Phía sau kết quả kiểm nghiệm “Mắm tôm kinh hoàng” ở Thanh Hóa: Còn “bắt cóc bỏ đĩa” đến bao giờ?
Việc kiểm tra “nồi” được cho là bao năm qua vẫn dùng để nấu hóa chất phụ gia. Ảnh: P.V
Ngày 24.8.2017, Viện Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm Quốc gia (Bộ Y tế) đã đưa ra kết quả kiểm nghiệm về sản phẩm mắm tôm của cơ sở Phương Nhung (xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) mà loạt bài và video của Lao Động liên tiếp phản ánh vừa qua. Theo đó, mẫu mắm tôm do Chi cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản Thanh Hóa (Trưởng đoàn kiểm tra là ông Nguyễn Xuân Đồng - Phó Chi cục trưởng) lấy về và gửi đi kiểm nghiệm đã cho kết quả: Chứa chất phụ gia vượt mức cho phép.
Các vi phạm đã bị xử lý
Cụ thể, trong thời gian thử nghiệm từ 15-24.8.2017, kết quả của 3 chất được đề xuất kiểm tra “Chỉ tiêu hóa lý” lần lượt là: Sodium Metabisulphite, KPH (LOD 3,2mg/kg); Ponceau 4R, PPH (LOD 0,5mg/kg); và Sodium Benzoat - 695.
Hàm lượng chất bảo quản Benzoat vượt quá 3 lần so với ngưỡng cho phép, theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, một chuyên gia hàng đầu về an toàn thực phẩm, có thể khiến người sử dụng “chắc chắn bị gây hại”. Các biểu hiện có thể là bị tiêu chảy, nôn ọe, hay các mức độ trầm trọng hơn, tùy theo mức độ và tần suất sử dụng.
Từ căn cứ trên, Chi cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản Thanh Hóa đã ra “Quyết định xử phạt vi phạm hành chính” đối với bà Nguyễn Thị Nhung, chủ cơ sở mắm tôm Phương Nhung, tại xã Ngư Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa.
Lý do, đã vi phạm hành chính “sản xuất sản phẩm, hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn công bố đã áp dụng theo quy định tại điểm A, khoản 2, Điều 17, Nghị định số 80/NĐ-CP ngày 19.7.2013 của Chính phủ”. “Áp dụng hình thức xử phạt hành chính, phạt tiền, 4 triệu đồng tiền chẵn”. “Hình phạt bổ sung: Buộc tái chế sản phẩm, hàng hóa đã vi phạm. Vì đã thực hiện hành vi: Sử dụng phụ gia thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng theo quy định nhưng vượt quá giới hạn cho phép”.
Bên cạnh đó, hành vi vi phạm hành chính “Sử dụng người lao động có mang, mặc bảo hộ lao động theo quy định nhưng không đầy đủ” với mức xử phạt hành chính 750.000 đồng.
Đặc biệt, từ tố cáo của Lao Động, hành vi vi phạm hành chính “Sử dụng nơi bảo quản thực phẩm, chứa đựng thực phẩm có côn trùng gây hại” cũng bị phạt hành chính 4 triệu đồng”. Quyết định có hiệu lực từ ngày 29.8.2017. Người ra quyết định, Phó Chi cục trưởng Nguyễn Xuân Đồng.
Cơ sở có rất nhiều vi phạm lớn, nhưng giấy tờ chứng minh sự an toàn và sạch sẽ chất lượng của mình thì họ quá... đầy đủ. Cơ quan quản lý có lỗi ở đây không?
Phạt kiểu phủi bụi và “bắt cóc bỏ đĩa”, để làm gì?
Trước hết cần khẳng định, chúng tôi không có ý “muốn” ai đó bị phạt và phạt nặng hay nhẹ ra sao. Điều duy nhất chúng tôi muốn là sự minh bạch và tôn trọng sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng.
Nhắm mắt cũng thấy, nếu chúng tôi không tố cáo, khoảng 20 năm qua, cơ sở Phương Nhung vẫn ngày càng phát triển với đủ các giấy tờ văn bản chứng minh hàng hóa của họ đáp ứng đủ các loại tiêu chuẩn nhân văn nhất, sạch sẽ và sáng giá nhất.
Lý do là vì cơ quan quản lý chưa làm tròn trách nhiệm của mình. Họ vẫn đều đặn kiểm tra, nhưng việc thanh-kiểm tra đó có tác dụng gì không? Họ vẫn đều đặn cấp giấy tờ “đủ tiêu chuẩn” nọ kia, nhưng sản phẩm bán vào miệng người tiêu dùng ra sao, có ai biết không? Các video, ảnh và ghi âm mà Lao Động đã bước đầu đưa ra, đủ thấy sự kinh hoàng và tàn nhẫn của lò sản xuất mắm tôm với quy mô rất lớn này. Có ai thấy hổ thẹn vì các lỗ hổng khổng lồ trong quản lý kh
Kết quả kiểm nghiệm của cơ quan thuộc Bộ Y tế, mẫu mắm tôm ở cơ sở Phương Nhung có hàm lượng phụ gia vượt ngưỡng, điều này có thể gây nguy hiểm cho người tiêu dùng.
Trong khi cơ quan quản lý tỏ ra vẫn “bỏ trống trận địa”, ngay cả khi Lao Động dành nhiều tháng xâm nhập và đưa tài liệu ra, họ xử lý vẫn chưa rốt ráo.
Ví dụ: Biên bản kiểm tra ghi rõ cơ sở này “cơ bản đầy đủ các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh mắm tôm” (trích nguyên văn). Điều này, ngay tại hiện trường, trước sự chứng kiến của xã, huyện, tỉnh, các nhà báo chúng tôi đã vô cùng ngạc nhiên.
Đủ bộ sưu tập rết, nhện, thạch sùng, giòi bọ, gián chết trong bể mắm và mắm tôm, chúng tôi ghi hình chi tiết, gọi chủ cơ sở ra chứng kiến hẳn hoi. Vậy mà vẫn “cơ bản đảm bảo đủ điều kiện”, là sao? Nếu các nhà báo không kịch liệt lên tiếng, thì “Quyết định xử phạt” kia liệu sẽ có đoạn về lỗi “Sử dụng nơi bảo quản thực phẩm, chứa đựng thực phẩm có côn trùng gây hại” không? Thử hỏi, căn cứ vào đâu, trong khi biên bản không có nội dung “côn trùng chết đuối” kiểu này mà cơ quan hữu trách lại có quyết định xử phạt được? Có phải các đồng chí đã căn cứ vào tài liệu... đăng báo để xử phạt không? Đấy là điều khó hiểu thứ nhất.
Điều khó hiểu nữa, là bây giờ rành mạch, ít nhất một chất trong số các “phụ gia hóa chất” và cách sử dụng nguy hiểm mà chúng tôi tố cáo với video hình ảnh âm thanh rõ rệt kia đã... bị vạch mặt. Đúng cái chất có trong video chúng tôi quay và nhân viên nấu hóa chất thừa nhận, đại diện chủ cơ sở cũng đã thú nhận “từng sử dụng”.
Vậy nhưng, chỉ đến khi đoàn sắp ra về, trước tài liệu nhà báo trưng ra, thì người ta mới thừa nhận và đoàn kiểm tra cũng không ghi vào văn bản, cho dù hai lần nhà báo chúng tôi đến Sở NNPTNT Thanh Hóa để tố cáo, lần nào cũng đều tập trung vào các biểu hiện sử dụng hóa chất phụ gia “gây hại” này. Vì sao?
Điều khó hiểu thứ ba, ấy là việc phạt “nhẹ hều”. Với vài triệu đồng bị phạt này, cơ sở này và những cơ sở vi phạm khác (nếu có) sẽ chẳng coi “là cái đinh gỉ” gì. Họ bán nhiều tấn mắm tôm ra thị trường Hà Nội mỗi tuần! Phạt vài đồng bạc lẻ xong thì mọi việc vẫn diễn ra như thế.
Tính đến nay, ngay cả khi đã bị xử phạt, cũng vẫn chưa có đoàn kiểm tra nào thấy cơ sở Phương Nhung “nấu” phụ gia cho vào mắm tôm. Kết quả kiểm nghiệm có được là nhờ sự tố cáo và ghi hình của PV Báo Lao Động mà thôi.
Bị phạt vài triệu, họ vẫn tiếp tục làm như gần hai chục năm qua đã làm? Và ai đến thắc mắc chuyện phụ gia hóa chất hay “bể côn trùng chết thối”, họ vẫn đưa ra giấy tờ được công bố chính thức, có xác nhận là cơ sở đủ điều kiện VSATTP do Sở Y tế Thanh Hóa cấp, có quy trình sản xuất, công bố chất lượng sản phẩm là “không sử dụng phụ gia”.
Bao bì sản phẩm cũng không ghi tên phụ gia nào. Ai điều tra “bắt quả tang” nấu các loại hóa chất làm mắm tôm nhanh chín, chống thối, tạo màu như chính công nhân của họ tiết lộ và chính cơ quan quản lý đã xử phạt họ, thì họ lại trưng ra giấy tờ “công bố hợp quy” với các loại phụ gia mà họ mua ở Hà Nội. Họ sẽ bảo phụ gia này được phép sử dụng và họ sử dụng đúng liều lượng.
Họ đã nói bằng giọng điệu như vậy, cơ quan thanh-kiểm tra cũng “lý luận” như vậy và lúc đầu chúng tôi đã nghĩ mình vu oan cho cơ sở Phương Nhung. Cho đến khi kết quả kiểm nghiệm đã “hé lộ” bước đầu về sai phạm.
Nếu cơ quan chức năng có thể điều tra (tối thiểu) rõ ràng như nhà báo đã làm, thì hoàn toàn có thể triệt tiêu được các cơ sở sản xuất sản phẩm bẩn thỉu độc hại. Cái quan trọng là quy định xử phạt cần có ý nghĩa đích thực hơn. Cần làm sao chấm dứt được các hành vi gây hại, thông qua sự nghiêm khắc phạt thật nặng, thậm chí chấm dứt việc sản xuất kinh doanh nguy hiểm kia. Làm sao bàn tay thép của nhà quản lý phải có giá trị răn đe, chứ đừng bắt cóc bỏ đĩa. “Phạt như phủi bụi” cho cả “núi” lĩnh vực vi phạm đã gây kinh hoàng cho người tiêu dùng như trên, thì chắc chắn... sẽ đâu lại vào đó.
Với tình trạng hiện nay, cái hại của “mắm tôm kinh hoàng” và các sản phẩm bị làm ẩu, làm nhẫn tâm kiểu này, chúng đã đổ họa vào người tiêu dùng và sẽ còn “tác yêu tác quái” nữa. Người tiêu dùng, một là phải thông thái đến mức “thần thông quảng đại” để tự bảo vệ được mình, hai là “chạy trời không khỏi nắng”, tức là lãnh đủ.
GHI CHÉP CỦA LÃNG QUÂN