Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10562
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật: Vi phạm tràn lan, khó kiểm soát
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có trên 270 công ty sản xuất sang chai, đóng gói và hơn 40 công ty cung ứng phân phối thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) với trên 3.500 tên thương mại thuốc được lưu hành. Đáng lưu ý, nhiều loại thuốc BVTV được sang chiết, đóng gói không bảo đảm chất lượng. Việc quản lý, sử dụng thuốc BVTV đang vượt qua sự kiểm soát của các ngành chức năng. 
 
Khó kiểm soát nguồn gốc
 
Theo Cục BVTV (Bộ NN&PTNT), trung bình mỗi năm cả nước nhập khẩu khoảng trên 70.000 tấn thuốc BVTV thành phẩm các loại, trong đó 90% được nhập khẩu từ Trung Quốc. Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Xuân Hồng cho biết, số hoạt chất và các hỗn hợp hoạt chất BVTV ở nước ta hiện có khoảng 800 loại, gây khó khăn rất lớn trong việc quản lý thuốc BVTV. Đặc biệt, trên thị trường còn trôi nổi nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc, được nông dân sử dụng bừa bãi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nông sản phẩm, sức khỏe con người cũng như môi trường đất và nước. Theo điều tra của UBND huyện Đông Anh, Hà Nội, trên địa bàn huyện có khoảng 50 cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV kết hợp kinh doanh vật tư nông nghiệp, phân bón... đã được cấp giấy đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, có khoảng 30 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV nhỏ lẻ và hoạt động mang tính thời vụ. Theo ông Nguyễn Văn Bảy, cán bộ khuyến nông xã Mê Linh, huyện Mê Linh hiện toàn xã có khoảng 240ha trồng hoa hồng tập trung ở làng hoa Hạ Lôi, Liễu Trì và Ấp Hạ. Trung bình mỗi sào hoa hồng phun thuốc trừ sâu 3 lần/tháng, một tháng phải phun 4,05 lít thuốc trừ sâu. Nếu tính 1 lít thuốc trừ sâu có trọng lượng khoảng 1kg thì 240ha hoa hồng và rau mầu ở xã Mê Linh cũng đã phải sử dụng tới gần 1 nghìn kilôgam. Đa số nông dân tự ý mua thuốc BVTV tại các cửa hàng nhỏ lẻ trong thôn, xóm. Quan sát vỏ thuốc vứt tại bờ ruộng thấy đa phần là thuốc của Trung Quốc. 
 
 
Việc quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đang vượt qua sự kiểm soát của các ngành chức năng. Ảnh: Lê Tuấn
 
Quản lý, sử dụng thuốc BVTV dường như vượt qua tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Mới đây, sự việc chôn thuốc BVTV của Công ty CP Nicotex Thanh Thái tại Thanh Hóa đã gây bức xúc lớn trong dư luận, càng thể hiện rõ sự buông lỏng trong việc quản lý, sản xuất thuốc BVTV. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: Quản lý, sử dụng thuốc BVTV tốt là nguồn gốc tạo ra những sản phẩm sạch. Thế nhưng vì hám lợi, cạnh tranh thị phần đã khiến nhiều DN nhập khẩu những nguyên liệu có giá thành thấp, chất lượng không bảo đảm rồi về sản xuất, đóng gói, đưa ra thị trường. Đa phần các loại thuốc BVTV này đều không bảo đảm chất lượng. Đặc biệt, lượng thuốc BVTV dư thừa trên vỏ bao nếu không được xử lý thu gom, tiêu hủy sẽ phân tán ngấm sâu vào nguồn đất, nước gây ô nhiễm nghiêm trọng.
 
Xử phạt chỉ mang tính răn đe
 
Theo Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Xuân Hồng, các quy định về xuất khẩu, nhập khẩu, buôn bán, bảo quản, vận chuyển, sử dụng, đăng ký, sản xuất, sang chai, đóng gói... đều có quy định và chế tài xử phạt kèm theo. Ngày 28-6-2010, Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư 38 về quản lý thuốc BVTV. Theo thông tư, người sử dụng thuốc BVTV phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi: sử dụng thuốc không đúng kỹ thuật, tùy tiện, sử dụng thuốc ngoài danh mục, vứt vỏ thuốc bừa bãi... Thông tư cũng quy định nếu sử dụng thuốc BVTV gây thiệt hại về vật chất cho người khác thì phải bồi thường. Nghị định số 26 của Chính phủ cũng quy định, sẽ phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thuốc BVTV không đúng kỹ thuật và thời gian cách ly gây nguy hiểm cho người, gia súc và làm ô nhiễm môi trường... Qua khảo sát của Cục BVTV tại một số địa phương cho thấy, có trên 60% số người sử dụng thuốc BVTV không mang bảo hộ lao động, trên 30% lượng thuốc pha chế không đúng liều lượng và gần 3% sử dụng thuốc BVTV không nằm trong danh mục cho phép. Đáng lưu ý, đa số các hộ bỏ luôn bao bì tại ruộng, bờ mương nơi pha thuốc gây ô nhiễm môi trường và không khí.
 
Thực tế, xử phạt các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV không khó, khi tiến hành kiểm tra nếu vi phạm sẽ tiến hành xử lý nhưng để xử phạt được người sử dụng thì rất khó. Đa phần người sử dụng thuốc BVTV là nông dân nên việc tuân thủ quy trình sử dụng thuốc còn nan giải, nhận thức về tác hại của thuốc cũng hạn chế nên khó kiểm soát và xử phạt. Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội Nguyễn Duy Hồng cho biết, để quản lý việc sản xuất, sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Chi cục đã tiến hành kiểm tra 90 cửa hàng buôn bán thuốc BVTV, phát hiện 23 trường hợp vi phạm đã đề xuất Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội xử lý 16 trường hợp với số tiền 17,8 triệu đồng; thu giữ 102,87kg thuốc để xử lý. Đồng thời kiểm tra, đánh giá 69 công ty, chi nhánh công ty, cửa hàng sản xuất kinh doanh thuốc BVTV. Ngoài ra, cấp mới, cấp lại 64 chứng chỉ hành nghề buôn bán thuốc BVTV, 25 giấy phép vận chuyển thuốc, nguyên liệu thuốc BVTV. Đặc biệt, Chi cục đã lắp đặt 1.200 thùng chứa vỏ bao bì ở 18 xã sản xuất RAT để thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV tránh nông dân vứt bừa bãi trên đồng ruộng. 
 
Để kiểm soát việc sử dụng thuốc BVTV, cần quản lý tận gốc các doanh nghiệp, công ty sản xuất kinh doanh thuốc, đồng thời giám sát quản lý các cửa hàng kinh doanh buôn bán thuốc, cấm bán thuốc ngoài danh mục và khi bán phải hướng dẫn chi tiết cách sử dụng. Kinh doanh, buôn bán thuốc BVTV là nghề kinh doanh có điều kiện nên khi kiểm soát được đầu vào sẽ quản lý được việc sử dụng đúng.
Tin bài liên quan
Loading...