Người dân Thủ đô những ngày này phải khốn khổ vật lộn với cuộc sống dưới tiết trời nắng như thiêu như đốt.
Nhiệt độ ngoài trời lúc đỉnh điểm vượt 40 độ C khiến nhiều người không dám ra đường dù đã hết giờ làm việc; người già, trẻ em kiệt sức, quay cuồng trong những ngôi nhà bê tông nóng hầm hập. Dù cái nắng nóng chói chang đã làm giảm đi một phần nhịp sống sôi động, nhưng đâu đó chúng tôi vẫn cảm nhận được sự hối hả, vẫn bắt gặp cảnh lao động quên mình trong những ngày "bão" nóng…
Phát cơm từ thiện ở Bệnh viện K.
"Xé" nắng mưu sinh
Đến hôm qua (3-7), nắng nóng đã duy trì liên tục khoảng hơn 1 tuần trên diện rộng ở khu vực Bắc Bộ và các tỉnh ven biển Trung Bộ với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 37 đến 40 độ C. Tại khu vực Hà Nội, theo thông tin từ các trạm khi đo nhiệt độ trong lều khí tượng ở khu vực Sơn Tây, Láng, Hà Đông đều ghi nhận chỉ số trên 40 độ C. Tuy nhiên, cảm nhận thực tế của người đi đường vào giờ cao điểm trong ngày (từ 13 đến 15h) lên đến 43, 44 độ C ở khu vực nội thành. Nắng nóng đạt mức kỷ lục trong nhiều năm khiến cuộc sống người dân đảo lộn. Người già, trẻ em không dám ra đường; cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp tìm đủ mọi cách để trốn nóng như ngồi lì trong phòng điều hòa, hay đợi trời hết nắng mới ra về... Tuy vậy, vẫn có những người lao động nghèo phải "xé" nắng để mưu sinh.
Khoảng 11h ngày 2-7 chúng tôi có mặt tại khu vực Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm), nơi được mệnh danh là "chợ cửu vạn", dù đang nắng như đổ lửa, trên đường ai cũng hối hả về nhà thì vẫn có hàng chục con người ăn vận lam lũ đứng chờ việc. Bà Trịnh Thị Ninh ở huyện Nghi Lộc (Nghệ An), suốt một tuần qua, dù nắng nóng nhưng không bỏ buổi nào để ngóng việc, mong kiếm thêm thu nhập. Bà Ninh than thở: "Vì nắng nóng mà mấy ngày nay chúng tôi cũng ít việc hơn. Trời cứ như "chảo lửa" thế này thì chả ai dám dở việc ra để sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp sân vườn". Trong mấy ngày nắng nóng, bà Ninh và những người cùng cảnh ngộ phải dậy từ sớm tinh mơ, khi mặt trời chưa ló rạng để "hóng", vì có nhiều người "mướn" họ lúc tiết trời còn mát mẻ vào đầu giờ sáng để đỡ mệt nhọc hơn. Trời càng về trưa càng oi bức, người tham gia giao thông trên đường cũng thưa thớt hơn. Chỉ tay vào chiếc xe thồ cũ kỹ có treo gói cơm nắm được bọc cẩn thận trong túi ni lông, bà Ninh hy vọng sau bữa cơm trưa sẽ có việc vào cuối giờ chiều. "Bên cạnh phụ thuộc vào thời tiết nắng, mưa, nghề "cửu vạn" còn phải gặp may, nhiều lúc ngồi cả ngày trời cũng không có người thuê mướn. Anh thấy đấy, cả buổi sáng nay chúng tôi đội nắng ngồi không, nhưng vẫn phải đợi!".
Vào phía trong chợ Phùng Khoang (phường Trung Văn) hằng ngày náo nhiệt là thế, vậy mà tại khu vực ngoài trời (các gian hàng che bằng lưới, bạt, ô) mới gần 11h đã vắng tanh. Dừng chân bên hàng bán dứa, bà Ấn (quê Hưng Yên) cho biết: "Sáng tôi bán 15.000 đồng/túi dứa (3 quả đã gọt), giờ chỉ bán 10.000 đồng/túi. Tôi còn một ít nữa, mua giúp để tôi còn về! Nóng quá, chẳng ai buồn ra chợ nữa! Chị nhìn, hàng cá, hàng rau đều ôi và héo cả rồi…".
Ở một góc khác của làng nghề Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì), chị Hồng ở phường Biên Giang (quận Hà Đông) đang miệt mài rũ các bao tải rách, bẩn để mang ra khu đất trống gần đó phơi. Trong ánh nắng chiếu xiên của lùm cây ven đường, vệt mồ hôi ướt đầm lưng áo
bảo hộ lao động của chị Hồng đủ để mách bảo sức nóng đã nhích cao dù mới hơn 8h. Khuôn mặt bịt kín chỉ còn hở đôi mắt, chị vẫn bình thản chuyện trò: "11h tôi lại ra thu lại số bao tải này để mang đi bán cho đại lý đồng nát. Nắng thế này ai cũng muốn ở nhà, nhưng ở nhà thì không có "đồng ra đồng vào". 6 giờ xách xe ra khỏi nhà, nhặt mãi mới được bằng đây… Đấy, một bao tải bự thế này mà chưa kiếm nổi 50.000 đồng vì chỉ bán được 2.000 đồng/kg thôi… Số tiền này chẳng đủ tiền thuốc bệnh, nhưng mưu sinh mà, trốn sao nổi?". Cũng ngay khu đất trống gần đường vào làng nghề Triều Khúc, chúng tôi gặp vợ chồng anh Mạnh (quê ở Xuân Trường, Nam Định) đang nhanh tay bới rác. Ái ngại khi thấy anh Mạnh đứng bên xe rác cả ngày mà không hề đeo khẩu trang, nhưng anh chỉ cười trừ, nói: "Thời tiết này đeo khẩu trang khó chịu lắm, vì mùi rác và mùi nắng quyện chặt vào nhau, không thở được, phải lựa chiều gió mà đứng, tôi chỉ cần đôi găng tay là đủ…".
Khắp nơi như "rang"
Một ngày mới trong khu nhà trọ ở cuối phố Thanh Bình (giáp ranh quận Hà Đông và Nam Từ Liêm) với nhiều người là việc trở dậy vào lúc tờ mờ sáng để… hứng nước sạch. Họ phải huy động mọi dụng cụ để chứa nước vì nước chỉ chảy khoảng 1 đến 2 giờ đồng hồ là ngắt. Nước chảy nhỏ giọt trong những ngày nền nhiệt độ cao luôn là "điệp khúc" ở đây. Trong không gian chật hẹp của nhà trọ, cuộc sống của họ trở nên bí bách, ngột ngạt hơn vì phải sử dụng nước "quay vòng". Nước rửa rau xong phải giữ lại để rửa bát, dội nhà vệ sinh…, việc tắm gội trở thành điều xa xỉ.
Một người phụ nữ ở khu nhà trọ này tếu táo: Những ngày này ngủ không cần mắc màn, muỗi, chuột sợ nóng đều chạy hết, chỉ con người không biết chạy vào đâu… Khi trời bắt đầu chiếu những tia nắng đầu tiên, tiếng rao bán quà sáng vang khắp các ngõ vắng. Chị Hiền, người bán xôi, bánh đưa tay che miệng ngáp, phân bua: "Mệt nhoài chị ạ. May gặp ngày rằm nên đợi trăng sáng mới ra đồng cấy nốt mấy đon mạ. Về nhà lại vội vàng chuẩn bị đồ mấy chõ xôi, quay đi quay lại trời đã sáng, một bước ra đường đã va phải cái chói chang…".
10h ngày 3-7, mặt trời gần đứng bóng, Bến xe khách phía Nam vẫn từng dòng xe hối hả nối đuôi ra, vào. Tại khu vực trả khách không có một bóng râm, hành khách nào xuống xe cũng vội chạy vào khu vực nhà chờ của bến. Sảnh hành lang tại đây chỉ còn một khoảng không gian đủ cho người ta đứng nghỉ ít phút, còn lại các hàng quán, dịch vụ đã chiếm gần hết diện tích. Chị bán hàng nước ngoài cổng bến xe than thở: "Mấy hôm nay lượng người vào uống nước ít hẳn. Ai xuống xe cũng vội ra xe buýt hay xe ôm về nhà ngay để trốn nắng".
Cảnh tay xách, nách mang của những hành khách đi xe đã kéo chúng tôi đến với những bệnh nhân đang điều trị trong Bệnh viện K. Khác với những gì chúng tôi tưởng tượng, Bệnh viện K (cơ sở xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì) vẫn giữ được nếp như mọi ngày. Tuy diện tích của viện không lớn, nhưng bù lại do có nhiều cây xanh nên không gian khá thoáng đãng và không quá ngột ngạt. Chị Lâm Thanh Thảo đang chăm sóc mẹ tại khoa Trị xạ cho biết: Thời tiết 39, 40 độ C với người bình thường đã khó chấp nhận, với người bệnh là cả một thử thách. Tuy nhiên, các phòng bệnh cũng khá sạch sẽ, nên dù phải ngủ ngoài hành lang cũng tạm đủ giữ được sức khỏe để chăm người ốm…
Ở một góc của bệnh viện, những người phát cơm từ thiện đến từ đền Tiên Hạ (ngõ Phất Lộc, quận Hoàn Kiếm) cũng đang hăng say thực hiện công việc của mình. Sau khi đi một loạt các khoa, phòng phát phiếu từ thiện, họ trở về vị trí để phát cơm cho mọi người. Bà Dương Thị Thế Bảy (KTT G1, xóm Chùa, xã Tam Hiệp, Thanh Trì) cho biết: "Thứ năm hằng tuần, nhóm làm từ thiện phát cơm cho bệnh nhân nghèo, thứ tư phát cháo, chè. Hôm nay chúng tôi nấu 200 suất cơm cho Bệnh viện K, 300 suất cho Bệnh viện Nội tiết…". Nhìn người cho, người nhận cơm cười thân thiện với nhau trong cái nóng nhễ nhại ấy, hẳn rằng nhiều người đã đón đợi bữa cơm đạm bạc từ thiện này để có thêm nghị lực chống chọi với bệnh tật.
Trong 2 ngày đi thực tế, chúng tôi còn chứng kiến nhiều hình ảnh đẹp làm dịu đi cơn "bão" nắng gay gắt đang quét qua Hà Nội. Đó là những chiến sĩ cảnh sát giao thông, những sinh viên tình nguyện... hết lòng vì một mùa thi THPT quốc gia diễn ra an toàn...