Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10215
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Nơi mùa xuân ở lại mảnh đất Xuân Trường
Cách đây gần một thế kỷ, khi những người Việt đầu tiên quyết định chọn vùng đất phía đông nam cao nguyên Lang Biang để khởi nghiệp, họ đã đặt tên và ký thác vào địa danh Xuân Trường niềm mong ước mảnh đất ấy sẽ mãi thanh bình, tươi đẹp như mùa xuân. Từ đó đến nay, các thế hệ người dân Xuân Trường đã không quản gian khổ, hy sinh, anh dũng trong chiến đấu, sáng tạo trong lao động để thực hiện đúng như ước nguyện của các bậc tiền nhân.

Đất anh hùng

Về thăm xã Xuân Trường, TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), tôi như lạc giữa hai phía của thời gian, một bên là cuộc sống sung túc hối hả đi lên, một bên là ký ức gian khó, hào hùng còn in dấu trên những địa danh lịch sử. Giữa phố chợ sầm uất là nhà ga xe lửa cũ bỏ hoang, trước đồi trà mênh mông, xanh mướt là chiếc cổng sắt được dựng lên từ năm 1927 ghi bằng hai thứ tiếng Việt-Pháp “Công ty Trà Việt Nam-Sở trà Cầu Đất-Plantation De The De L’arbre Brove”, rải rác giữa các thôn làng là những địa chỉ: Đồi đánh Mỹ, Suối ca nhạc, Trạm giao liên, Cây chò cổ thụ... Tất cả đều gợi nhắc về một thời hào hùng của mảnh đất Xuân Trường, một trong những “địa chỉ đỏ” của phong trào cách mạng trên cao nguyên Lang Biang.

Một góc Xuân Trường (TP Đà Lạt) hôm nay.

Cách đây gần một thế kỷ, song song với quá trình xây dựng Đà Lạt, người Pháp nhận thấy vùng đất phía đông nam cao nguyên Lang Biang có thổ nhưỡng thích hợp để phát triển ngành công nghiệp chè. Năm 1927, nhà máy chế biến chè đầu tiên của Đông Dương được xây dựng. Hàng nghìn phu trà từ khắp trong Nam, ngoài Bắc được tuyển mộ về đây, hầu hết trong số họ là những nông dân cùng khổ hoặc những người yêu nước bị địch khủng bố buộc phải ly hương. Với lý do người Việt ở đâu cũng phải thờ cúng ông bà tổ tiên, phải có làng, có đình. Cuối năm 1927, ông Nguyễn Đình Sung cùng với 10 người Việt khác đứng ra xin chính quyền Pháp thành lập làng Trường Xuân, đây chính là tiền thân của xã Xuân Trường hiện nay.

Cụ Phan Thị Đừng, 88 tuổi, một trong những công nhân thuộc thế hệ đầu của Sở trà Cầu Đất hiện còn sống tại thôn Trường Thọ, xã Trạm Hành (xã Trạm Hành tách ra từ xã Xuân Trường từ năm 1998) vẫn nhớ như in cuộc sống cơ cực của đời phu trà dưới thời Pháp thuộc. Cụ kể: "Năm 16 tuổi, tôi vào làm trong Sở trà Cầu Đất. Bọn chủ rất tàn ác, thường xuyên đánh đập công nhân, người bị ốm không thể đi làm cũng bị lôi ra đánh. Dù là công nhân nhưng chúng tôi chẳng được nhận lương, cuối tháng mỗi người chỉ được cấp một cái phiếu để tới kho của nhà máy nhận gạo, muối, cá khô cùng vài vật dụng sinh hoạt khác. Khổ quá, nhiều người phải trốn khỏi sở trà".

Tháng 4-1930, chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Đà Lạt được thành lập. Đồng chí Phạm Lý, đảng viên của Chi bộ Đà Lạt được phân công về khu vực Cầu Đất phụ trách tuyên truyền, giác ngộ công nhân. Sáng 1-5-1930, cờ đỏ búa liềm tung bay trên ngọn cây chò cổ thụ, tại nhà ga xe lửa và cổng sở trà xuất hiện nhiều truyền đơn kêu gọi công-nông đứng lên đánh đổ đế quốc, phong kiến; đấu tranh bỏ thuế chợ, thuế thân… Sự kiện này mở ra trang sử đấu tranh anh dũng, ngoan cường của quân và dân Xuân Trường.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Xuân Trường là nơi diễn ra những cuộc đấu tranh “giành đất, giành dân” quyết liệt giữa ta và địch. Ngày ấy, cả xã chỉ có 3.000 nhân khẩu, nhưng gần một nửa đã thoát ly đi kháng chiến, số ở lại thì tham gia nuôi giấu cán bộ, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bộ đội và đấu tranh chống sự kìm kẹp của kẻ thù. Cho đến ngày 1-4-1975, khi những toán lính ngụy cuối cùng bỏ chạy khỏi Xuân Trường, xã đã có 156 người con mãi mãi không trở về. Điển hình là gia đình mẹ Nguyễn Thị Nhứt, ở thôn Xuân Sơn, có 6 người con đi kháng chiến thì 5 người hy sinh, trong đó có 3 người con ruột, 1 người con rể và 1 người con nuôi. Hằng năm vào ngày 26-7, cả thôn Xuân Sơn làm giỗ chung để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, gia đình nào cũng nghi ngút khói hương, cả thôn chìm trong không khí thiêng liêng, xúc động. Với thành tích xuất sắc trong sự nghiệp kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, xã Xuân Trường được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Khát vọng xanh

Cách đây 3 năm, chàng kỹ sư trẻ Trương Công Trị, nhà ở thôn Xuân Sơn, dù đang làm cho một công ty tại TP Hồ Chí Minh với mức lương 10 triệu đồng/tháng nhưng vẫn bỏ việc về quê làm vườn. Quyết định ấy khiến người thân và bạn bè của Trị ngỡ ngàng. Mặc những lời khuyên ngăn, Trị vẫn kiên định với sự lựa chọn của mình. Mỗi buổi sáng, khi xóm làng vẫn còn chìm trong màn sương trắng, anh khoác bộ quần áo bảo hộ lao động, ra khu nhà kính kiểm tra, ghi chép tình hình sinh trưởng của hoa, vận hành hệ thống tưới, điều chỉnh ánh sáng… Với 1,3ha chè ô long, 2ha cà phê và 3 sào nhà kính trồng hoa đồng tiền, cát tường, mỗi năm sau khi trừ mọi chi phí, gia đình Trị thu lãi gần 1 tỷ đồng. Ngôi biệt thự khang trang và chiếc xe hơi đời mới gia đình anh đang sở hữu chính là nhờ thu nhập từ làm vườn mang lại. Trị khẳng định: “Nếu có quyết tâm và đam mê, thì việc làm giàu bằng nghề nông không phải là chuyện khó”.

Trương Công Trị là một trong những đại diện tiêu biểu cho thế hệ nông dân Xuân Trường hôm nay. Đó là những người luôn mang trong mình khát vọng làm giàu bằng chính nghề nông trên mảnh đất cha ông để lại. Anh Trần Như Dũng, Chủ tịch UBND xã Xuân Trường cho biết, trước đây, người dân trong xã chủ yếu sống bằng nghề trồng chè và cà phê. Cà phê Arabica Cầu Đất (Xuân Trường) được các chuyên gia đánh giá là một trong những loại cà phê hảo hạng của thế giới. Xuân Trường cũng là “quê hương” của ngành công nghiệp chè Việt Nam, nơi có đồn điền và nhà máy chế biến chè được người Pháp xây dựng cách đây gần một thế kỷ. Với kinh nghiệm canh tác lâu năm cùng với công nghệ lai ghép và sử dụng giống mới, mỗi héc-ta chè và cà phê hiện có thể mang lại thu nhập 150-200 triệu đồng/năm, qua đó giúp nhiều gia đình có cuộc sống sung túc.

Tuy nhiên, với những nông dân nhiều đam mê và khát vọng, họ hiểu rằng, đồng đất Xuân Trường có thể tạo nên giá trị nhiều hơn thế. Từ năm 2010, một số hộ nông dân trong xã bắt đầu thay thế diện tích chè và cà phê sang làm nhà kính để trồng các loại rau, hoa cao cấp, tiêu biểu như: Gia đình ông Trương Thành trồng hoa đồng tiền và cát tường; gia đình ông Hà Phước Ta trồng địa lan; gia đình ông Huỳnh Phước Tín trồng phong lan… Các mô hình trên đều cho lợi nhuận từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Từ những mô hình mang tính tự phát ban đầu, đến nay, nông nghiệp công nghệ cao đã trở thành hướng đi chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Quá trình thực hiện, UBND xã đóng vai trò định hướng, đồng thời là “bà đỡ” cho người dân thông qua chính sách hỗ trợ vốn và tổ chức các buổi tập huấn, chuyển giao công nghệ...

Việc chuyển đổi mô hình sản xuất và ứng dụng khoa học-công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp đã giúp người dân nâng cao thu nhập, đồng thời tạo động lực để địa phương sớm hoàn thành các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới. Theo thống kê của UBND xã, năm 2014, mức thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt gần 40 triệu đồng/người/năm, toàn xã hiện chỉ có 11 hộ nghèo vì không có lao động chính hoặc gia đình già yếu, neo đơn; số hộ giàu và khá giả tăng nhanh. Xã có đủ trường học từ bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông; tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng hằng năm đạt hơn 80%, số còn lại đều tham gia các lớp trung cấp nghề, không có trường hợp nào bỏ học. Xuân Trường có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia từ năm 2005, 100% hộ dân sử dụng nước sạch, 100% đường làng, ngõ xóm được trải nhựa và bê tông hóa. Toàn xã có 1.630 hộ thì 1.500 hộ đã xây dựng được nhà kiên cố, không có nhà tạm, nhà dột nát. Năm 2014, Xuân Trường là một trong 4 xã đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng được công nhận xã nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia.
Từ miền quê nghèo khó, chịu nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh, Xuân Trường hôm nay đã vươn mình trở thành miền quê giàu đẹp, một vùng nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Lâm Đồng. Về Xuân Trường hôm nay, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước khung cảnh làng quê đẹp như một bức tranh mùa xuân. Truyền thống cách mạng kiên cường và tinh thần đoàn kết, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân chính là động lực để Xuân Trường không ngừng phát triển.
Tin bài liên quan
Loading...