Phấn đấu có từ 65 - 70% doanh nghiệp có Thoả ước lao động tập thể
Chỉ đạo CĐCS rà soát các điều khoản để bổ sung vào thoả ước lao động tập thể, điều chỉnh sửa đổi phù hợp và có lợi cho người lao động, phấn đấu có từ 65 - 70% doanh nghiệp có Thoả ước lao động tập thể. Đó là một trong số các mục tiêu mà LĐLĐ huyện Gia Lâm đặt ra từ nay đến cuối năm 2017.
Cùng với mục tiêu trên, từ nay đến cuối năm 2017, LĐLĐ huyện Gia Lâm cũng đặt ra kế hoạch sẽ tiếp tục kiểm tra 10 đơn vị về thực hiện Luật Lao động, công tác bảo hộ lao động và chính sách lao động nữ, có văn bản kiến nghị với UBND huyện và từng đơn vị doanh nghiệp kết quả kiểm tra để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, thực hiện tốt hơn Luật Lao động, các chế độ khác liên quan đến quyền lợi hợp pháp chính đáng của người lao động.
Được biết trong thời gian qua, công tác tham gia quản lý và thực hiện chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của CNVCLĐ luôn được LĐLĐ huyện Gia Lâm chú trọng thực hiện tốt.
Hội nghị đối thoại về chính sách pháp luật do LĐLĐ huyện Gia Lâm và BHXH huyện Gia Lâm phối hợp tổ chức
Điều này thể hiện trước hết ở việc LĐLĐ huyện tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình “ Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể”, Kế hoạch số 17/KH-LĐLĐ ngày 2/3/2017 của LĐLĐ Thành phố Hà Nội về việc triển khai giai đoạn II đề án “ Phát triển quan hệ lao động Thành phố Hà Nội giai đoạn 2017- 2020”, hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn xây dựng và đăng ký nội quy lao động.
LĐLĐ huyện đã phối hợp với BHXH huyện Gia Lâm tổ chức hội nghị đối thoại chính sách pháp luật lao động với gần 200 đại biểu là lãnh đạo doanh nghiệp, cán bộ công đoàn phụ trách lao động tiền lương và CNLĐ trên địa bàn huyện; thu thập tài liệu, hồ sơ khởi kiện 05 doanh nghiệp nợ đọng BHXH và kinh phí công đoàn.
Cùng đó, các cấp công đoàn từ huyện đến cơ sở tích cực giám sát việc thực hiện Nghị định 60/2013/NĐ - CP và Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 9/1/2015 của Chính phủ về “ thực hiện quy chế dân chủ cơ sở” tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện, tham gia cùng BCĐ quy chế dân chủ của huyện kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại 09 đơn vị trên địa bàn huyện.
LĐLĐ huyện đã phối hợp với UBND huyện ban hành Hướng dẫn liên tịch số 11/HD-UBND-LĐLĐ ngày 02/12/2016 của UBND - LĐLĐ huyện hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức Hội nghị CBCC, Hội nghị người lao động, cùng với các doanh nghiệp rà soát các nội dung Thoả ước lao động tập thể, các quy chế, nội quy trong cơ quan. Kết quả: 100% các cơ quan khối HCSN và trường học đã tổ chức Hội nghị CBCC cơ quan; có 81doanh nghiệp tổ chức Hội nghị NLĐ (đạt tỷ lệ 65,8%).
Đặc biệt, LĐLĐ huyện thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra và thanh tra liên ngành về các chế độ chính sách tại các doanh nghiệp, sau kiểm tra đã có văn bản đánh giá kết quả thực hiện của cơ sở để các đơn vị điều chỉnh khắc phục những tồn tại, giúp thực hiện tốt hơn Luật Lao động; giám sát việc thực hiện lương tối thiểu vùng theo Nghị định 153/2016/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, qua đó việc thực hiện mức lương tối thiểu vùng được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.
Phạm Diệp