“Đa số người lao động của đơn vị chúng tôi là đối tượng công nhân trực tiếp làm những công việc nặng nhọc: Gần 200 người hằng ngày (cả ngày lẫn đêm) đi thu gom rác, kể cả lái xe, bốc xếp. Với một đơn vị mang tính đặc thù như thế, việc nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của người CN trực tiếp LĐ là hết sức quan trọng” - anh Phạm Văn Tuyên - Chủ tịch CĐCS và là Phó GĐ Cty dịch vụ đô thị (DVĐT) Đà Lạt (Lâm Đồng) - mở đầu câu chuyện.
Đề xuất với chính quyền giải quyết nhiều nội dung liên quan đến người lao động (NLĐ) ngay từ đầu năm là việc làm thường xuyên của Chủ tịch CĐ Phạm Văn Tuyên. Cũng từ kế hoạch và phong trào được phát động ngay từ đầu năm đó, mọi hoạt động của tổ chức CĐ cũng như đoàn viên trong Cty đều diễn ra suôn sẻ. “Chúng tôi cố gắng duy trì hoạt động đối thoại giữa Ban GĐ Cty với CNLĐ, để qua đó, Ban GĐ giải quyết các kiến nghị, thắc mắc, đề xuất của CNLĐ một cách hợp lý, đảm bảo quyền lợi của NLĐ. Hầu hết nội dung những buổi đối thoại đó đều liên quan đến lợi ích của NLĐ như các vấn đề về VSATTP, BHLĐ, PCCN, cải thiện điều kiện làm việc, trang bị BHLĐ...”.
Một trong những kết quả của những buổi đối thoại trực tiếp giữa CN với GĐ ở Cty Dịch vụ đô thị Đà Lạt là trong vài năm gần đây, điều kiện trang thiết bị của NLĐ đã được Ban GĐ giải quyết một cách cơ bản: Xe đẩy rác của CN được cải tiến nhẹ hơn, đảm bảo an toàn hơn; quần áo, giày dép, áo mưa... của CN cũng được trang bị đảm bảo hơn; cùng đó, các xe chuyên dụng chở rác cũng được hiện đại hóa hơn so với trước đây... “Từ 2012 đến nay, với vai trò Chủ tịch CĐ Cty, tôi đã cùng BCH CĐ tham mưu cho Ban GĐ tổ chức 6 cuộc đối thoại như thế. Nhờ những cuộc đối thoại này mà không chỉ BCH CĐ, mà còn cả Ban GĐ sâu sát hơn với NLĐ, hiểu rõ hơn những tâm tư, nguyện vọng của họ” - anh Tuyên nói.
Không chỉ cải thiện điều kiện làm việc, mà nhờ sự can thiệp của tổ chức CĐ, lãnh đạo Cty Dịch vụ đô thị Đà Lạt còn giải quyết được một số quyền lợi thiết thực cho NLĐ, tiêu biểu là việc hỗ trợ cho NLĐ trực tiếp mỗi tháng 1kg đường và 2 hộp sữa (mặc dầu theo quy định thì NLĐ của Cty không thuộc diện được bồi dưỡng theo chế độ độc hại). Cùng đó, bản thân anh Tuyên còn đề xuất với chính quyền giải quyết kịp thời và đủ các vấn đề liên quan đến quyền lợi NLĐ như công tác thăm hỏi, tặng quà động viên NLĐ vào những dịp lễ, tết, trong những lúc ốm đau với kinh phí bình quân mỗi năm 200 triệu đồng; thực hiện các chế độ về ma chay, hiếu hỷ... một cách chu đáo nhất.
Điều phải kể đến là tổ chức CĐ của Cty mà đứng đầu là Chủ tịch Phạm Văn Tuyên đã có nhiều cố gắng trong việc nâng cao thu nhập cho NLĐ. Nếu thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng của Cty năm 2009 chỉ ở mức 1.965.456 đồng thì ở năm 2013, mức này đã được nâng lên 5 triệu đồng/người/tháng. Cũng theo sáng kiến của CĐ, trong đó có ý kiến của Chủ tịch Phạm Văn Tuyên, NLĐ ở đây đã lập được quỹ hỗ trợ giúp nhau vượt khó với tổng số tiền hiện có gần 250 triệu đồng để giúp NLĐ khó khăn vay với mức
5 triệu đồng/người. Bên cạnh đó, trong 3 năm qua, CĐ Cty cũng đã tổ chức cho CNVCLĐ đi tham quan, nghỉ dưỡng ở các nơi với tổng kinh phí do Cty hỗ trợ lên đến hơn 3 tỉ đồng.
Nói về những kinh nghiệm trong phòng ngừa và giải quyết tranh chấp lao động, anh Phạm Văn Tuyên cho biết: “Kinh nghiệm lớn nhất đó là phải đảm bảo ổn định việc làm cho NLĐ; giải quyết kịp thời các chế độ về tiền lương, tiền thưởng; cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ; trang cấp phương tiện
bảo hộ lao động đầy đủ và kịp thời; tổ chức đối thoại mỗi quý 1 lần; thường xuyên nắm bắt và giải quyết kịp thời tâm tư và nguyện vọng của NLĐ...”.