Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10707
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Quy định về thử việc bạn nên biết
Bà Nguyễn Thị Thu Trang (thutrangcsi@...) ký hợp đồng thử việc 2 tháng với mức lương thử việc theo thỏa thuận là 4.500.000 đồng/tháng. Công ty yêu cầu bà phải ký quỹ để thực hiện hợp đồng thử việc. Hết thời gian thử việc, công ty đề nghị bà làm văn bản tự đánh giá để ký hợp đồng lao động.
 

 
Ảnh minh họa

Bà Trang đã làm bản đánh giá và yêu cầu mức lương chính thức là 5.000.000 đồng. Tuy nhiên, Công ty trả lời, chỉ chấp nhận ký Hợp đồng lao động (HĐLĐ) với mức lương như đã ký ở hợp đồng thử việc. Bà không đồng thuận và đã viết đơn xin nghỉ việc gửi đến Công ty.
 
Phòng Tổ chức của Công ty đồng ý cho bà Trang nghỉ việc nhưng yêu cầu bà phải tiếp tục làm việc tối thiểu 1 tháng để bàn giao cho người lao động mới, thì Công ty mới trả lương và các khoản ký quỹ cho bà.
 
Bà Trang hỏi, Công ty đề nghị như vậy có đúng quy định pháp luật không? Công việc kiểm soát viên chỉ yêu cầu trình độ trung cấp, trong khi bà có bằng đại học nhưng Công ty ký hợp đồng thử việc 2 tháng có đúng không?
 
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng -Đoàn luật sư Hà Nội trả lời câu hỏi của bà Trang như sau:
 
Điều 26, Điều 27, Điều 28 và Điều 29 Bộ Luật lao động năm 2012 (BLLĐ) quy định về thử việc, thời gian thử việc, tiền lương trong thời gian thử việc và các vấn đề liên quan khi hết thời gian thử việc như sau: Người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu có thoả thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc.
 
Nội dung của hợp đồng thử việc gồm các nội dung chủ yếu sau đây: Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp; Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động; Công việc và địa điểm làm việc; Thời hạn của hợp đồng; Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác; Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động.
 
Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 1 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:
 
- Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên.
 
- Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
 
- Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.
 
Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
 
Kết thúc thời gian thử việc, khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết HĐLĐ với người lao động.
 
Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận.
 
Hành vi không được làm khi giao kết, thực hiện HĐLĐ
 
Điều 20 BLLĐ quy định những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết HĐLĐ như sau:
 
- Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
 
- Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
 
Trường hợp bà Nguyễn Thị Trang phản ánh, do hợp đồng thử việc chỉ thỏa thuận mức lương thử việc, mà không thỏa thuận mức lương sau khi đạt yêu cầu thử việc, nên khi thực hiện xong hợp đồng thử việc, hai bên công ty và người lao động không đạt được thỏa thuận về tiền lương để ký HĐLĐ, thì bà Trang có quyền nghỉ việc mà không cần phải báo trước. Công ty phải thanh toán ngay tiền lương cho thời gian bà Trang đã làm việc, trả lại ngay toàn bộ số tiền ký quỹ mà bà đã nộp cho Công ty.
 
Đối với hợp đồng thử việc mà công ty đã ký với bà Trang có những vấn đề sau:
 
- Về thời gian thực hiện hợp đồng thử việc, căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 27 BLLĐ, mặc dù bà Trang có trình độ đại học, nhưng thử việc với công việc có chức danh cần trình độ chuyên môn trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, nên thời gian thử việc chỉ yêu cầu  30 ngày, trong hợp đồng công ty yêu cầu thời gian thử việc 60 ngày là trái quy định. Hành vi này của công ty nếu bị phát hiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b, khoản 2 và khoản 3, Điều 6 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và buộc trả đủ 100% tiền lương cho người lao động trong thời gian thử việc.
 
- Về khoản tiền ký quỹ khi ký hợp đồng, căn cứ khoản 2, Điều 20 BLLĐ, việc công ty yêu cầu bà Trang phải thực hiện biện pháp đảm bảo bằng tiền (ký quỹ) để thực hiện hợp đồng thử việc là trái pháp luật. Hành vi này của công ty nếu bị phát hiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b, khoản 2 và điểm b, khoản 3, Điều 5 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền  từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng và buộc trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm.
 
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bà Trang cần có văn bản yêu cầu Giám đốc công ty, hoặc gửi đơn đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi Công ty có trụ sở yêu cầu cử Hòa giải viên lao động, Thanh tra lao động can thiệp, yêu cầu Công ty thanh toán ngay số tiền lương chưa trả và trả ngay số tiền mà bà đã nộp ký quỹ theo các quy định nêu trên.
 
Luật sư Trần Văn Toàn
 
VPLS Khánh Hưng – Đoàn luật sư Hà Nội
 
 * Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.
Tin bài liên quan
Loading...