Kế hoạch
bảo hộ lao động là một văn bản pháp lý của doanh nghiệp nêu lên những nội dung, những công việc doanh nghiệp phải làm nhằm đạt các mục tiêu đảm bảo an toàn trong lao động
Kế hoạch bảo hộ lao động
1- Ý nghĩa của kế hoạch bảo hộ lao động:
Công tác bảo hộ lao động là công tác nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc những tác động xấu đến sức khỏe người lao động. Do đó kế hoạch bảo hộ lao động là một văn bản pháp lý của doanh nghiệp nêu lên những nội dung, những công việc doanh nghiệp phải làm nhằm đạt các mục tiêu trên. Mặt khác, đây cũng là nghĩa vụ đầu tiên trong các nghĩa vụ của người sử dụng lao động. Nghị định số: 06/CP ngày 20/01/1995 của Chính Phủ quy định "Hàng năm, khi xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nghiệp phải lập kế hoạch, biện pháp an toàn lao động, vệ sinh lao động và cải thiện điều kiện lao động"
Kế hoạch bảo hộ lao động là một yếu tố rất quan trọng bảo đảm cho công tác bảo hộ lao động của doanh nghiệp được thực hiện tốt.
2- Nội dung của kế hoạch bảo hộ lao động
Kế hoạch bảo hộ lao động gồm 5 nội dung cơ bản sau:
- Các biện pháp về kỹ thuật an toàn và phòng chống cháy nổ.
- Các biện pháp về kỹ thuật vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc.
- Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động.
- Chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng ngừa bệnh nghề nghiệp.
- Tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện về bảo hộ lao động.
3- Yêu cầu của kế hoạch bảo hộ lao động
- Kế hoạch bảo hộ lao động phải đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Kế hoạch bảo hộ lao động phải bao gồm đủ 5 nội dung trên với những biện pháp cụ thể kèm theo kinh phí, vật tư, ngày công, thời gian bắt đầu, thời gian hoàn thành, trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện.
4- Lập và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo hộ lao động
a- Cơ sở lập
- Nhiệm vụ, phương pháp kế hoạch sản xuất kinh doanh, tình hình lao động của năm kế hoạch.
- Kế hoạch bảo hộ lao động và những thiếu sót tồn tại của năm trước
- Các kiến nghị của người lao động, ý kiến của tổ chức công đoàn, kiến nghị của thanh tra, kiểm tra.
- Tình hình tài chính của doanh nghiệp. Kinh phí trong kế hoạch bảo hộ lao động được hạch toán vào giá thành sản phẩm, phí lưu thông của doanh nghiệp.
b- Tổ chức thực hiện
- Sau khi kế hoạch bảo hộ lao động được phê duyệt thì bộ phận kế hoạch của doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện.
- Bộ phận bảo hộ lao động hoặc cán bộ lao động cùng với bộ phận kế hoạch đôn đốc kiểm tra việc thực hiện và thường xuyên báo cáo với người sử dụng lao động.
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm định kỳ kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện kế hoạch bảo hộ lao động và thông báo kết quả thực hiện cho người lao động trong đơn vị biết.