Sản phẩm bảo hộ lao động: Chủng loại nghèo, chất lượng kém
Sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân (PTBVCN) là một trong các giải pháp quan trọng để bảo vệ người lao động khỏi bị các tai nạn, bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề PTBVCN vẫn còn nhiều bất cập.
Và đã có nhiều ý kiến được đưa ra tại hội thảo “Vấn đề PTBVCN nhìn từ góc độ bảo đảm an toàn vệ sinh lao động và bảo vệ người tiêu dùng” do Hội Khoa học kỹ thuật an toàn và vệ sinh lao động (VOSHA) tổ chức ngày 10-12, tại Hà Nội.
Chưa đáp ứng yêu cầu phòng ngừa nguy hiểm
Hiện cả nước có khoảng 60% địa phương có cơ sở sản xuất, kinh doanh PTBVCN, trong đó tập trung chủ yếu ở các tỉnh, TP công nghiệp, như Hà Nội, TPHCM, Phú Thọ, Thái Nguyên... Loại PTBVCN mà các doanh nghiệp (DN) tập trung sản xuất, kinh doanh là quần áo, găng tay vải, ủng cách điện, mũ, khẩu trang hoặc các loại giày vải thông thường và một số ít loại đặc chủng. So với danh mục 128 loại trang bị PTBVCN cần sử dụng trong lao động (do Viện Khoa học Kỹ thuật BảO Hộ LAO ĐộNG ĐƯA RA) THÌ Số LƯợNG CHủNG LOạI PHƯƠNG TIệN MÀ CÁC DN đang sản xuất hiện còn quá nghèo nàn, chưa đáp ứng được yêu cầu sử dụng phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, có hại trong lao động sản xuất. Phần lớn những PTBVCN có yêu cầu kỹ thuật cao đều được nhập khẩu từ Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ... Tuy nhiên, giá bán của các sản phẩm này khá cao. Chẳng hạn, mặt nạ chống hóa chất 30.000 đồng/chiếc; găng tay và ủng cách điện trên 1 triệu đồng/đôi, dây an toàn Đài Loan từ 500.000- 700.000đồng/chiếc; bút thử điện 240V-230KV của Mỹ từ 3-4 triệu đồng/chiếc...
Sản phẩm không rõ nguồn gốc
PGS-TS Nguyễn An Lương, Chủ tịch VOSHA, cho hay PTBVCN là mặt hàng đặc chủng, có liên quan đến việc bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người nên phải có những quy định chặt chẽ, tiêu chuẩn bắt buộc phải áp dụng. Tuy nhiên, rất nhiều PTBVCN sản xuất trong nước có chất lượng kém, không đạt tiêu chuẩn quy định, hình dáng, mẫu mã xấu, không có mác. Nhiều sản phẩm không rõ xuất xứ, không có tên nhà sản xuất và thiếu các thông tin cần thiết cho người sử dụng. Nguy hiểm hơn, một số cơ sở sản xuất không có trình độ, công nghệ, điều kiện vẫn chạy theo lợi nhuận, sản xuất và đưa ra thị trường một số PTBVCN không những kém về chất lượng, không bảo đảm an toàn lao động mà còn làm giả, làm nhái kiểu cách, nhãn mác của những cơ sở có uy tín, tin cậy để đánh lừa người sử dụng. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bộ Thương mại, cho biết thêm hiện cả nước có khoảng 20 DN sản xuất mũ bảo hiểm và mũ nhựa
bảo hộ lao động các loại với nhiều mẫu mã và giá cả. Chỉ có khoảng 25% số mẫu được lấy trên thị trường đạt các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng.
70% cơ sở sản xuất không đăng ký tiêu chuẩn chất lượng
Đây là nhận định của Bộ LĐ-TB-XH, dù mặt hàng PTBVCN thuộc danh mục hàng hóa bắt buộc phải đăng ký tiêu chuẩn chất lượng. Điều tra của Bộ Công nghiệp tại 12 tổng công ty, trung bình có hơn 65% mặt hàng PTBVCN đang được sử dụng không có chứng nhận chất lượng.
Theo bà Đoàn Minh Hòa, Cục trưởng Cục An toàn lao động Bộ LĐ-TB- XH, chất lượng các PTBVCN sử dụng trong lao động sản xuất hiện rất đáng báo động. Ông Lương đề nghị: “Cần phân công rõ trách nhiệm cho các cơ quan để tránh tình trạng việc kinh doanh, lưu thông các PTBVCN trên thị trường bị thả nổi, không ai quản lý, thanh kiểm tra và xử lý vi phạm”. Đại diện Phân viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động tại TPHCM thì cho rằng, để PTBVCN phát huy tác dụng, người sử dụng phải biết công dụng, cách kiểm tra bằng trực quan trước khi dùng, cách bảo quản, giới hạn bảo vệ của chúng và thời điểm cần thay thế. Tuy nhiên, nội dung huấn luyện về PTBVCN cho công nhân còn bị người sử dụng lao động xem nhẹ. Họ mua sắm, cấp phát là coi như đã xong trách nhiệm.
Ông Vũ Như Văn, Cục phó Cục An toàn lao động (bộ LĐ-TB- XH):
44% tai nạn lao động là do vi phạm các tiêu chuẩn, quy phạm...
Do PTBVCN được phép đưa vào giá thành hoặc lưu thông sản phẩm nên nhiều DN đã mua những sản phẩm kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn, có nguồn gốc không hợp pháp. Sáu tháng đầu năm 2004, nguyên nhân gây tai nạn lao động chết người chủ yếu do người sử dụng lao động và người lao động vi phạm các tiêu chuẩn, quy phạm và không có quy trình biện pháp làm việc an toàn (44%). Điều kiện làm việc không tốt, thiết bị không bảo đảm (6,7%); người lao động không được huấn luyện các biện pháp làm việc an toàn, thiếu trang bị PTBVCN (trên 6%).
Bài và ảnh: Ngọc Dung