Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10549
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Sống vô tư với thuốc trừ sâu !
Rất nhiều nông dân không chú ý đến các biện pháp an toàn khi sử dụng thuốc trừ sâu, nhất là không có đồ bảo hộ lao động, không đeo khẩu trang, không để ý hướng gió, liều lượng phun xịt...
 
 
Một cuộc khảo sát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) gần 200 nông dân ở xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang của Trung tâm Nghiên cứu phát triển nông thôn và khoa Nông nghiệp - Tài nguyên thiên nhiên Trường Đại học An Giang cho thấy nông dân quá lơ là, chủ quan trong việc sử dụng thuốc BVTV. Đây là một trong những mối nguy hiểm đe dọa sức khỏe con người và môi trường sống ở cộng đồng dân cư.
 
Những thói quen nguy hiểm
 
Qua khảo sát, nhiều nông dân cho biết việc sử dụng các loại thuốc BVTV trong phun xịt lúa đều làm theo kinh nghiệm, thói quen, nghe người khác mách bảo hay chủ tiệm bán thuốc BVTV giới thiệu. Kết quả khảo sát cách sử dụng thuốc BVTV cho thấy: 93 người dựa vào kinh nghiệm; 36 người quyết định mua thuốc theo đề nghị của bạn bè, người quen; 32 người nghe theo đề nghị của người bán thuốc BVTV và chỉ có 16 người dựa vào thông tin trên nhãn hiệu. 
 
Ngoài ra, rất nhiều nông dân không chú ý đến các biện pháp an toàn khi phun xịt thuốc, nhất là không có đồ bảo hộ, không đeo khẩu trang, không để ý hướng gió, liều lượng phun xịt. Anh Đặng Văn Na, nông dân ở xã Vĩnh Hanh, thừa nhận vẫn thường nghe báo đài, ngành chức năng yêu cầu phải đeo khẩu trang khi phun xịt thuốc để tránh bị ngộ độc nhưng rất ít khi anh làm theo. 
 
 
Nông dân pha thuốc bảo vệ thực vật phun xịt lúa ngay tại đồng ruộng mà không đeo khẩu trang và găng tay
 
 
“Quẩy bình thuốc 16 lít nặng muốn xệ vai, lội dưới lúa cao, đất lún không đủ hơi mà thở, mang khẩu trang vào chắc chết ngợp. Hơn nữa mình đất ít, chỉ xịt hơn chục bình là xong, mất công bao tay, bịt mặt bực bội, lu bu lắm”- anh Na nói. 
 
Còn anh Lái Em (người chuyên xịt thuốc sạ phân mướn ở huyện Châu Thành-An Giang) thì thật thà phân bua: “Hằng ngày phải mang bình thuốc sâu lội dưới nắng chang chang nhưng cũng chỉ kiếm được 60.000 đồng– 70.000 đồng. Số tiền đó chỉ đủ mua gạo, mua thuốc cho con, làm ngày nào hết ngày đó. Cơm gạo lo còn không nổi nói chi đến trang bị đồ bảo hộ”.
 
Ăn, uống bên cạnh... thuốc trừ sâu
 
Chúng tôi tới nhà anh Thẳm, một nông dân ở huyện Châu Thành (An Giang), khi anh vừa mang bình xịt thuốc trừ sâu về đến nhà. Đặt bình xịt bên hành lang rồi lấy hai thùng nước rửa qua loa, anh Thẳm cho biết: “Vừa xịt thuốc khai quang để diệt đám mai dương cặp mé lung nên chỉ cần rửa sơ bình xịt vì ngày mai còn phải phun thuốc sâu cuốn lá đám ruộng trước nhà”. 
 
Và thế là, sau 2 lần cho nước lạnh vào bình xịt lắc lắc vài cái, anh Thẳm đem bình đặt ngay góc bếp, còn chai thuốc bỏ vào bọc ni lông treo lơ lửng ngay chỗ nấu thức ăn. Rửa tay vội vàng, anh giở chiếc lồng bàn đậy mâm cơm đã dọn sẵn và ăn ngon lành. Chúng tôi hỏi không sợ ngộ độc thuốc hay sao mà không vệ sinh sạch sẽ rồi hãy ăn cơm? Anh Thẳm cười như giễu cợt: “Tôi làm ruộng nhiều năm, có thấy ngộ độc gì đâu”.
 
Không chỉ có nông dân, một số chủ cửa hàng bán thuốc BVTV cũng phớt lờ và chủ quan với những nguy hiểm đang rình rập. Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các cửa hàng bày biện thuốc đủ loại ngay tại gian nhà trước để bán và vô tư ăn uống cạnh quầy thuốc hôi nồng nặc. 
 
Chúng tôi ghé vào một tiệm bán thuốc BVTV ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp hỏi mua loại thuốc trị bệnh trên cây màu, chủ cửa hàng đang ăn cơm cùng gia đình vui vẻ đứng dậy lấy hàng. Sau một hồi lục trong đống bịch lố nhố, anh cho biết đã hết loại thuốc này và đưa chúng tôi loại khác để thay thế. Chúng tôi từ chối, anh bỏ bịch thuốc vào tủ rồi quay lại cầm chén cơm ăn ngon lành như không có chuyện gì xảy ra.
 
Kỳ tới: Tiềm ẩn ngộ độc và ô nhiễm môi trường
Bài và ảnh: Quốc Dũng
 
Tin bài liên quan
Loading...