Quy định về trách nhiệm bồi thường khi bị tai nạn lao động
Ông Cao Văn Hùng (makervnn@...) làm việc tại một công ty TNHH đã hơn 3 năm mà chưa được ký hợp đồng lao động. Vừa qua ông Hùng bị tai nạn lao động (cụt một ngón tay giữa bên trái). Trong thời gian ông điều trị tại bệnh viện, công ty không chi trả bất cứ một khoản tiền viện phí nào và sau khi điều trị cũng không hỗ trợ hay bồi thường.
Ảnh minh hoạ
Ông Hùng hỏi, công ty thực hiện như vậy có đúng quy định không? Nếu không đúng ông phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời ông Hùng như sau:
Theo quy định của pháp luật về lao động, trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ). HĐLĐ phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 2 bản, người lao động giữ 1 bản, người sử dụng lao động giữ 1 bản. HĐLĐ phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
- Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp.
- Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động.
- Công việc và địa điểm làm việc.
- Thời hạn của HĐLĐ.
- Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
- Chế độ nâng bậc, nâng lương.
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
- Bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế.
- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Trách nhiệm của người sử dụng lao động với người bị tai nạn lao động
Điều 144 Bộ luật Lao động quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động (TNLĐ) như sau:
- Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.
- Trả đủ tiền lương theo HĐLĐ cho người lao động bị TNLĐ phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.
- Bồi thường cho người lao động bị TNLĐ theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật này.
Quyền của người lao động bị tai nạn lao động
Điều 145 Bộ luật Lao động quy định quyền của người lao động bị TNLĐ như sau:
- Người lao động tham gia BHXH bắt buộc được hưởng chế độ TNLĐ theo quy định của Luật BHXH.
- Người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà người sử dụng lao động chưa đóng BHXH cho cơ quan BHXH, thì được người sử dụng lao động trả khoản tiền tương ứng với chế độ TNLĐ theo quy định của Luật BHXH.
Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên.
Người lao động bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau:
- Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo HĐLĐ nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo HĐLĐ nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%.
- Ít nhất 30 tháng tiền lương theo HĐLĐ cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do TNLĐ.
- Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 3 Điều này.
Trường hợp ông Cao Văn Hùng được nhận vào làm việc tại một Công ty TNHH nhưng hơn 3 năm mà chưa được ký HĐLĐ bằng văn bản, chưa được Công ty đóng BHXH, đó là các hành vi vi phạm pháp luật, Công ty có thể bị xử phạt vi phạm hành chính và buộc phải khắc phục hậu quả theo quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH.
Ông Hùng bị TNLĐ, cụt một ngón tay giữa bên trái, nhưng không được Công ty chi trả bất cứ khoản tiền nào. Do vậy đề nghị ông Hùng đối chiếu quy định tại Điều 144, Điều 145 Bộ luật Lao động để rõ trách nhiệm của Công ty và quyền lợi của mình khi TNLĐ.
Nếu Công ty không thực hiện đúng quy định đó, ông Hùng có thể trực tiếp hoặc thông qua tổ chức công đoàn cơ sở để yêu cầu Giám đốc Công ty thực hiện đúng; hoặc có đơn gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi Công ty có trụ sở chính yêu cầu cử hòa giải viên để hòa giải tranh chấp.
Luật sư Lê Văn Đài
VPLS Khánh Hưng – Đoàn luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật