Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10514
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Rộn rã trên công trường Nghi Sơn

Trong những ngày cả nước rộn ràng kỷ niệm 40 năm Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước và Quốc tế lao động, tại công trình xây dựng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa), hàng chục nghìn cán bộ, kỹ sư, công nhân các đơn vị vẫn hăng say lao động. Tận sâu trong tâm khảm, họ luôn mong muốn, tập trung hết nguồn lực, trí tuệ đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành dự án nhằm cung cấp các nguồn nhiên liệu phục vụ Tổ quốc.
 

Dồn sức cho công việc

Có mặt tại công trình trọng điểm quốc gia - Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, tọa lạc trên vùng đất rộng lớn 570 ha của Khu kinh tế Nghi Sơn, chúng tôi không khỏi choáng ngợp. Từ khoảng cách an toàn dưới mặt đất, giữa công nhân với máy móc, thiết bị vận chuyển cho đến kỹ thuật leo cao, hàn xì,... đều được đào tạo cấp chứng chỉ và thực hiện triệt để. Chỉ cần một sơ suất rất nhỏ có thể tiềm ẩn nguy cơ khó lường. Chính vì vậy, ngoài yêu cầu bắt buộc có đầy đủ các thiết bị bảo hộ lao động, xí nghiệp cũng thường xuyên nhắc nhở công nhân tự nâng cao ý thức trong việc chấp hành các nội quy của công ty, của Ban quản lý dự án (QLDA) cũng như việc giữ cự ly, khoảng cách thực tế nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối trong lao động. "Do làm tốt công tác này, xí nghiệp đã hạn chế, phòng ngừa, không để xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng nào", kỹ sư Nguyễn Nho Hưng (Xí nghiệp 10-1, Công ty Lilama 10) khẳng định.

Tại khu vực bên trong bồn dầu với hàng nghìn cây sắt, giàn giáo dựng lên san sát, theo lời giới thiệu của kỹ sư Hưng, Lilama 10 đang đảm nhận lắp đặt hạng mục hai bồn dầu. Mỗi bồn này có dung tích 96 nghìn m3, đường kính 89 m, cao 19,9 m, nặng hơn 2.000 tấn, gồm tám tầng, mỗi tầng 20 mảnh ghép, mỗi mảnh ghép nặng trung bình khoảng 8 tấn, riêng tầng dưới cùng mỗi mảnh nặng 12 tấn. Ðể lắp đặt được hai bồn này, sẽ mất khoảng một năm và cần 120 công nhân để thi công. Còn các hạng mục khác như lắp đặt ống, chế tạo ống,... sẽ cần số lượng nhân lực nhiều hơn. Hiện tại, công ty đang vượt tiến độ thi công, riêng hạng mục lắp đặt bồn vượt tiến độ 2,5 tháng theo cam kết với chủ đầu tư. Giám đốc Xí nghiệp 10-1 Phù Văn Việt cho biết, khối lượng thi công lắp đặt kết cấu thép (KCT), ống, thiết bị và bồn dầu thô có tổng giá trị 353 tỷ đồng, Lilama 10 đã huy động 810 kỹ sư, công nhân có trình độ, tay nghề cao, nhiều người từng có kinh nghiệm làm việc tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tham gia. Ðến nay, xí nghiệp đã hoàn thành khoảng 30% khối lượng công việc. Tuy được sự quan tâm, giúp đỡ của Tổng công ty, Ban QLDA trong việc điều phối giữa các nhà thầu phụ trong quá trình thực hiện, song xí nghiệp vẫn gặp một số khó khăn như mặt bằng thi công có nhiều hạng mục đan xen giữa nhà thầu xây dựng và nhà thầu lắp đặt nên chưa ngăn nắp, thi công không thuận tiện; vật tư chậm, không đồng bộ, nhiều loại về công trường nhưng không thể lắp đặt được do vướng mặt bằng, hoặc gặp thời tiết không thuận lợi. Nhằm bảo đảm tiến độ công việc, xí nghiệp đã căng bạt che phủ công trường, đồng thời đề xuất Tổng công ty yêu cầu chủ đầu tư cung cấp đủ các thiết bị, vật tư cũng như có kế hoạch triển khai phù hợp với các đơn vị liên quan. Giám đốc Phù Văn Việt khẳng định: Từ nay đến cuối năm, Lilama 10 sẽ tập trung huy động nhân lực, phương tiện, phấn đấu hoàn thành 90% khối lượng và giá trị hợp đồng được giao.

Vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ

Hàng nghìn người thợ máy Lilama đang vượt gian khó trên công trường Nghi Sơn, với khí thế lao động hết sức khẩn trương. Ðôi tay vẫn thoăn thoắt thao tác lắp đặt đường ống, kỹ sư Phạm Ðức Văn (quê Tứ Kỳ, Hải Dương), người có thâm niên mười năm làm việc cho Lilama tâm sự, anh rất vinh dự và tự hào khi được đóng góp sức lực cho Lilama thi công tại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, một trong những công trình trọng điểm quốc gia. Với khoản thu nhập khoảng mười triệu đồng/tháng (hưởng theo tiến độ thi công), người lao động còn được công ty tạo điều kiện về ăn, ở nên đã tiết kiệm được chi phí, gửi tiền về cho gia đình trang trải sinh hoạt hằng ngày. "Mặc dù thu nhập ổn định nhưng người lao động chúng tôi thường xuyên phải xa gia đình, ít có thời gian chăm sóc, dạy dỗ con cái. Tôi phải nhờ cậy hoàn toàn cho vợ ở quê chăm sóc bố mẹ, con cái. Thậm chí, nhiều cặp vợ chồng cùng xa nhà, mọi việc phải trông cả vào ông bà nội, ngoại. Chúng tôi đều động viên nhau vượt qua gian khó và hoàn thành tốt công việc", kỹ sư Phạm Ðức Văn chia sẻ.

Phó Tổng Giám đốc Lilama kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án Lilama Nghi Sơn Trần Ðình Ðại cho biết, cuộc sống, sinh hoạt của cán bộ công nhân viên công ty vẫn gặp không ít khó khăn do lực lượng lao động phần lớn ở các địa phương khác nhau, phải lưu trú tại các khu nhà cư xá. Do cư xá không có quy hoạch của khu kinh tế nên nguồn nước sạch rất khan hiếm, phải sử dụng giếng khoan. Chế độ làm việc của người lao động phải được bảo đảm dưới sự giám sát nghiêm ngặt của Ban QLDA, chủ đầu tư nên chúng tôi không thể tự ý tăng ca, làm thêm giờ. Muốn làm thêm giờ, chúng tôi bắt buộc phải đăng ký trước và được sự đồng ý của Ban QLDA. Hiện tại, Lilama có hơn 2.000 người lao động, đang thực hiện các hạng mục của dự án. Tùy tình hình thực tế, trong thời gian cao điểm từ tháng 6 đến tháng 12 tới, chúng tôi sẽ huy động thêm khoảng 6.000 - 8.000 lao động. Kể từ khi triển khai (tháng 7-2014) đến nay, Lilama đã và đang thực hiện tất cả các hạng mục công trình của nhà máy, trong đó, đã triển khai lắp đặt tám bồn dầu thô, hai gói chế tạo, mười gói lắp đặt... Ngoài ra, dự kiến chế tạo được 8.000 tấn KCT và 15 nghìn tấn thiết bị; đã chế tạo được 6 nghìn tấn KCT đưa ra công trường và 150 nghìn ID (ống gói),... phấn đấu đến cuối năm sẽ hoàn thành 70% kế hoạch dự án, tương đương 2.800 tỷ đồng.

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng mức đầu tư hơn 9 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn/năm (200 nghìn thùng/ngày), được liên doanh giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đóng góp 25,1%; Tập đoàn Kuwait Petroleum (Cô-oét) đóng góp 35,1% và hai Công ty Idemitsu Kosan và Mitsui Chemicals của Nhật Bản đóng góp 35,1% và 4,7%. Dự kiến, nhà máy hoàn thành vào năm 2017, khi đi vào hoạt động sẽ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xăng, dầu của cả nước.

Tin bài liên quan
Loading...