Bốc xúc đất đá phục vụ khai thác than lộ thiên tại Công ty CP than Cọc Sáu (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam).
Trong năm qua, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) phải đối mặt với nhiều khó khăn. Bằng nhiều giải pháp thiết thực, kịp thời, sản xuất, kinh doanh của ngành vẫn phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, về lâu dài, yêu cầu cơ cấu lại doanh nghiệp, cơ cấu lại sản phẩm, có giải pháp đồng bộ giúp TKV phát triển bền vững đang được đặt ra cấp thiết.
Nỗ lực vượt khó
Theo Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải, sản xuất, kinh doanh của TKV trong năm qua đối mặt nhiều yếu tố bất lợi như thời tiết mưa lũ bất thường và sự biến động của thị trường than - khoáng sản trong nước cũng như trên thế giới. Mưa nhiều đã tác động trực tiếp đến sản xuất, khai thác của hầu hết các đơn vị trong ngành than, khoáng sản. Trong khi đó, thủy điện đã phát huy tối đa công suất, nhu cầu từ nhà máy nhiệt điện giảm, khiến than tiêu thụ nội địa giảm 4 triệu tấn so kế hoạch; giá tính thuế tài nguyên điều chỉnh tăng so với giá bán thị trường; điều kiện khai thác than ngày càng khó khăn hơn, nhu cầu sử dụng than trong nước giảm,... Những yếu tố không thuận lợi của thị trường đặt ra nhiều thách thức cho TKV trong việc bảo đảm kế hoạch sản xuất đề ra từ đầu năm. Để hoàn thành mục tiêu sản xuất, kinh doanh, TKV đã kịp thời nắm bắt tình hình thị trường, chuyển hướng sản xuất và tiêu thụ các loại than có chất lượng, giá trị cao, đáp ứng nhu cầu cho các đơn vị trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu để bù vào sản lượng than bán cho ngành điện giảm mạnh. Đồng thời, tập trung tái cấu trúc toàn diện, ưu tiên đầu tư khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực,... cơ bản đạt kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2017 đã đề ra.
Kết thúc năm 2017, sản xuất than nguyên khai của TKV đạt 35 triệu tấn; tiêu thụ 35,6 triệu tấn, một kết quả không nhiều người nghĩ sẽ đạt được ở thời điểm đầu năm. Doanh thu toàn Tập đoàn đạt hơn 109 nghìn tỷ đồng, bằng 102,2% so với kế hoạch và tăng 7,3% so với thực hiện năm 2016. Điểm đáng chú ý trong hoạt động khai thác khoáng sản của TKV trong năm 2017 là sản xuất a-lu-min đạt hiệu quả cao. Tận dụng thời điểm giá a-lu-min tăng cao, TKV đã đẩy mạnh khai thác với sản lượng năm 2017 đạt 1,14 triệu tấn, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2016. Nhà máy A-lu-min Nhân Cơ (Đác Nông) trong năm đầu đi vào sản xuất đã đạt mức sản lượng cao, tới 501 nghìn tấn/650 nghìn tấn theo thiết kế. Nhà máy Bô-xít - Nhôm Lâm Đồng có lãi trước một năm so kế hoạch. TKV cũng bảo đảm kế hoạch sản xuất điện với sản lượng đạt 9,38 tỷ kW giờ, tăng 10,4% so thực hiện năm 2016. Năm 2017, TKV nộp ngân sách Nhà nước 14 nghìn tỷ đồng, tăng 1.000 tỷ đồng; lợi nhuận hơn 2.500 tỷ đồng, tăng khoảng 1.500 tỷ đồng so năm 2016. Tất cả các khối kinh doanh trong tập đoàn đều có lãi. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu hợp nhất toàn tập đoàn gấp 2,5 lần, giảm 0,11 lần so với năm 2016; trong đó, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ - TKV gấp 1,76 lần (giảm 0,1 lần so với năm 2016). Hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh đã giúp TKV bảo đảm tiền lương bình quân của người lao động đạt 9,4 triệu đồng/người/tháng, bằng 103,6% so với năm 2016.
Là một trong những địa phương gắn bó mật thiết với ngành than, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long chia sẻ, sự nỗ lực, cố gắng của TKV cũng như các đơn vị trong ngành, đã đóng góp tích cực cho GDP và ngân sách địa phương. Các doanh nghiệp sản xuất than - khoáng sản đóng góp 40% mức thu nội địa trong tổng thu ngân sách của tỉnh (khoảng 11 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ); giải quyết việc làm cho 100 nghìn lao động.
Tập trung tái cơ cấu
Trong năm qua, nhiều công trình trọng điểm của ngành than có ý nghĩa bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia đã được đưa vào hoạt động như Nhà máy sàng tuyển than Vàng Danh 2, công suất hai triệu tấn/năm; hệ thống băng tải vận chuyển than giai đoạn I, từ Khe Ngát ra cảng Điền Công, công suất sáu triệu tấn/năm, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước,... Bên cạnh đó, công tác
bảo hộ lao động được TKV hết sức chú trọng, bảo đảm an toàn trong sản xuất. Tuy nhiên, một số lĩnh vực của Tập đoàn vẫn còn bộc lộ những khiếm khuyết trong sản xuất và kinh doanh, cần sớm chỉ đạo quyết liệt để khắc phục trong thời gian tới, như chất lượng than còn thấp, hoặc chưa phù hợp yêu cầu của các hộ tiêu thụ, tỷ lệ than tồn kho lớn, giá thành sản xuất than còn cao; việc triển khai các dự án chế biến khoáng sản sâu còn chậm, lúng túng. Mặt khác, hiệu quả đầu tư một số dự án còn thấp, chậm tiến độ; thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng chưa được khắc phục triệt để; tình trạng gian lận trong kinh doanh, vận chuyển khoáng sản gây thất thoát tài nguyên vẫn còn diễn ra,... Những hạn chế này đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả vốn đầu tư, làm tăng giá thành sản xuất và giảm sức cạnh tranh sản phẩm của TKV.
Theo dự báo, trong năm nay, nước ta vẫn tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Những hạn chế về cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm; quá trình tái cơ cấu chỉ đang ở giai đoạn bước đầu và còn nhiều vướng mắc; các cân đối vĩ mô chưa thật sự ổn định, lạm phát luôn có nguy cơ tăng cao trở lại; sản xuất, kinh doanh và giải quyết việc làm đang rất khó khăn. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá: Bên cạnh kết quả tích cực đạt được trong năm qua, TKV đang đứng trước những thách thức, hạn chế cần tập trung khắc phục trong năm nay và những năm tiếp theo. Tiêu thụ than còn chịu nhiều tác động của yếu tố khách quan do nhu cầu thị trường, trong khi cơ cấu than của TKV còn có điểm chưa phù hợp để đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng. Tình trạng tai nạn lao động tuy có giảm song không thể chủ quan; giá thành sản phẩm than còn cao do nhiều nguyên nhân như chi phí quản lý, năng suất thấp, thất thoát,...
Năm 2018 là năm bản lề trong thực hiện kế hoạch 5 năm (2016-2020), trước hết, TKV cần tập trung xác định rõ các ngành nghề, lĩnh vực, sản phẩm chính để tập trung phát triển; từ đó tái cơ cấu lại công ty mẹ, các công ty con, trọng tâm là cổ phần hóa doanh nghiệp thành viên. Trên cơ sở đó, tập trung tái cơ cấu đầu tư, trong đó tập trung nguồn lực để phát triển các sản phẩm có lợi thế, sức cạnh tranh cao, trên cơ sở đầu tư vốn, khoa học - công nghệ, đổi mới quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; tăng cường kiểm soát quá trình đầu tư, tránh thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng; nâng cao hiệu quả quản lý lao động gắn với việc bố trí lao động phù hợp, bảo đảm tăng thu nhập cho người lao động; tập trung đào tạo, đào tạo lại để phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; có giải pháp xử lý dứt điểm các đơn vị, dự án đầu tư kém hiệu quả,... Đồng thời, tập trung mọi nguồn lực, đẩy mạnh sản xuất các mỏ, các nhà máy chế biến; tăng năng lực sản xuất của các Nhà máy A-lu-min Tân Rai và Nhân Cơ; tập trung giải quyết các vướng mắc tại một số dự án,...