Với 439 số phiếu tán thành, chiếm tỷ lệ 88,87%, Quốc hội đã thông qua Luật An toàn, vệ sinh lao động. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.
Luật An toàn, vệ sinh lao động gồm 7 chương và 93 điều, quy định việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; chính sách, chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động và quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động.
Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, vệ sinh lao động; yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động, tại nơi làm việc; được cung cấp thông tin đầy đủ về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và những biện pháp phòng, chống; được đào tạo, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.
Người lao động được thực hiện chế độ
bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được hưởng đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được trả phí khám giám định trong trường hợp kết quả khảm giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được bố trí công việc phù hợp sau khi điều trị ổn định do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Người lao động cũng có quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ ngay lập tức xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình nhưng phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý.
Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động được pháp luật bảo vệ quyền được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động; được nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để làm việc trong môi trường an toàn, vệ sinh lao động; được tiếp nhận thông tin, tuyên truyền, giáo dục về công tác an toàn, vệ sinh lao động; được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động khi làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; tham gia và hưởng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện do Chính phủ quy định; khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Luật An toàn, vệ sinh lao động cũng quy định người sử dụng lao động có nghĩa vụ xây dựng, tổ chức thực hiện và chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình cho người lao động và những người có liên quan; đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động; tổ chức huấn luyện, hướng dẫn người lao động các quy định và biện pháp làm việc an toàn, vệ sinh lao động; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; thực hiện đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Cũng trong sáng 25/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND với 449 đại biểu tán thành trên tổng số 452 đại biểu tham gia biểu quyết chiếm 90,89%.
Trước khi tiến hành biểu quyết, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.
Theo đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp trong việc tạo điều kiện để các tổ chức phụ trách bầu cử thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; làm rõ hơn nguyên tắc làm việc của Hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương; bổ sung quy định về việc lập danh sách cử tri đối với người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc và bổ sung những trường hợp xóa tên hoặc bổ sung tên vào danh sách cử tri; bổ sung nguyên tắc công khai trong vận đồng bầu cử…
Về dự kiến cơ cấu, thành phần người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật xác định có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số và ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ.
Đối với số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND phải bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND là phụ nữ và số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương.
Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm 10 chương và 98 điều. Luật quy định về nguyên tắc bầu cử, tuổi bầu cử, tuổi ứng cử, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác bầu cử, dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bố đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; đơn vị bầu cử và khu vực bỏ phiếu; Hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử địa phương; danh sách cử tri; ứng cử và hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; tuyên truyền, vận động bầu cử; nguyên tắc và trình tự bỏ phiếu; việc kiểm phiếu, kết quả bầu cử ở đơn vị bầu cử, bầu cử thêm, bầu cử lại, bầu cử bổ sung; cũng như các quy định về xử lý vi phạm pháp luật về bầu cử và điều khoản thi hành.
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2015 và thay thế Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 31/2001/QH10 và Luật số 63/2010/QH12, Luật Bầu cử đại biểu HĐND số 12/2003/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 63/2010/QH12.
Chiều 25/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Đây là lần thứ 2, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Bộ luật, sau khi Bộ luật được lấy ý kiến đóng góp của nhân dân.
Qua thảo luận, các đại biểu còn băn khoăn về việc chuyển đổi giới tính, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), cho rằng đây là vấn đề không chỉ nhạy cảm trong xã hội mà còn là vấn đề khó và mới vì hiện đang thiếu hành lang pháp lý để điểu chỉnh người chuyển giới. Đại biểu Vinh phân tích, nếu Nhà nước đã không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì đương nhiên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ không được phép thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác theo giới tính mới.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị Ban soạn thảo làm rõ nếu không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính, liệu có vi phạm quyền con người không? Đại biểu băn khoăn khi trong thực tiễn, hiện nay, xã hội vẫn đang tồn tại người chuyển đổi giới tính.
Nếu Nhà nước không thừa nhận họ, tức là họ tiếp tục phải sống ngoài “vùng phủ sóng” về pháp luật. Vậy họ sẽ tham gia và hoà nhập vào các hoạt động xã hội như thế nào? Các chính sách về y tế, an sinh xã hội có tác động tới họ không?
Đồng thời việc thực thi pháp luật tố tụng hình sự đối với những người chuyển giới tính sẽ giải quyết như thế nào (cụ thể là việc tạm giam, tạm giữ, thi hành án phạt tù…), những tác động đối với kinh tế - xã hội, sức khoẻ, nòi giống và đạo đức, truyền thống văn hoá của dân tộc như thế nào, nếu công nhận cho phép chuyển giới?
Góp ý về vấn đề đặt tên, đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) thể hiện sự đồng tình cao với quy định này của dự thảo Bộ luật, “Chúng ta cần phải có cơ chế để cho cá nhân thực hiện quyền này” - đại biểu nêu quan điểm.
Đại biểu Trần Văn Cảnh (Bình Định) tán thành với quy định, “Họ, tên của một người không được vượt quá hai mươi lăm chữ cái”, tuy nhiên đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần lý giải tại sao lại khống chế là 25 chứ cái mà không phải là con số khác.
Theo chương trình kỳ họp, ngày mai (26/6), Quốc hội họp phiên bế mạc, buổi sáng, Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự và Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.
Quốc Bình