Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 2
Tổng lượt truy cập: 10528
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Sức khoẻ cho phụ nữ nông thôn vẫn bỏ ngỏ
Lao động nữ vẫn được coi là trụ cột của nhà nông. Nam giới phần lớn rời nhà lên Thành phố kiếm sống. ở nhà, các chị gánh vác việc hầu hết từ nhỏ tới to. Do sự thiếu hiểu biết hoặc vì không hiểu nên nhiều chị em coi trời bằng vung và tự vung phí sức khoẻ chính mình.
 
Dùng thuốc trừ sâu... gội đầu!
 
Việc sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật (HCBVTV), chị em đang rất coi thường. Cứ thấy loại nào rẻ thì mua về dùng mà không cần biết sử dụng như Monitor và Wolfatox vẫn được sử dụng bừa bãi. Có tới 70% chị em phụ nữ ở nông thôn miền Bắc thường xuyên đi phun hoá chất và nhiều chị đang mang thai, có kinh nguyệt, đang cho con bú cũng đi phun. Khi được hỏi có biết về tác hại của các thứ hoá chất đó không?, các chị đều trả lời: "không ai nói cho biết cả". Còn những chuyện trong sinh hoạt thì vô kể. Thấy đầu có chấy, chị em nghĩ ngay ra cách trị chấy bằng cách hoà thuốc trừ sâu với nước rồi đem gội đầu. Chấy chết rồi thì tóc rụng hết, da đầu lở loét. Có chị giận chồng, lấy thuốc sâu sát lên người để doạ chồng. Một lúc sau thuốc sâu thấm qua da vào máu gây ngộ độc nặng rồi tử vong... Những chuyện như thế này ở các chị em làm nông nghiệp không phải là hiếm. Tất cả chỉ do họ không được cung cấp các kiến thức thông thường và được hướng dẫn sử dụng các loại hoá chất. Lỗi này phải có một phần của các cơ quan quản lý.
 
Không lẽ lại bó tay?
 
Gần 70% chị em làm nông nghiệp đã từng phun HCBVTV có các biểu hiện nhiễm độc HCB-VTV. Tỷ lệ sảy thai ở những phụ nữ này lên tới 10%. Thống kê của Viện Khoa học kỹ thuật Bảo hộ Lao động cho thấy, chị em bị tai nạn rất cao 130 trường hợp/10.000 dân, trong đó 58% do tai nạn lao động. Do công việc nặng nhọc, gần 90% chị em không được khám sức khoẻ, 35% mắc một số bệnh như phụ khoa, hô hấp. Nếu như phụ nữ làm việc trong các ngành công nghiệp được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, được trang bị các phương tiện bảo hộ lao động, được các đoàn thể đứng ra bảo vệ quyền lợi... thì ngược lại phụ nữ làm ở các làng nghề thủ công vì cuộc sống đã chấp nhận một môi trường lao động đầy nguy cơ đối với sức khoẻ. Làm nghề bún ở làng nghề chế biến bún thôn Tiền Ngoài - Khắc Niệm - Tiên Du - Bắc Ninh, chị em phải làm bún trong những nhà bếp lụp xụp thiếu ánh sáng, không đảm bảo vệ sinh. Nước thải làm bún chảy ra những ao sau làng và trở thành nơi ô nhiễm cho cả làng. Các làng nghề sản xuất cơ khí và chạm bạc thì bụi Fe với hàm lượng lớn 0,47mg/m3 làm không khí cả làng lúc nào cũng có mùi tanh. Môi trường tại các làng nghề luôn trong tình trạng, hàm lượng bụi vượt 4-5 lần, nồng độ hơi khí độc đã vượt tiêu chuẩn cho phép từ 2-3, 5 lần, đặc biệt có lúc lên tới 36 lần. Điển hình là cuối năm 2000 tại xã Văn Môn - Bắc Ninh đã xảy ra một vụ ngộ độc selen làm 38 người phải đi cấp cứu, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
 
Đây là những con số mà dự án Bảo vệ sức khoẻ lao động nữ trong nông nghiệp và làng nghề do Vụ Y tế dự phòng - Bộ Y tế khảo sát từ năm 2000 đến nay đã cho thấy được phần nào nỗi vất vả của những người phụ nữ đang sống nơi thôn quê bằng nghề nông. Hầu như tất cả chị em đều không được khám sức khoẻ, trong đó 35% đang mắc các bệnh phụ khoa, đường hô hấp, cảm cúm, suy nhược cơ thể... Năm 2002, dự án đã triển khai hoạt động tại 7 tình trọng điểm nông nghiệp và làng nghề: Yên Bái, Hưng Yên, Nam Định, Nghệ An, Tiền Giang... Nội dung của dự án là hướng dẫn áp dụng các biện pháp cải thiện điều kiện lao động tại 293 hộ gia đình. Các yếu tố điều kiện lao động như an toàn máy móc, nông nghiệp, bảo quản sử dụng HCBVTV, tổ chức lao động hợp lý, điều kiện sống... được tập huấn cho nhiều phụ nữ trong độ tuổi lao động. Dự án này mới được triển khai trên một phạm vi hẹp, chưa phổ biến nhiều ở các tỉnh trên toàn quốc. Vì vậy việc quan tâm đến lao động nữ ở các vùng quê đến giờ vẫn còn nhiều khoảng trống. Qua một dự án của Bộ Y tế đã cho thấy rằng, người phụ nữ làm nghề nông và các làng nghề khác đang còn chịu quá nhiều thiệt thòi.
 
Tin bài liên quan
Loading...