Thống kê của Liên Đoàn lao động tỉnh cho biết, năm 2011, toàn tỉnh đã xảy ra 12 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng, làm 12 người chết. Nhiều gia đình phút chốc bỗng rơi vào cảnh tang thương, điêu đứng.
Hai mẹ con chị Hường trong căn nhà đã vắng người trụ cột.
Gia đình chị Hà Thị Hường, ở xã Xà Bang (huyện Châu Đức) vợ của anh Phan Văn Tần (28 tuổi) - công nhân Công ty Đóng tàu và Dịch vụ Dầu khí (TP.Vũng Tàu) bị TNLĐ tử vong tháng 11-2011. Chị Hường vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc đến khoảnh khắc đón nhận tin dữ. Chị Hường kể: “Trưa hôm đó, tôi đang cạo mủ cao su ở ngoài lô thì nhận được điện thoại của người nhà báo tin anh Tần bị rơi xuống biển mất tích. Tôi ngất xỉu nhiều lần và được mọi người đưa về nhà”. Được biết, khi anh Tần đang làm việc tại giàn khoan thì dây cáp bảo hộ bị đứt nên anh bị rơi xuống biển. Mặc dù công ty đã ra sức tìm kiếm nhưng vẫn không thấy thi thể anh Tần. Kể từ khi anh Tần mất tích, Công ty Đóng tàu và Dịch vụ Dầu khí vẫn trả trợ cấp hàng tháng 2 triệu đồng để chị Hường nuôi con. Là công nhân thời vụ cạo mủ cao su, thu nhập mỗi tháng 2 triệu đồng cộng thêm 2 triệu đồng trợ cấp của chồng, cuộc sống của 2 mẹ con chị Hường rất khó khăn, tằn tiện lắm cũng chỉ đủ sống qua ngày.
Chị Phạm Thị Trang, ở xã Mỹ Xuân (huyện Tân Thành) vợ của anh Dương Văn Khanh, từng là công nhân Công ty Xây dựng thương mại Thiên Hòa. Nhìn tấm ảnh của chồng, hai mắt chị Trang ngấn nước, chị cho biết: “Anh đang thi công công trình cho một công ty khác thì bị trượt chân và rơi trên giàn giáo xuống đất, tử vong. Từ khi anh ấy mất tới giờ, mẹ con tôi phải chuyển về bên nhà ngoại ở chứ một mình tôi không thể nuôi nổi các con”. Chồng mất, chị Trang phải một mình bươn chải nuôi 6 con nhỏ đang tuổi ăn học. Với số tiền thu nhập 2 triệu đồng/tháng cho công việc phụ nấu cơm, mẹ con chị Trang phải nhờ đến sự giúp đỡ của gia đình bên ngoại.
Trên đây là 2 trong nhiều trường hợp bị TNLĐ đã để lại nỗi đau về tinh thần và khó khăn về vật chất cho người ở lại. Năm qua, TNLĐ chủ yếu tập trung ở những ngành nghề như: xây dựng, khai thác đá, cơ khí… Nguyên nhân xảy ra TNLĐ có phần do người sử dụng lao động chưa thực sự quan tâm và thực hiện nghiêm ngặt về công tác an toàn lao động (ATLĐ). Theo ông Đoàn Hữu Mai, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, TNLĐ xảy ra có trường hợp do người sử dụng lao động chưa trang bị đầy đủ thiết bị
bảo hộ lao động cho công nhân; cũng có trường hợp chủ sử dụng lao động để người lao động làm việc quá sức dẫn đến họ thao tác sai và xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, phần lớn nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do người lao động thiếu ý thức trong việc phòng tránh, xem nhẹ các biện pháp bảo vệ, mạo hiểm với tính mạng của mình.
“Để giảm TNLĐ thì biện pháp phòng ngừa vẫn là quan trọng nhất. Theo tôi, các đơn vị sử dụng lao động phải nâng cao trách nhiệm và nhận thức về sự nguy hiểm do TNLĐ gây ra cho người lao động. Đồng thời, người sử dụng lao động phải trang bị đầy đủ và chú trọng công tác bảo hộ lao động. Đặc biệt là phải tăng cường công tác tự kiểm tra để bảo đảm an toàn trong quá trình thi công, sản xuất. Người lao động phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về ATLĐ” – ông Đoàn Hữu Mai nói.
Bài, ảnh: ĐÔNG TRÚC