Qua vụ sập cần cẩu tháp của công trình xây dựng cao ốc văn phòng Contec Tower vừa qua tôi thấy hậu quả thật là nghiêm trọng. Không hiểu tại sao khi xảy ra tai nạn lao động, có thiệt hại nghiêm trọng về người và của thì các quan chức của các cơ quan chức năng lại hay đưa ra những ý kiến đại loại là: về vấn đề này, vấn đề nọ chưa có những quy định để điều chỉnh.
Như vậy chúng ta đã mặc nhiên chấp nhận một thực tế rất phủ phàng là cứ làm đi, nếu không xảy ra việc gì thì coi như là không có gì phải lo. Tôi cho rằng chỉ có người dân là lo mà thôi vì tai hoạ luôn luôn rình rập ở trên đầu và chung quanh mình.
Đúng là cái gì nó đến ắt phải đến, sự việc sập cần cẩu tháp sẽ còn xảy ra ở công trình xây dựng nào nữa đây? Chắc có lẽ chỉ có các cơ quan chức năng mới biết mà thôi, còn người dân và người đi đường chỉ biết rằng khi đi ngang những nơi này thì đi cho mau kẻo hoạ vô đơn chí, gặp rủi ro, xui xẻo.
Tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần để mắt và kiểm tra thường xuyên, nghiêm ngặt về việc chấp hành quy tắc an toàn trong lao động và tính an toàn kỹ thuật của các phương tiện, thiết bị kỹ thuật trên cao của các công trình xây dựng công nghiệp, dân dụng.
Tôi cũng không hiểu tại sao chúng ta lại công nhận và cho sử dụng những thiết bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại trong thi công xây dựng nhưng khi xảy ra tai nạn, sự cố thì lại phát biểu ý kiến cho rằng là ở Việt Nam chưa có những quy định về quản lý hoặc quy định về tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật đối với các loại thiết bị, phương tiện kỹ thuật này...
Vậy tôi xin hỏi từ trước đến giờ các cơ quan chức năng quản lý căn cứ vào đâu để mà quản lý rồi đến khi xảy ra sự cố thì lại cho rằng là chưa có các quy định . Tôi thiết nghĩ , nhà nước cần tham khảo các tiêu chuẩn của quốc tế hoặc các nước tiên tiến để xây dựng một hệ thống văn bản pháp luật quy định rõ ràng để làm căn cứ điều chỉnh và quản lý. . .
Tôi cũng cho rằng các cơ quan chức năng nếu thật sự là có trách nhiệm thì lẽ ra phải nghĩ đến việc đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng các văn bản pháp luật để quy định và quản lý, chứ đừng có chờ nước tới chân rồi mới nhảy, mất bò rồi mới lo làm chuồng hoặc khi tai nạn, sự cố xảy ra rồi mới tiến hành tổng kiểm tra, rà soát một cách đại trà giống như là chiến dịch.
Tôi cũng đề nghị các cơ quan chức năng đừng để xảy ra sự việc, chuyện đã rồi thì lại có ý kiến này nọ, mà trước tiên và trên hết là phải nhận thấy trách nhiệm của mình trước đã. Có như thế mới thật sự là có trách nhiệm trong quản lý.