Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10699
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Sống lại từ “cõi âm” bằng ý chí khát sống
 Nếu hôm ấy Mai Thanh Sang không mặc bốn lớp áo, ba lớp quần, đi giày bảo hộ, mặt mũi trùm kín mít thì có lẽ cũng đã chết sau 5 đêm bị vùi trong kho đông lạnh.          
            
 

 

Anh Sang vẫn sống sót kỳ diệu, dù hai chân bị thương tậtẢnh: TẤN ĐỨC

Mấy hôm nay căn nhà nhỏ bên bờ kênh Cái Nổ, ấp Bình Trung, xã Bình Thành (huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) của vợ chồng anh Mai Thanh Sang bỗng trở nên vui nhộn trước cảnh tập đi, tập đứng của hai cha con chủ nhà.
 
Có điều, người cha (24 tuổi) có vẻ “chậm lụt” hơn đứa con vì phải sử dụng chân giả…
 
Anh Sang chính là người đã thoát chết kỳ diệu trong vụ sập chuỗi kệ hàng tại kho đông lạnh của Công ty cổ phần Vạn Ý (thuộc Công ty TNHH Hùng Cá, ở Cụm công nghiệp Bình Thành, huyện 
Thanh Bình).
 
Làm lại từ đầu
 
“Hơn một năm qua tui toàn ngồi xe lăn, giờ được lắp chân giả, chưa quen cách dùng nên phải tập đi, tập đứng cho ngon lành, rồi tìm nghề gì đó phù hợp để học đặng còn kiếm tiền nuôi vợ con...” - anh Sang nói. Hỏi về cuộc sống hiện tại, anh ậm ừ: “Cũng tạm đủ”.
 
Thì nghe vậy, chứ thật ra trước khi đến thăm vợ chồng anh Sang, chúng tôi đã ghé qua nhà ông Nguyễn Văn Sáu, trưởng ấp Bình Trung, để nắm sơ tình hình và được ông cho biết cha Sang mất gần chục năm trước, bốn anh em tựa vào nhau mà sống.
 
Nhà chỉ có 1 công đất ruộng, làm lụng quanh năm không đủ ăn nên mấy anh em Sang lưu lạc khắp nơi, người ở miền Tây, người lên miền Đông để mưu sinh bằng đủ thứ nghề.
 
Khi Công ty Hùng Cá mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tuyển dụng thêm nhiều lao động, mấy anh em Sang lần lượt xin làm công nhân với mức lương trên dưới 3 triệu đồng/tháng. Ban đầu Sang làm ở bộ phận đóng gói thành phẩm.
 
Thấy thu nhập chưa như ý, anh dành dụm tiền qua Vĩnh Long học lái xe rồi trở về làm ở bộ phận lái xe nâng, xếp hàng trong kho đông lạnh của công ty, được hơn hai năm thì xảy ra tai nạn.
 
Vợ anh, chị Huỳnh Thị Mỹ Chi, trước đây cũng là công nhân phân màu sản phẩm, làm việc cùng công ty.
 
Hôm chồng gặp tai nạn chị vừa sinh con tròn một tháng. Một tay chị chăm con, chăm chồng, không thể làm việc theo ca (kéo dài từ 6g sáng tới 6g chiều hoặc ngược lại) nên chị cũng đã thôi việc.
 
“Công ty đã rất chu đáo khi lo toàn bộ chi phí điều trị và còn cấp lương 5 triệu đồng/tháng cho chồng tôi. Nhưng mình không thể trông chờ, ỷ lại mãi vào nguồn thu đó. Sắp tới, khi cha con anh Sang có thể tự chăm nhau, tôi sẽ tìm việc làm trở lại để có nguồn thu cho gia đình” - chị Chi cho hay.
 
Nhắc lại chuyện cũ, Sang bảo anh đã rất may mắn khi bị ngã lọt vào một hốc kệ, vừa đủ chỗ cho một người nằm nghiêng mà không bị những thanh sắt hoặc những thùng cáctông chứa đầy những bịch cá đã đông lạnh đè lên người.
 
Nhưng chỉ may mắn thôi chưa đủ, nếu hôm ấy anh không mặc bốn lớp áo, ba lớp quần, chân đi giày bảo hộ lao động, đầu đội hai lớp mũ, mặt mũi trùm kín mít thì có lẽ cũng đã chết vì lạnh.
 
Rồi khi bị vùi lấp cả chục thước dưới lớp thủy sản đông lạnh, nếu anh không cố bình tĩnh để giữ tinh thần và nuôi khát vọng sống mãnh liệt vì vợ con, vì gia đình thì có lẽ thần chết cũng đã mang anh đi.
 
“Bình thường chỉ sau 20-30 phút làm việc trong kho với nhiệt độ âm 20-22oC nhiều người đã tê cóng chân tay, phải ra ngoài hít thở khí trời cho bớt lạnh.
 
Vậy mà không hiểu sao tui bị vùi lấp hơn bốn ngày ròng rã trong “cõi âm” đó vẫn có dưỡng khí để thở và không bị đông lại như miếng cá phi lê...” - anh Sang nói vui.
 
Ý chí sống
 
Sau năm đêm bị vùi lấp dưới đống băng tuyết, Sang đã được cứu sống. Nhưng cẳng chân bên phải đã bị hoại tử, phải cắt đi. Rồi nửa bàn chân trái cũng cưa luôn, các bác sĩ lấy một mảng da lớn bằng bàn tay ở đùi trái đắp vô.
 
Sau hơn hai tháng điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, anh được cho về nhà. Hằng ngày vợ lại chở anh tới Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Bình lau rửa vết thương, tránh bị nhiễm trùng.
 
Rồi Sang phải nhập viện thêm ba lần để hút mỡ bàn chân trái, chỗ được ghép da đùi, vì nó phát triển quá to.
 
Sau khi điều trị ổn định, anh được Công ty TNHH Hùng Cá đưa đến cơ sở làm chân tay giả ở thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương để các kỹ thuật viên nơi đây đo ni, hướng dẫn cách sử dụng chân giả. Hôm chúng tôi đến thăm nhà cũng là lúc anh vừa nhận được sản phẩm từ nhà sản xuất.
 
Ông Tiêu Văn Túp (48 tuổi), ở ấp Bình Trung, là công nhân làm cùng ca và cùng gặp nạn với anh Sang. Khi thấy những kệ hàng bắt đầu đổ, ông Túp cũng chạy ra ngoài nhưng không kịp. Hàng đổ ập xuống, ép ông vào sát vách kho trong tư thế đứng, hai tay dang ra không thể cựa quậy.
 
Ông đứng như vậy trong khoảng năm giờ thì được phát hiện, đưa thẳng tới Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Bình để điều trị. Mặc dù không bị thương tích nhưng tinh thần ông hoảng loạn cùng cực. Nhiều đêm đang nằm ngủ ông bỗng hét lên kêu cứu, rồi vùng chạy ra khỏi giường.
 
“Tôi luôn phải thức canh ảnh, khi nào thấy động tay động chân là phải đè lại ngay” - bà Trần Thị Siêng, vợ ông Túp, kể. Một tuần sau tai nạn, ông Túp xuất viện, nhưng nỗi ám ảnh về vụ tai nạn cứ đeo theo ông trong từng giấc ngủ.
 
Khoảng hai tuần sau sự cố, ông Túp cùng một số đồng nghiệp được Công ty Hùng Cá lấy xe 16 chỗ đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy thăm anh Sang đang điều trị tại đây.
 
Tận thấy, tận nghe những gì anh Sang đã trải qua, đặc biệt là tâm trạng và những suy nghĩ của anh Sang khi bị vùi lấp trong kho lạnh, tinh thần ông Túp đã thay đổi hẳn.
 
Ông nói: “Tôi bị kẹt trong kho có năm giờ, còn Sang ở đó tới năm đêm. Tình cảnh của tôi so với Sang chẳng thấm vào đâu. Vậy mà Sang vẫn vượt qua, vì em ấy có niềm tin, có nghị lực, có ý chí sống mạnh mẽ”.
 
Ý chí sống của Sang đã truyền sang cho ông Túp, giúp những ám ảnh và nỗi sợ vô hình từ vụ tai nạn dần tiêu tan trong ông. Nhờ vậy mà một tháng sau ngày bị nạn, ông Túp đã trở lại làm việc như cũ, ngay tại nơi ông và anh Sang từng gặp nạn!
 
Trường hợp hi hữu
 
Ngày 19-7-2014, một số công nhân của Công ty Vạn Ý đang làm việc trong kho lạnh thì bất ngờ hàng loạt dãy kệ hàng sập đổ dây chuyền do xe nâng va chạm vào một kệ hàng.
 
Nhiều người đã kịp thoát thân hoặc được cứu sau đó. Riêng Mai Thanh Sang, công nhân lái xe nâng, vẫn biệt tăm.
 
Trên 2.000 lượt người tham gia tìm kiếm và chuyển hàng, bao gồm lực lượng cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp, các đơn vị bộ đội đóng gần đó và công nhân đang làm việc tại công ty, cả chó nghiệp vụ cũng đã hai lần được đưa đến hiện trường nhưng vẫn không tìm thấy anh Sang.
 
Mãi tới đêm thứ năm, khi đã bốc dỡ khoảng 70% lượng hàng trong kho (khoảng 3.000 tấn) và mọi hi vọng gần như đã tắt thì người ta nghe thấy tiếng kêu cứu của Sang.
 
Nạn nhân được đưa đến bệnh viện trong tình trạng huyết áp tụt thấp, chân tay tím tái do bị phỏng lạnh nhưng vẫn tỉnh táo.
 
Các y bác sĩ tiếp nhận, cứu chữa cho anh Sang từ tuyến huyện tới tuyến cao nhất đều nhìn nhận đây là trường hợp hi hữu về khả năng sinh tồn của con người.
 
NGỌC TÀI
 
Gieo niềm tin cho đội cứu hộ
 
Trung úy Bùi Hải Đăng, cán bộ Phòng cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn Đồng Tháp, nói cuộc đời cứu nạn cứu hộ của anh sẽ không bao giờ quên được khoảnh khắc đáng nhớ khi nghe thấy tiếng kêu cứu của anh Sang:
 
“Lúc đó gần nửa đêm rồi, anh em công nhân khuân vác hàng đổi ca, chỉ còn nhóm cứu nạn cứu hộ trong kho. Đêm khá tĩnh lặng nên mới nghe được tiếng kêu cứu của Sang dưới đống hàng hóa.
 
Ban đầu anh em tưởng ai đó trong kho chọc ghẹo nhau cho bớt căng thẳng vì không ai dám nghĩ ảnh vẫn còn sống. Sau đó mọi người vỡ òa hạnh phúc khi nghe Sang gọi lần nữa. Lúc đưa ra xe cấp cứu anh Sang vẫn khá tỉnh táo, còn trò chuyện vui vẻ với anh em trong đội.
 
Thật nể phục ý chí phi thường của anh Sang, vì anh em trong đội cứu hộ dù lì cách mấy cũng chỉ chịu được chừng một giờ ở trong kho rồi phải đổi ca. Còn anh Sang mấy ngày đêm liền không ăn uống, nhiệt độ quá thấp lại có thể chịu đựng được.
 
Sau sự kiện này, những người làm công tác cứu hộ cứu nạn đều mang theo mỗi chuyến đi một niềm tin có thể cứu sống người trong hoàn cảnh có khắc nghiệt nhất, cho dù chỉ còn một tia hi vọng mong manh mà thôi. Ý chí sống của anh Sang đã gieo niềm tin kỳ diệu đó cho anh em chúng tôi”.
 
Bác sĩ Nguyễn Phong Vũ, khoa ngoại tổng quát Bệnh viện huyện Thanh Bình, cũng không thể nào quên những đêm ông cùng đồng nghiệp túc trực bên xe cứu thương tại hiện trường vụ tai nạn.
 
“Tới đêm thứ năm, anh em ai cũng mất hi vọng về việc cứu sống anh Sang nhưng không ngờ anh ấy lại có ý chí sống mãnh liệt đến như vậy. Sau này tìm hiểu mới biết bản thân anh Sang có sức khỏe rất tốt.
 
Có thể trong điều kiện khắc nghiệt như vậy cơ thể anh Sang đã điều tiết hoạt động trích xuất năng lượng để nuôi sống các cơ quan quan trọng trong cơ thể. Cùng với đó là một ý chí kiên định đến cùng nữa” - bác sĩ Vũ chia sẻ.
 
TẤN ĐỨC
Tin bài liên quan
Loading...