Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10213
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Phải mạnh tay xử lý các đơn vị để xảy ra tai nạn lao động

Theo báo cáo của các địa phương, năm 2014, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 385 vụ tai nạn lao động làm 437 người chết. Tuy nhiên, theo phản ánh của bạn đọc, những số liệu thống kê nêu trên chưa đúng với thực tế. Ðể chấm dứt tình trạng tai nạn lao động ngày càng gia tăng, các ngành, các cấp cần xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm pháp luật về an toàn lao động.


Trao đổi ý kiến với chúng tôi về tình hình tai nạn lao động (TNLÐ) đang ở mức báo động trong những năm gần đây, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Nguyễn Anh Thơ cho biết: Chỉ riêng sáu tháng đầu năm 2014, cả nước đã xảy ra 3.454 vụ TNLÐ, làm 3.505 người bị nạn, trong đó có 280 người chết, thiệt hại vật chất gần 38 tỷ đồng. Ðến tháng 12-2014, số người chết vì tai nạn trong năm đã tăng lên 437 người. Các vụ TNLÐ nghiêm trọng trong năm qua phải kể tới: Vụ tai nạn do cháy làm sáu người chết tại Công ty TNHH MTV than Ðồng Vông (Quảng Ninh); Vụ tai nạn do ngạt khí làm ba người chết tại Công ty CP Vĩnh Phát (Thừa Thiên-Huế). Gần đây nhất là vụ tai nạn trong thi công xây dựng tuyến đường sắt trên cao Hà Ðông-Cát Linh (Hà Nội) ngày 6-11-2014, khiến một người chết tại chỗ, một người bị thương; Vụ sập đường hầm Thủy điện Ðạ Dâng-Ðạ Chomo (Lâm Ðồng) ngày 16-12-2014, làm 12 công nhân bị mắc kẹt trong hầm...

Những con số thống kê nêu trên sẽ khiến không ít người giật mình về mức độ nguy hiểm mà người lao động phải đối mặt hằng ngày, tuy nhiên, những con số đó lại chưa hề phản ánh chính xác thực trạng "bức tranh" TNLÐ hiện nay. Phần chìm của tảng băng - khoảng 90% số vụ TNLÐ trên cả nước mỗi năm đã bị "đặt ngoài sổ sách". Trong buổi làm việc với chúng tôi, TSKH Phạm Quốc Quân (Viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhận định: "TNLÐ trên cả nước rất nhiều, thiệt hại lớn, nhưng không được thống kê đầy đủ. Chỉ có khoảng 10% số vụ TNLÐ được báo cáo. Ngay những số liệu được nêu ra trong Tuần lễ An toàn vệ sinh lao động và phòng, chống cháy nổ hằng năm về số người chết, số vụ TNLÐ, số ngày công bị mất, thiệt hại... cũng không phản ánh đúng thực tế.

Rõ ràng, tình hình điều tra TNLÐ và việc thực hiện báo cáo TNLÐ của các ngành, đơn vị, doanh nghiệp và các địa phương đang bộc lộ nhiều bất cập. Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LÐ-TB và XH), năm 2013, cả nước xảy ra hơn 560 vụ TNLÐ chết người, nhưng đến cuối năm mới chỉ nhận được 175 biên bản điều tra. Sáu tháng đầu năm 2014, cả nước xảy ra 280 vụ TNLÐ chết người, đến ngày 5-8-2014, Bộ mới nhận được 81 biên bản điều tra. Như vậy, số biên bản TNLÐ chết người "nằm trong sổ sách" mà Bộ LÐ-TB và XH nhận được cũng chỉ bằng một phần ba số thực tế. Tỷ lệ báo cáo tình hình TNLÐ của doanh nghiệp về các Sở LÐ-TB và XH địa phương cũng rất thấp. Sáu tháng đầu năm 2014, cả nước chỉ có 13.356 doanh nghiệp báo cáo. Trong khi TP Cần Thơ có tổng số 5.350 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, nhưng cũng chỉ có một doanh nghiệp báo cáo tình hình TNLÐ (!).

Khi để xảy ra TNLÐ có người chết hoặc bị thương, nhiều đơn vị sử dụng lao động đang có xu hướng "giấu nhẹm", thỏa thuận đền bù riêng với gia đình người bị nạn, hay "điều chỉnh" sai lệch hồ sơ, tính chất vụ việc, chứ không trung thực báo cáo, nhằm che đậy những sai sót trong công tác bảo đảm an toàn lao động (ATLÐ). Những vụ tai nạn xảy ra trong khai thác khoáng sản tư nhân, xây dựng nhà ở dân dụng càng khó kiểm soát hơn và hầu như không có báo cáo.

Phó Cục trưởng Nguyễn Anh Thơ cho biết: Nhiều vụ tai nạn trong những công trình trọng điểm được "quây kín", thanh tra không biết. Có những trường hợp khi thanh tra lao động đến thì người bị nạn đã được đưa đi cấp cứu, hồ sơ bệnh lý đã được "làm" xong. Chúng tôi có quyền nghi ngờ những trường hợp thợ xây là thanh niên chết vì những bệnh rất thông thường, như cảm, đột quỵ. Nếu thanh tra đến cùng thì cũng có thể phát hiện ra, nhưng rất phức tạp vì còn liên quan đến bên tư pháp, công an điều tra, phải lục lại hồ sơ, cho nên không hề đơn giản. Khi các hồ sơ đã "khớp" rồi thì rất khó để phát hiện.

Việc số lượng doanh nghiệp tăng nhanh trong những năm gần đây (từ 250 nghìn doanh nghiệp năm 2005 lên đến hơn 650 nghìn doanh nghiệp năm 2014) khiến bộ máy làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động chưa đáp ứng được nhu cầu, cả ở cấp trung ương và địa phương. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra các vụ TNLÐ trên cả nước đang gặp rất nhiều khó khăn do lực lượng thanh tra mỏng, tỷ lệ thanh tra có chuyên môn rất thấp, khoảng 30%. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện cả nước chỉ có khoảng 450 thanh tra lao động, trong đó chỉ có 150 người có chuyên môn kỹ thuật để làm công tác thanh tra an toàn vệ sinh lao động. Vậy nên, cho dù trong quá trình triển khai thanh tra, các đoàn đã rút bớt người, rút ngắn thời gian, tăng cường phối hợp với các ngành khác để cùng hỗ trợ, thì tỷ lệ số doanh nghiệp được thanh tra vệ sinh an toàn lao động trên cả nước cũng không đầy 1%!

Khi mỗi tỉnh chỉ có từ ba đến bốn cán bộ làm công tác thanh tra và quản lý về ATLÐ (trừ một số thành phố lớn), có một số địa phương "trống" thanh tra chuyên môn về ATLÐ, thì việc các doanh nghiệp "trốn" khai báo, hoặc khai báo không đầy đủ về tình hình ATLÐ cũng là điều "dễ hiểu". Hơn nữa, do chế tài xử phạt còn quá nhẹ (mỗi năm chỉ có hai đến ba vụ TNLÐ nghiêm trọng bị khởi tố và truy tố bị can), cho nên tính răn đe còn hạn chế. Ðồng chí Nguyễn Anh Thơ cho rằng, khi tiến hành thanh tra, xử phạt một doanh nghiệp vi phạm ATLÐ số tiền vài chục triệu đồng thì đã là rất lớn. Nhưng, số tiền đó "chẳng thấm vào đâu" nếu doanh nghiệp cố tình bỏ qua những hệ thống an toàn trong công trình, họ có thể sẽ không phải chi hàng tỷ đồng.

Vậy nên, khi không nhận được số liệu chính xác, thì số liệu tổng kết hằng năm của Bộ LÐ-TB và XH cũng không thể sát thực tế. Chính những số liệu chưa đầy đủ này, từ nhiều năm nay, đã tạo nên cách hiểu chưa đầy đủ, chính xác về thực trạngTNLÐ của nước ta.

Ðã đến lúc các ban, ngành chức năng cần nhìn thẳng vào sự thật, quyết liệt đưa ra những chế tài mạnh để răn đe, xử lý tận gốc các hành vi vi phạm pháp luật về ATLÐ, nhất là các hành vi vi phạm dẫn đến TNLÐ chết người, hành vi không chấp hành nghiêm chỉnh chế độ khai báo, thống kê, báo cáo TNLÐ; tăng cường phối hợp trong việc điều tra, xử lý nhanh, dứt điểm các vụ TNLÐ. Ðể khắc phục những hạn chế, yếu kém, chủ động phòng ngừa, giảm TNLÐ, bảo đảm an toàn tính mạng và quyền làm việc an toàn cho người lao động, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong cả nước cần tập trung thực hiện tốt Chỉ thị số 29-CT/T.Ư ngày 18-9-2013 của Ban Bí thư về "Ðẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ CNH, HÐH và hội nhập quốc tế".

"Chúng ta đang phải chấp nhận thực tế là bức tranh TNLÐ chỉ phản ánh được dưới 10%. Nhưng chỉ 10% ấy thôi thì cũng đã thấy các nguyên nhân xảy ra tai nạn không được khắc phục, cho nên tính chất của các vụ tai nạn là lặp đi lặp lại. Khi xảy ra TNLÐ, đã thanh tra, kiểm tra, rút ra các nguyên nhân, chỉ đạo khắc phục, đồng thời phổ biến rộng rãi, ngăn ngừa ở các nơi, xong những tai nạn kiểu như thế vẫn cứ tiếp tục xảy ra".

Tin bài liên quan
Loading...