Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10500
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Những phụ nữ nghèo "cõng" nghề độc hại

Sáng sớm, cánh đồng xóm 8, xã Nga An, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) nồng nặc mùi thuốc sâu. Hầu hết khách qua đường phải đưa tay lên che mũi, đi thật nhanh. Chỉ có người phụ nữ dáng lam lũ giữa cánh đồng vẫn mải mốt khỏa chiếc vòi phun, bụi thuốc bay mù mịt.


Người phụ nữ đang liều mình trong làn hơi độc đó là bà Nguyễn Thị Huệ, người xóm 4, xã Nga Thành lên đây phun thuốc sâu thuê.

Những năm trở lại đây, phun thuốc trừ sâu thuê đang là nghề “hot” ở huyện Nga Sơn. Trước kia, nghề này chủ yếu do đàn ông đảm nhiệm bởi tính chất công việc độc hại. Nhưng nay, đa số người đi phun thuốc sâu thuê là phụ nữ nghèo. Họ dấn thân vào nghề này bất chấp độc hại, nguy hiểm chỉ mong kiếm thêm thu nhập lo cho tổ ấm của mình.

Bà Huệ cho biết đã làm nghề này được 4 năm, ngày trước đi phun tiền công chỉ được 5.000 đồng mỗi bình, năm nay mọi thứ đều tăng giá nên mỗi bình được trả gấp đôi. "Bình thường tôi phun mỗi ngày từ 30 đến 40 bình, nhưng dạo này trời nắng, mưa thất thường nên chỉ phun được khoảng 20 bình", bà Huệ nói.

Theo cách tính của bà, nếu vào đúng thời điểm, có nhiều người thuê, trung bình mỗi ngày làm được 300.000 đồng, phun liên tục khoảng hai tuần, thu nhập được trên 4 triệu đồng. Một số tiền mà có lẽ bằng nhiều nhà nơi đây tích góp cả năm.


Giữa trưa nắng gắt, hai người phụ nữ phụ nhau đeo bình tiếp tục phun thuốc sâu. Nghề độc hại này trước đây là của đàn ông, nay đã chuyển dần sang vai những người phụ nữ tần tảo. Ảnh: Nguyễn Văn Đông.

Phun thuốc sâu được xem là nghề bất đắc dĩ bởi hầu hết ai cũng biết tác hại của nó. Chính vì thế, đa số các hộ trồng lúa và cói trong huyện Nga Sơn "trốn" công đoạn này bằng việc thuê người làm thay để tránh tiếp xúc thường xuyên với những loại hóa chất độc hại.

Chị Phạm Thị Liễu, 46 tuổi, xóm 4, xã Nga Thành, kể có lần đi phun thuốc thuê, chị bị choáng nằm vật ra bờ ruộng, may có người đi ngang quá nhìn thấy, mang về nhà pha cho chị ly nước chanh, uống một lúc sau rồi tỉnh. Sau lần đó, mỗi lần đi phun thuốc chị lại mang theo nước uống, đường và chanh để tự "sơ cứu" mỗi lần bị choáng.

Từng có thâm niên 6 năm trong nghề này, nhưng đến giờ mỗi lần nhớ lại, bà Nguyễn Thị Thái, 53 tuổi, ở xóm 9, xã Nga Liên lại rùng mình, ân hận. Ngày trước, khi phun những loại thuốc ít độc hại trừ bệnh đạo ôn cho lúa như Valivithaco, Fuji-one, Vithadan,… ít khi bà Thái dùng kéo cắt bao thuốc mà… dùng răng cắn cho nhanh.

Bà Nguyễn Thị Thái ngồi bần thần với bao nỗi lo: bệnh tật, tương lai cho 8 đứa con. Ảnh: Nguyễn Văn Đông.

Vụ đông xuân năm 2007, bà đi phun thuốc thuê cho một người dân trong xóm, vô ý bị trượt chân, bình thuốc trên lưng bật nắp đổ lên khắp người. Do chủ quan, về nhà bà cũng chỉ tắm rửa qua loa, một thời gian sau thì phát bệnh. Đến thời kỳ mãn kinh bà bị đau đầu, chân trước không cử động được, làm việc gì cũng chỉ được một lát là chân tay run lẩy bẩy. Khắp người bà thường xuyên xuất hiện mẩn ngứa.

"Từ ngày mắc bệnh đến giờ tôi đi chữa cũng mất hơn 20 triệu đồng, bác sỹ bảo nếu không thay máu thì không khỏi hết được các bệnh. Tôi đang tính vào Bệnh viện Trung ương Huế điều trị nhưng khổ nỗi nhà nghèo quá, không biết khi nào mới có tiền để đi nữa", bà Thái tâm sự.

Với nhiều người, phun thuốc sâu thuê để kiếm được nhiều tiền, còn bà Phạm Thị Liễu đến với nghề này để nhanh làm ra tiền lo thuốc thang cho chồng. Ông Trần Văn Thiết, chồng bà, bị xơ gan. Nhà nghèo, những chỗ có thể vay mượn bà cũng đã vay mượn cả. Bệnh của ông Thiết ngày một nặng, sợ vay thêm mai này không trả được nên bà đi làm cái nghề độc hại ai cũng muốn né.

Sợ chồng biết, không cho đi nên bà Thiết không dám làm tại xã mình mà phải đạp xe sang các xã lân cận. Đi đâu phun thuê bà cũng dặn mọi người không được nói cho nhà mình biết.

Đưa đôi bàn tay chai sần ra, bà bảo từ ngày đi phun thuốc sâu đến giờ các ngón tay như cứng lại, thường xuyên bị đau nhức và khó cử động. “Tôi cũng sợ lắm chứ, chồng bị bệnh, lỡ mình đi phun thuốc sâu cũng bị nhiễm bệnh thì sẽ chẳng còn ai gánh vác việc nhà, lo cho mấy đứa con đi học đến nơi đến chốn”, người phụ nữ ngoài 50 tuổi với khuôn mặt sạm đen khắc khổ lo lắng nói.

Bác sĩ Dương Văn Hùng, giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Nga Sơn, cho biết Bệnh viện đã tiếp nhận và cấp cứu một số trường hợp ngộ độc thuốc sâu do người dân đi phun thuốc vô ý để thuốc đổ ra người. Bệnh nhân nhập viện chủ yếu bị suy nhược cơ thể, dị ứng da và các bệnh về đường hô hấp, đường ruột với các triệu chứng như chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn, chân tay sẩn ngứa…

"Hầu hết những người làm nghề phun thuốc sâu đều kém hiểu biết về mức độ độc hại của các loại thuốc và xem thường việc mang đồ bảo hộ. Khi cấp cứu cho các bệnh nhân này, chúng tôi cũng lồng ghép việc tuyên truyền dùng đồ phòng hộ khi phun thuốc, mặc dù công việc này đúng ra thuộc trách nhiệm của phòng nông nghiệp huyện", bác sĩ Hùng nói.

Tin bài liên quan
Loading...