triệu đồng/m dài và đánh đổ đá bằng thuốc nổ theo yêu cầu của Cty Xuân Trường. Để đạt được khối lượng theo đơn giá này, sẽ phải có rất nhiều lao động thực hiện cùng lúc với ngày công những hôm có việc ước tính chưa đầy 170-200 nghìn đồng/người. Cty Xuân Trường có trách nhiệm cung cấp đầy đủ vật liệu nổ theo yêu cầu của tổ thợ. Nếu trong khi nổ mìn mà xảy ra tai nạn hay bị thương, tổ thợ của anh Long phải tự chịu trách nhiệm và anh Long có trách nhiệm quản lý, không được mang vật liệu nổ mà Cty Xuân Trường cấp ra khỏi mỏ đá dưới mọi hình thức, đồng thời không sử dụng thuốc nổ trái với cam kết của bản hợp đồng... Điều đáng nói, khi hỏi “Cty Xuân Trường có yêu cầu chứng chỉ không?”, anh Trương Văn Long nói: “Không. Nó chỉ yêu cầu đánh đổ đá. Nhưng cái này đổ được bao nhiêu là do trực đá. Tôi đánh không bị phụt thuốc ra ngoài là được”.
Chiều 17.9, phóng viên Báo Lao Động kiểm tra thông tin, hiện Cty Xuân Trường vẫn chưa “đánh quyết định” như hợp đồng đã ký kết nêu trên.