Quan tâm, chăm lo cho công nhân bị tai nạn lao động tại TP Hồ Chí Minh
Đây là mục tiêu được các cấp công đoàn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hướng đến và triển khai thực hiện từ đầu tháng 5 đến nay nhằm chăm lo cho người lao động bị tai nạn lao động.
Theo báo cáo của ngành Lao động thương binh và xã hội, TP Hồ Chí Minh được xem là địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất cả nước, sau đó là Hà Nội, Bình Dương, Thanh Hóa, Đồng Nai...
Theo đó năm 2016, TP Hồ Chi Minh đã xảy ra 1.735 vụ tai nạn lao động (tăng 196 vụ so với cùng kì năm 2015), khiến 1.762 người bị thương và 112 người bị chết… Các lĩnh vực thường xảy ra tai nạn lao động nhiều nhất là xây dựng, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng…
Trong những nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động do người sử dụng lao động chiếm 42%, do người lao động không tuân thủ các giải pháp an toàn lao động chiếm 17%...
Liên đoàn lao động quận 9 tặng quà cho công nhân bị tai nạn lao động vào sáng ngày 9/5.
Theo Liên đoàn lao động TP Hồ Chí Minh, nhân tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động lần thứ nhất, các cấp công đoàn thành phố đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà; tổ chức các chương trình vui chơi giải trí, tặng sổ tiết kiệm… cho gia đình và bản thân người lao động bị tai nạn lao động. Mở đầu cho chuỗi hoạt động chăm lo cho công nhân bị tai nạn lao động, Liên đoàn Lao động Thành phố đã tổ chức họp mặt và trao 350 phần quà cho công nhân bị tai nạn lao động vào ngày 6/5 vừa qua, trị giá 650.000 đồng/phần quà.
Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, cho biết người lao động khi bị tai nạn lao động đã phải chịu nhiều mất mát về thể xác lẫn tinh thần, vì vậy các đơn vị, doanh nghiệp cần quan tâm thăm hỏi động viên họ. Tích cực hỗ trợ cho họ có được những điều kiện để đảm bảo cuộc sống như: bảo hiểm xã hội, chi phí học hành hàng tháng... để họ vươn lên. Đặc biệt, khi người lao động đang làm việc, lãnh đạo đơn vị cần chú trọng hơn về công tác
bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động để người lao động không bị tai nạn; đồng thời kịp thời nhắc nhở và chấn chỉnh các hành vi vi phạm gây mất an toàn cho người lao động khi làm việc tại doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Lê Minh Yến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận 9 cũng cho hay, quận hiện có khoảng 140 người bị tai nạn lao động và mất sức lao động từ 31% trở lên. Những người công nhân lao động bị thương tật này đã rất vất vả trong cuộc sống vì vậy đơn vị luôn chú trọng hỗ trợ tinh thần lẫn vật chất để họ vươn lên.
“Nhằm thăm hỏi động viên kịp thời cho công nhân bị tai nạn lao động, sáng ngày 9/5, đơn vị đã tổ chức tặng quà thăm hỏi cho 28 công nhân bị tai nạn lao động. Việc chăm lo này có giá trị tinh thần không nhỏ giúp cho công nhân ổn định tâm lý, an tâm sản xuất, vươn lên trong cuộc sống”, ông Yến cho biết thêm.
Thăm và tặng sổ tiết kiệm cho công nhân bị tai nạn lao động nhân tháng hành động an toàn vệ sinh lao động lần thứ nhất.
Để đảm bảo an toàn lao động, theo bà Kim Yến, các tổ chức công đoàn cần phát huy hơn nữa vai trò của mình tại cơ sở như: Tích cực tuyên truyền hướng dẫn và huấn luyện cho người lao động thực hiện tốt các quy định về bảo hộ lao động, rà soát kiểm tra các quy định, quy trình lao động sản xuất để đảm bảo an toàn lao động khi sản xuất, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Phối hợp cùng với người sử dụng lao động rà soát, kiểm tra quy trình hiện hành, điều chỉnh để bảo đảm an toàn trong lao động tại doanh nghiệp. Phối hợp kiểm tra đối với các ngành nghề, lĩnh vực có nguy cơ, rủi rõ cao về tai nạn lao động…
Tại quận huyện, nhằm hỗ trợ cho công nhân bị tai nạn lao động vươn lên trong cuộc sống, nhiều đơn vị liên quan đã cùng chăm lo cho người lao động như: giải quyết, hỗ trợ các chính sách và chi trả trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng cho người lao động; quỹ CEP hỗ trợ cho người lao động bị tai nạn vay vốn làm ăn với mức vay tối đa 30 triệu đồng; thực hiện giảm 50% học phí cho con em công nhân bị tai nạn lao động….
Hoàng Tuyết/ Báo Tin Tức